Số bệnh nhi mới 3-4 tháng chiếm tỷ lệ rất đông và rất nhiều cháu bị sốt cao không dứt, viêm họng, sốt virus, tiêu chảy. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vào những ngày rét đậm (dưới 10 độ C), số bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện đã tăng lên từ 2-3 lần so với ngày thường. Do thời tiết lạnh kèm mưa bụi nên người già thường mắc các bệnh: Viêm phổi, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu… , trong đó có nhiều ca nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền cho nhân dân tại địa phương về phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em: nhà cửa phải được che chắn kỹ, chăn đệm phải đảm bảo đủ ấm, phải mặc quần áo đủ ấm trước khi đi ra ngoài; đồng thời, cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm. Trẻ em tại các nhà trẻ, trại trẻ không đảm bảo điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải đảm bảo đảm kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi, phương tiện cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp cấp do các loại virut đường hô hấp gây ra do thời tiết rét đậm rét hại và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém…
Theo chuyên gia y tế cho biết: Vào mùa đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mãn tính về đường hô hấp.
Nhiều công trình nghiên cứu và qua thực tế lâm sàng cho thấy nhiều bệnh lý có xu hướng gia tăng theo mùa như: mùa hè tỷ lệ các bệnh về đường tiêu hóa cao hơn so với các mùa khác; mùa đông các bệnh về hô hấp, các tai biến tim mạch tăng cao; ngược lại mùa xuân tỷ lệ các bệnh tật có xu hướng giảm… điều đó cho thấy chủ động phòng tránh bệnh tật theo mùa có ý nghĩa quan trọng trong phòng bệnh.
Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió (thay đổi vi khí hậu) đã tác động rất nhiều đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo cơ hội cho các bệnh, nhất là các bệnh hô hấp bùng phát. Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng.
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể: như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; cần tăng bữa đối với trẻ em và người già, các thức ăn phải nóng, ấm, nhiều chất đạm, giảm bớt lượng nước (giảm lượng canh).
Bên cạnh đó, hoạt động giữa ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh, hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp (lạnh) kèm với độ ẩm cao (do mưa gió) cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm long đường hô hấp trên; viêm phế quản phổi. Khi nhiễm lạnh ở những người có bệnh mãn tính sẽ dễ bùng phát như hen phế quản (bùng phát cơn hen), ứ dịch gây khó thở ở những bệnh nhân bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD); thở khò khè, khạc đờm do đợt cấp ở những bệnh nhân viêm phế quản mãn tính…
Giữ ấm cho cơ thể bằng cách sau: ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; không đi ra ngoài khi trời mưa nếu không có dụng cụ bảo vệ; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ; ăn uống thức ăn nóng ấm, tốt nhất là uống trà gừng nóng có thêm ít đường phèn; đội mũ, nón, che tai khi làm việc ngoài trời. Nếu không cần thiết thì không nên ra bên ngoài khi trời quá lạnh, hay mưa. Nhưng nếu vì một lý do nào phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài khi trời mưa thì phải đội mũ che kín tai để tránh nước vào tai gây viêm nhiễm (viêm tai giữa), viêm họng, viêm xoang… Ngoài ra, mọi người nên giảm hoặc tránh các thói quen xấu như: hút thuốc lá và uống rượu.
Các bác sỹ khuyến cáo: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý chuyện mặc ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Thời tiết những ngày này (và ít nhất là tới đầu tuần tới) không những lạnh mà còn có độ ẩm không khí rất cao, các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ.
Ngoài trẻ em thì người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp… cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ.
Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Nên ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối; tránh quá bữa, bỏ bữa, ăn nhiều bữa; chỉ nên ăn vừa tới no. Chất lượng bữa ăn cần bảo đảm đủ chất: đạm, đường, mỡ, sinh tố và chất vi lượng. Các loại thức ăn tốt với người cao tuổi là: thịt nạc lợn, gà, bò, cá quả, cá bống, trứng, sữa, đậu xanh, đậu nành; dầu thực vật, cá, tôm, cua; gạo tẻ. Các loại đậu, bánh mỳ; rau quả tươi cung cấp cho cơ thể các chất khoáng, vi lượng và các loại vitamin A, B, C, E… như su hào, bắp cải, cà chua, hành, tỏi, húng, mùi, cam, quýt, táo, xoài, đu đủ, dưa hấu, nho, chuối…
Ngoài ra mặc dù trời rét vẫn cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Đặc biệt, các thức ăn không nên dùng cho người cao tuổi là: thịt mỡ, thịt đông, các loại giò chả, lạp xường, xúc xích, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia… vì vừa khó tiêu, lại có các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi, gây gánh nặng cho tim mạch, gan, thận.
Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch… Đồng thời, tập luyện và nghỉ ngơi, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe. Duy trì một chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh, luyện tập, sinh hoạt thích hợp, tinh thần thoải mái có thể giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu, tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh, tuyệt đối không tắm biển vì nước lạnh và sóng to rất nguy hiểm.