Thành phần chính trong thuốc trị cảm cúm gồm Acetaminophen, Phenylpropanolamin. Ngoài ra, có thể thêm thành phần chống dị ứng (Chlorpheniramin), giảm ho (Dextromethorphan) hoặc cả hai. Điều đáng lưu ý nhất là hàm lượng Phenylpropanolamin- chất giống amin giao cảm, có khả năng gây các tác dụng phụ như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đau ngực, gây chán ăn, buồn nôn, nôn. Liều dùng quy định là 25 mg/lần, nhưng trong các thuốc nêu trên thường có hàm lượng Phenylpropanolamin 25 mg, uống 2 viên trở lên là đã quá liều. Còn hướng dẫn sử dụng trên hộp thuốc và của các bác sĩ thì đều ghi liều cho một lần sử dụng là từ 1 đến 2 viên, 3-4 lần/ngày. Riêng trong thuốc Medicoldac có Phenylpropanolamin đến 75 mg, gấp 3 lần mức an toàn.
Nhân viên các nhà thuốc thường bán cho người bệnh thuốc cảm cúm một cách dễ dãi với các triệu chứng đau đầu, sổ mũi, sốt… mà không đòi hỏi phải có toa thuốc do bác sĩ chỉ định. Bởi vậy, số trường hợp rủi ro vì sử dụng thuốc tùy tiện ngày càng cao. Trong 5 tháng, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 14 bệnh nhân đến cấp cứu vì bị tác dụng phụ sau khi sử dụng thuốc trị cảm cúm
Theo các bác sĩ Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, các thuốc trị cảm cúm phổ biến hiện nay tại Việt Nam không an toàn như mọi người vẫn nghĩ do liều lượng chỉ định quá lớn. Riêng với Medicoldac thì một viên thôi cũng đã quá liều.