Sau khi sinh, một số phụ nữ có thể chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ,… Thường xảy ra ở những bà mẹ sinh con đầu lòng do trong quá trình sinh nở gặp biến cố, sau khi sinh bị áp lực về nuôi con, gia đình không có sự thống nhất về phương pháp,… chăm sóc trẻ, thiếu sự quan tâm của chồng gây căng thẳng cho sản phụ…
Các triệu chứng trên thường xuất hiện khoảng vài ngày sau sinh, và có thể kéo dài trong khoảng 1 tuần thì chấm dứt. Hiện tượng này được xem là một phản ứng bình thường của nhiều sản phụ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc chung quanh, ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do, cảm thấy bồn chồn, âu lo, dễ tức giận, bi quan về tương lai,… thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh cần có biện pháp can thiệp sớm.
Để điều trị và phòng ngừa các biểu hiện trầm cảm sau sinh, ngoài điều trị bằng phối hợp thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ và tâm lý liệu pháp, trước khi sinh cả thai phụ và người chồng cần được giáo dục tiền sản để được cung cấp những kiến thức cơ bản về cách chăm sóc em bé, tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản để người chồng có thể hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất.
Ngoài ra các thành viên trong gia đình cần chú ý tạo một bầu không khí vui vẻ, đầm ấm, cùng nhau chăm sóc em bé và quan tâm đến sức khỏe người mẹ để người mẹ cảm thấy được chia sẻ sau lần vượt cạn. Bản thân người mẹ cũng nên chủ động đề nghị những người trong gia đình chia sẻ những khó khăn, vất vả khi chăm sóc em bé để có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.