Những điều nói trên đúng tới mức độ nào? Một công trình nghiên cứu mới đây gợi ý là có mối tương quan nhất định giữa chế độ ăn và mụn trứng cá, đã tạo được sự chú ý của giới bác sĩ chuyên khoa da liễu.
NGHIÊN CỨU MỚI VỀ MỐI LIÊN QUAN GIỮA CHẾ ÐỘ ĂN VÀ MỤN TRỨNG CÁ
Trái với những thông tin được phổ biến lâu nay trong các bộ sách chuyên khoa da liễu, đó là "Chế độ ăn không ảnh hưởng gì tới mụn trứng cá", một công trình mới đây của BS. Cordain, GS về khoa học sức khỏe và thể dục ở Ðại học bang Colorado, Mỹ và các cộng sự đã kết luận: Việc tiêu thụ những thanh kẹo (candy bars), khoai tây chiên lát mỏng (potato chip), bánh quy (cookies), bánh rán (doughnuts), bánh bông lan (cakes), nước có ga (soda), bánh pizza, bánh mì trắng (white breads) và các thức ăn chế biến giàu bột – đường thông dụng hàng ngày trong văn hóa ẩm thực phương Tây có khả năng. dễ làm da mặt nổi mụn trứng cá!
Kết luận trên được đưa ra sau một cuộc khảo sát thực hiện trên 1.200 cư dân sống ở đảo Kitavan thuộc vùng Tân Ghinê Papua, gồm 300 người trong độ tuổi 15-25, và 115 thổ dân Ache sống bằng nghề đi săn và lượm hái (hunter-gatherers) ở Paraguay, trong đó có 15 người tuổi từ 15-25. BS. Cordain nhận xét: "Trong nhóm này chẳng có ai bị trứng cá cả". Chẳng bù với nhóm tuổi này ở Mỹ, có đến 80-95% thiếu niên bị nổi mụn trứng cá, thậm chí cả những người trưởng thành trung niên cũng còn bị. Nhóm nghiên cứu đã cố tìm nguyên nhân hiện tượng này bằng cách tìm hiểu chế độ ăn của hai nhóm dân cư trên… Cư dân đảo Kitavan chủ yếu là ăn cá, trái cây, khoai, rau củ và hầu như không biết thức ăn chế biến công nghiệp là gì, trong khi bữa ăn của nhóm "thợ săn và hái lượm" thuộc sắc tộc Ache chủ yếu gồm có rau, lạc, gạo, một chút thịt rừng và thi thoảng mới có mì, bánh mì và đường – do tiếp xúc với người phương Bắc.
CÓ PHẢI DO BỘT ÐƯỜNG TINH LUYỆN?
BS. Cordain tin rằng các thổ dân nói trên sở dĩ có làn da trơn tru, không nổi mụn trứng cá vì chế độ ăn của họ rất lành mạnh. Họ rất ít ăn bột – đường tinh luyện như bánh, kẹo ngọt – là những thức ăn có "chỉ số đường huyết cao", có nghĩa là làm cho mức huyết đường lượng tăng lên quá cao. Bữa ăn lấy bột – đường tinh luyện làm lương thực cơ bản có khả năng khơi dậy một "dòng thác nội tiết" (trigger a "hormonal cascade") dẫn tới… mụn trứng cá. Theo giả thuyết của BS. Cordain: Khi huyết đường lượng tăng cao, tuyến tụy bắt buộc phải tiết ra thêm insulin và có tác động phóng thích các kích thích tố nam cũng như các yếu tố tăng trưởng (triggers the release of male hormones and growth factors). Cuối cùng da tiết ra nhiều dầu và đổi mới nhiều tế bào làm bít lỗ chân lông.
Cũng có thể các cư dân kể trên có được làn da mịn màng là do gen di truyền, song tác giả nhận thấy những nhóm cư dân hải đảo Thái Bình Dương hay sắc tộc Nam Mỹ nếu di cư sang những vùng theo chế độ ăn Phương Tây… thì y như rằng sẽ nổi mụn trứng cá! Trước đây, người ta cũng có những nhận xét tương tự đối với dân Eskimo khi họ bắt đầu làm quen với các thức ăn phương Tây.
Từ khi BS. Cordain công bố kết quả công trình nghiên cứu của mình trên báo The Archives of Dermatology (Văn thư lưu trữ về khoa da liễu), ông đã được nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp đồng tình với quan điểm: Ăn theo chế độ dinh dưỡng phương Tây dễ bị mụn trứng cá!
GIỚI CHUYÊN MÔN CHƯA NHẤT TRÍ
Tuy nhiên bà Alexa Boer Kimball, Phó giáo sư khoa Da liễu ở Ðại học Stanford, cho là ban giám khảo chưa nhất trí về mối tương quan giữa chế độ ăn và mụn trứng cá. Ðiển hình nhất là các bác sĩ da liễu vẫn nói với bệnh nhân là chế độ ăn không ảnh hưởng gì tới mụn trứng cá. Theo bà: "Công trình nghiên cứu này mới đặt lại vấn đề nhưng chưa đi đến kết luận dứt khoát về bất cứ chiều hướng nào".
