Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sức khoẻ - Giới tính » Phát ốm vì "dọn cỏ" thô bạo

Phát ốm vì "dọn cỏ" thô bạo

Khi sử dụng dịch vụ này, nhiều người còn được tư vấn là "dọn sạch đồi" nếu có thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là việc làm "lợi bất cập hại" nếu can thiệp quá thô bạo.

Ốm nặng ngay sau khi…"dọn cỏ"

Chị Nguyễn Khánh Linh,  quận Cầu Giấy, Hà Nội cho  biết: "Cách đây 5 tháng khi tôi mới sinh con thứ hai, khi đi làm trở lại, chị em trong cơ quan có xì xào với nhau về dịch vụ làm đẹp "vùng kín". Thấy đánh trúng vào điểm yếu của mình nên tôi có dò hỏi một số người đã sử dụng dịch vụ này. Sau đó, tôi có lên mạng để tìm hiểu thêm thấy có một spa quảng cáo khá hấp dẫn: "Vùng bikini trở nên cứng và lộn xộn, tầng sinh môn rộng ra, là tình trạng thường thấy của phụ nữ sau sinh. Điều này, khiến chị em trở nên lúng túng và cảm thấy thiếu tự tin với cơ thể. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, "vùng kín" rậm rạp sẽ dễ bị ẩm ướt tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập gây nên các bệnh phụ khoa. Việc triệt  "cỏ vùng đồi" giúp cho "cô nhỏ" thông thoáng, hấp dẫn và khỏe đẹp hơn chứ không có hại. Nếu có là do bạn lựa chọn phương pháp triệt lông không đúng cách?!…".

"Đọc xong tôi thấy thuận tai liền và tìm đến địa điểm đó để "cải tạo". Không ngờ, ngay sau khi sử dụng dịch vụ về tôi đã thấy bất an, vùng kín rát, rất khó chịu. Một tuần sau đó, cảm giác ngứa rát tăng dần và cỏ vùng đồi phát triển trở lại. Thậm chí xuất hiện những chiếc "cỏ" mọc ngược, nổi mụn "vùng đồi". Sau đó, tôi phải đến phòng khám chuyên khoa để khám, bác sĩ cho biết tôi bị dị ứng hóa chất tẩy "cỏ" và phải dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê. Chữa trị kiên trì trong vòng một tuần vừa uống, vừa bôi mới hết cảm giác khó chịu đó. Điều tồi tệ nhất là sau khi phải sử dụng thuốc kháng sinh giúp "vùng đồi" ổn định tôi ít sữa hẳn làm cho con gái của tôi bị thiệt thòi", chị Linh cho biết thêm.

Một ngày sau khi "loại bỏ cỏ vùng đồi" chị Hoàng Thị Anh- Khu đô thị mới Định Công, Hà Nội cũng bị sốt, ớn lạnh và đau ở vùng đùi trái. Ban đầu chị nghĩ mình bị cảm lạnh đơn thuần nhưng 5-6 ngày sau, chứng bệnh ngày một tồi tệ hơn. Cơn sốt chỉ cắt được sau khi "khổ chủ" uống thuốc hạ sốt còn lại cứ sau 4-5 tiếng cô lại sốt trên 39độ rét run. Mặt rộc đi vì mất nước, da xám xịt vì mệt lử. Cuối cũng chị Anh phải đến phòng khám gần nhà.

Bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm trùng tế bào dưới da và mô dưới có khả năng biến chứng do những biến chứng liên quan đến sáp waxing. Sau đó chị Anh phải trải qua 15 ngày điều trị liên tục trong bệnh viện với những loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau "hạng nặng". Và cô đã phải mất hơn 1 tháng để phục hồi thể chất và trả giá cho một sự làm đẹp phù phiếm.

Chị Hoàng Thị Anh hồn nhiên: "Sau bài học xử lý "cỏ vùng đồi" tôi tôn trọng "tự nhiên", không dám đả động gì đến nữa. Nếu khi nào cảm thấy cần cho "cô nhỏ" chút thông thoáng thì tự tôi có thể xử lý được ở nhà".

