Khỏe vẫn không “tinh binh”
Trước cửa phòng khám của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chúng tôi bắt gặp cảnh một nam giới tay run run cầm tờ kết quả xét nghiệm với "bản án" không “tinh binh”. Người phụ nữ trẻ đi cùng ngồi ghế chờ cũng thảng thốt đứng dậy nhìn tờ giấy rồi ôm chặt lấy anh động viên.
Chờ chàng trai qua cơn xúc động, trong vai bệnh nhân chúng tôi thể hiện rõ sự đồng cảm, chia sẻ: “Y học bây giờ rất phát triển, bệnh trọng như anh nhà tôi là không có “tinh binh” mà vẫn có thể sinh con, anh nản chí làm gì”. Như gãi đúng chỗ ngứa, chàng trai như thoát khỏi cơn đau, mắt sáng lên nhìn về phía chúng tôi chủ động hỏi chuyện.
"Anh nhà chị cũng không “tinh binh” mà vẫn có con à?". Tôi gật đầu, anh ta lại hỏi tiếp: “Vậy làm thế nào để có con?”. "Nhờ bác sĩ làm thủ thuật mà vẫn là con của anh ấy hẳn hoi. Chúng tôi đã có một cháu trai 5 tuổi rồi. Bây giờ lại đến nhờ để sinh đứa nữa".
"Phải thế chứ. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh, bố mẹ có mình tôi, từ nhỏ đã chăm sóc rất chu đáo, dinh dưỡng đầy đủ, tôi lớn lên cao to, khỏe mạnh. Trong chuyện ấy vợ không chê vào đâu được, vậy mà cưới nhau 2 năm vẫn không có con. Tôi chỉ nghĩ lỗi do cô ấy nhưng khi thăm khám hóa ra tại mình, trớ trêu quá".
80% nam giới xét nghiệm không “tinh binh” vẫn có thể có con
Không “tinh binh” (azoospermia) là hiện tượng nam giới xuất tinh nhưng trong tinh dịch không có “tinh binh”. Bệnh dễ chẩn đoán, nhưng điều trị lại rất khó khăn.
Tuy nhiên, nếu muốn hỗ trợ sinh sản bác sĩ chuyên khoa vẫn có thể can thiệp thành công cho khoảng 75 – 80% người xét nghiệm không “tinh binh” có con bằng “tinh binh” của mình.
Nguyên nhân không “tinh binh” thường do bít tắc đường dẫn tinh và do vấn đề của sinh tinh.
|
TS Lê Vương Văn Vệ cho biết: “Tôi từng khám, điều trị cho hàng trăm nam giới mắc bệnh không “tinh binh”. Triệu chứng rất khó xác định nếu không làm xét nghiệm, phân tích tinh dịch.
Trên lâm sàng, chúng tôi gặp nhiều nam giới hình thức ưa nhìn, khỏe mạnh, sinh hoạt tình dục tốt, trí tuệ phát triển, nhưng tinh dịch lại không có “tinh binh”. Và chỉ có xét nghiệm phân tích mới biết chính xác có “tinh binh” hay không”.
Có nhiều cách điều trị không “tinh binh” như phẫu thuật nối ống dẫn tinh với ống dẫn tinh; nối ống dẫn tinh với mào tinh, hoặc điều trị rối loạn sản xuất và chuyển hóa hormone sinh dục.
Cũng theo TS Vệ, trong hỗ trợ sinh sản với người không “tinh binh” là lấy “tinh binh” từ mào tinh, hay từ “túi hạt” bằng kỹ thuật vi phẫu, hoặc lấy “tinh binh” bằng kỹ thuật chọc hút mào tinh qua da, và có thể lấy “tinh binh” từ nhu mô tinh chờ đến ngày người vợ rụng trứng bơm trực tiếp vào tử cung để thụ thai.