Cà Độc dược
Vị cay, tính ôn, có độc. Vào kinh Phế. Có tác dụng khử phong thấp, chữa hen xuyễn. Hoa cà thái mỏng, phơi khô, cuộn làm thuốc lá, trong khi hen, hút sẽ cắt cơn hen. Nước sắc dùng rửa những nơi da tê dại, hàn thấp, cước khí; uống trong dùng chữa kinh sợ.
– Cấm kỵ: Không dùng cho những người thể lực yếu.
Cà Gai leo
Tính mát, lơi tiểu, tiêu viêm, trừ thấp nhiệt, đau nhức răng, sâu răng, chảy máu chân răng.
Cam thảo (Cam thảo Bắc – Cần chú ý tránh nhầm lẫn với Cam thảo Dây và Cam thảo Nam)
Vị ngọt, tính bình. Để sống thì tả hoả, sao vàng thì ôn trung. Vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ Tỳ, nhuận Phế, thanh nhiệt, giải độc, điều hoà các vị thuốc. Cam thảo còn có công dụng chữa loét dạ dày và ruột.
Cát bối căn
Vị đắng, tính mát. Tiêu phù do bệnh ở Can, Thận.
Cát căn (Củ Sắn dây)
Vị ngọt, cay, tính bình, để sống thì tả hoả, sao vàng thì ôn trung. Vào 12 đường kinh. Có tác dụng giải nóng trong dạ dày và toàn cơ thể. Để sống phơi khô mà dùng. Cát căn còn là 1 vị thuốc chữa sốt, làm ra mồ hôi, chữa bệnh sốt khát nước, nhức đầu, lỵ ra máu. Lá Sắn dây chữa rắn cắn.
Cây lá Cối xay (Nhĩ hương thảo)
Vị ngọt, tính bình, lợi tiểu, mát gan, thận. Chữa sốt, tiểu tiện đỏ. Dùng sống hoặc phơi khô, sắc uống. Lá giã đắp mụn nhọt. Lá Cối xay tươi sắc uống làm tan rất nhanh chỗ sưng đau, đòn đánh, vấp ngã, mạnh không kém mật gấu. Đặc biệt còn chữa tai điếc, rất tốt.
Chi tử (Quả Dành dành)
Vị đắng, tính hàn. Vào 3 kinh Tâm, Phế và Tam tiêu, có tác dụng thanh nhiệt (chữa sốt) tả tâm hoả, sao đen nhập tâm thận, lợi tiểu, cầm máu. Dùng trong bệnh sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau mắt đỏ da vàng, tiểu tiện khó, thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu. Nhân dân còn dùng lá Dành dành giã nát, thêm tí nước, đắp lên nơi sưng đau do đòn, do bị tổn thương và đắp lên mắt đỏ đau.
Cỏ Nhọ nồi (Hạn Liên thảo)
Vị ngọt, chua, tính lương. Vào 2 kinh Can, Thận, có tác dụng bổ thận âm, bổ huyết, nhuận tràng, cầm máu, chỉ huyết lỵ. Dùng chữa can thận âm kém, lỵ và ỉa ra máu, làm đen râu tóc. Sao đen, hoặc để sống đều cầm máu. Phơi khô để dùng.
Cỏ Roi ngựa (Mã tiền thảo)
Vị đắng, tính hơi hàn. Vào 2 kinh Can và Tỳ. Lợi tiểu, chữa đái rắt, đái buốt. Còn tác dụng phá huyết, sát trùng, thông kinh. Dùng chữa bệnh lở ngứa hạ bộ, tiêu chứng. Nhân dân hay dùng Cỏ Roi ngựa tươi giã lấy nước uống, bã đắp lên mụn nhọt như sưng vú, hậu bối.
Cỏ Sữa
Tính mát, nhuận tràng, sát trùng. Chữa lỵ cấp. Thường dùng phối hợp với cây Rau Sam.
(Chú ý: ở nước ta có 2 loại cây Cỏ Sữa, loại nhỏ lá và loại Cỏ Sữa lớn lá. Loại Cỏ Sữa nhỏ lá tốt hơn và thường được nhân dân dùng nhiều hơn.)
Củ Gai (Trữ ma căn)
Vị ngọt nhạt, tính hàn, không độc. Có tác dụng tả nhiệt, tán ứ, chữa sang lở, đái rắt, tiểu tiện đục, tiểu tiện ra máu, viêm tử cung, trĩ ngoại (Lòi dom, không co lên được). Đặc biệt chữa động thai rất tốt (Có thai, đau bụng, nước vàng, đỏ vẫn chảy rỉ)
Cấm kỵ: Không dùng với người không thực nhiệt.