Nhiễm trùng nếu làm không đúng cách
 

Những người không nên waxing vùng kín

Theo các chuyên gia y tế thì bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ nhiễm trùng da sau khi tẩy "cỏ vùng đồi". Đặc biệt đối với những người mang các bệnh như tiểu đường, bệnh thận hoặc bệnh gan mãn tính, da bị eczema hay vẩy nến, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch thì phải tránh xa waxing, tẩy cỏ bất kể là vùng nào trên cơ thể.

Theo các chuyên gia y tế, "cỏ vùng đồi" có tác dụng bảo vệ làn da nhạy cảm và màng nhầy "vùng kín". Vì thế khi waxing vùng kín, tức là làm mất đi một tấm lá chắn bảo vệ "khu vực rừng từ đầu nguồn". Hơn nữa, việc waxing vùng kín cũng làm tổn thương lớp da bên ngoài của vùng bikini, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Quá trình này tạo ra sự viêm nhiễm và giết chết các vi khuẩn có ích canh gác cho vùng kín. Từ đó, "cô nhỏ" có thể đối diện với nguy cơ nhiễm trùng da, nhiễm trùng các nang lông và "cỏ" có thể mọc ngược.

BS, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Vui, Trung tâm tư vấn SKSS Hiếu Thảo cho biết: "Cỏ vùng đồi" có thể làm giảm ma sát trong khi ân ái để tránh trầy xước hay những bất lợi khác. Tuy nhiên, vào mùa hè, nó có thể lại là một cản trở đối với những chị em muốn mặc bikini. Nhưng vì nhiều lý do, ví dụ như tâm lý truyền thống, lo lắng việc tẩy, cạo có thể khiến "cỏ" mọc dày hơn hoặc gây ra vấn đề ảnh hưởng sức khỏe nào đó… mà nhiều chị em không dám "dọn dẹp" vùng này gọn gàng hay sạch sẽ".

"Nếu thực hiện đúng việc dọn dẹp "cỏ" nhất là vào mùa hè có thể làm cho "cô nhỏ" mát mẻ hơn và cũng có lợi hơn cho sức khỏe. Ví dụ như sẽ làm giảm nguy cơ chị em bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới, chẳng hạn như bị nấm vulvitis, viêm âm đạo, nhiễm nấm âm đạo trichomonas và các bệnh lây truyền qua đường tình dục", BS Phạm Thị Vui khuyến cáo.

Tuy nhiên, BS. Nghiêm Minh Hương, Giám đốc Trung tâm tư vấn Y tế Minh Hương cho rằng: "Các biện pháp tẩy "cỏ vùng đồi" một cách thô bạo như laser, waxing hay cạo sau khi bôi kem nhẵn có thể ảnh hưởng phần nào đến các nang lông. Vì vậy, với những phụ nữ có "vùng đồi" quá rậm rạp do liên quan đến yếu tố di truyền và liên quan đến mức độ quá nhiều androgen và do một số thói quen cuộc sống. Chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể dẫn đến nhiều "cỏ" trên cơ thể. Ngoài ra, ăn thức ăn chiên xào, ăn quá nhiều lượng chất béo trong chế độ ăn uống, thiếu dinh dưỡng, lười vận động thể thao… cũng có thể dẫn đến việc lông phát triển mạnh ở cơ thể người phụ nữ".

Các chuyên gia khuyến cáo, để đối phó với tình trạng dày "cỏ vùng đồi", trước hết phụ thuộc vào việc có các bệnh nội tiết thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị tích cực. Đồng thời, chú ý đến việc cải thiện cuộc sống, nên ăn ít chất béo, ít ăn các loại thực phẩm có lượng calo cao như khoai tây chiên, bánh kem, thức ăn nhanh theo phong cách phương Tây, đồ uống có ga… Và thậm chí nên tập thể dục nhiều hơn để giảm "cỏ" giúp vùng kín được thông thoáng, khỏe mạnh. 

Gửi thảo luận