Bà Kimball còn nêu một yếu tố có thể giải thích tại sao các nhóm cư dân nói trên không bị mụn trứng cá, đó là họ thường xuyên sống ngoài trời nên da luôn được "phơi nắng". Tuy nhiên, hiện các bác sĩ cũng không khuyên những ai bị mụn trứng cá nên phơi nắng vì ánh nắng có khả năng làm tổn thương da, khiến da dễ có nếp nhăn và có nguy cơ bị ung thư da. Còn Viện Hàn lâm Da liễu vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng thức ăn không phải là nguyên nhân gây nên trứng cá. Tuy nhiên vẫn luôn nhấn mạnh là cần có một chế độ ăn uống cân đối về dinh dưỡng và ghi nhận có những ý kiến khác nhau của các chuyên viên da liễu về vấn đề này. Một trong số các ý kiến đó là của BS. Karen Burke, có phòng khám tư ở New York: "Tôi thực sự nghĩ một số thức ăn có thể làm nổi mụn trứng cá". Theo BS. K. Burke, những thức ăn có thể gây nổi mụn trứng cá là chocolate, các quả hạch (nuts), khoai tây lát mỏng chiên giòn (potato chips), nước ngọt có ga (soda), yaourt (yogurt) và những sản phẩm từ sữa khác, những thức ăn có hàm lượng iod cao như tôm, cua, sò ốc (shellfish) và rau bó xôi (spinach).
BS. Cordain cho biết hiện đang có 2 công trình nghiên cứu, một ở Úc và một ở Thụy Ðiển quan sát những người bị trứng cá chuyển cách ăn uống từ chế độ gồm nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết cao sang một phép tiết thực giảm thiểu chúng (nhưng mang lại nhiều rau, trái cây, cá và thịt nạc), xem có hết nổi mụn không?
CÁC CHẤT KHÁNG ÔXY HÓA VÀ DA BỊ LÃO HÓA
Không có bằng chứng gì rõ rệt cho thấy một số chế độ tiết thực hay thuốc bổ bổ sung tiết thực có khả năng đảo ngược lại các dấu hiệu lão hóa da và ngay cả phòng tránh ung thư da. Hiện chỉ mới có những công trình nghiên cứu trên súc vật là gợi ý nên tiêu thụ các vitamin như C và E để có thể trung hòa được các tổn thương ở da do phơi nắng. Và theo BS. Burke, căn cứ trên những liều lượng sinh tố có hiệu quả trên súc vật, rất khó cung cấp được cho con người những lượng sinh tố tương đương nếu chỉ bằng chế độ ăn, vì vậy bệnh nhân nên uống thêm vitamin E và C liều cao.
BS. Kimball cũng khuyên bệnh nhân nên uống thêm mỗi ngày một viên multivitamin. Tuy nhiên bà cho rằng: "Không có công trình nào xác định được chắc chắn việc uống thêm vitamin như vậy sẽ bảo vệ được làn da". Về các sản phẩm bổ sung tiết thực khác do BS. Kimball nêu lên, có dầu anh thảo (evening primrose oil) hiệu quả trong điều trị viêm da dị ứng (atopic dermatitis), trong khi các viên dầu cá (fish oil supplements) có thể làm một số bệnh nhân bị "vẩy nến" (psoriasis) thuyên giảm. Theo bà nhận xét, những người bị thiếu dinh dưỡng cùng cực (people with extreme dietary deficiencies) có thể cần uống vitamin bổ sung để phòng và trị một số bệnh. Thí dụ thiếu vitamin PP (niacin deficiency) có thể dẫn tới bệnh phong da sần pellagra, là một căn bệnh có triệu chứng tổn thương da tróc vẩy ở những vùng da tiếp xúc với nắng; Còn tình trạng thiếu vitamin C có thể dẫn tới bệnh hoại huyết Scorbut cũng gây nên tổn thương da.
MỘT SỐ THUỐC BỔ CÓ KHẢ NĂNG GÂY HẠI DA
Tuy nhiên cũng cần lưu ý về một số thuốc bổ có tác dụng xấu trên da. Theo BS. Kimball, cả dầu bạch quả lẫn dầu cây trà (gingko biloba and tea tree oil) đều gắn liền với chứng phát ban (linked with rashes). Bà cũng cảnh giác những người dùng lá "cỏ phát ban" (St. John’s wort) có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng.
Về các ảnh hưởng khác của bữa ăn đối với da, BS. Burke nhận xét là những người ăn quá ít chất béo có thể bị da khô (may experience dry skin). Vì vậy "Trong bữa ăn cũng cần có chút ít dầu, mỡ".
Còn những người có cơ địa bị dị ứng thức ăn (food allergies), nếu lỡ ăn phải các loại thức ăn gây dị ứng (đối với riêng họ), chẳng hạn như tôm, cua (shellfish) hay dâu tây (strawberries) có thể sẽ bị nổi mề đay và ngứa khắp mình.
Còn về lời khuyên cứ uống thật nhiều nước là sẽ có làn da đẹp – thì theo BS. Kimball: "Ðấy chỉ là sự tưởng tượng.".