TS. BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cho biết: “Thống kê tình hình bệnh ung thư ghi nhận trên địa bàn thành phố từ năm 2006 đến 2010 cho thấy xuất độ chung của tất cả các vị trí ung thư ở hai giới tăng trung bình là 5,4% mỗi năm. Đặc biệt có sự gia tăng cao của các loại ung thư vú, đại trực tràng và tuyến giáp.
Nguy cơ tích lũy mắc ung thư trong cuộc đời của nam giới là 15,8%. Chỉ riêng 5 loại ung thư đứng đầu là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu chiếm gần 57,8% tất cả các vị trí ung thư. Ở nữ giới nguy cơ tích lũy mắc ung thư trong cuộc đời là 12,7% trong đó các ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp chiếm 63,5%.
Trong nhóm tuổi từ 0 đến 14, ung thư máu chiếm vị trí hàng đầu ở cả hai giới, mắt, thận, xương, mô mềm là các vị trí tiếp theo. Nhóm tuổi từ 15 – 24, ung thư tuyến giáp là một trong những ung thư hàng đầu ở cả 2 giới, lúc này ung thư buồng trứng ở nữ giới bắt đầu xuất hiện và “lấn sân” các ung thư khác.
Ở nhóm tuổi từ 25 đến 34 ung thư tuyến giáp vượt lên đứng hàng đầu ở hai giới, ở nam giới lúc này ung thư đại trực tràng, ung thư gan bắt đầu xuất hiện; ở nữ giới ung thư vú trở thành một trong nhưungx ung thư thường gặp. Từ 35 tuổi trở lên, 5 loại ung thư chính (đã nêu) ở cả hai giới định hình rõ. Sau 65 tuổi, ung thư da là ung thư thường gặp ở cả hai giới, ung thư vú giảm ở nữ giới, sau 80 tuổi tỷ lệ ung thư giảm.
Theo nhận định của BS Xuân Dũng khi tuổi thọ trung bình được cải thiện thì ung thư đại trực trang sẽ gia tăng ở cả hai giới, ung thư tuyến giáp cũng sẽ gia tăng khi phương tiện chẩn đoán phát triển. Trước tình hình trên, BS Xuân Dũng đề nghị ngành Y tế nên áp dụng chương trình tầm soát các ung thư hàng đầu của hai giới với đối tượng từ 40 tuổi đến trước 80 tuổi. Riêng ung thư tuyến giáp có thể áp dụng với đối tượng từ 15 tuổi trở lên.