Jeff Gibert, giáo sư ngành sinh lý con người, người chủ trì cuộc nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc tập thể dục trước khi mang thai và tiếp tục duy trì suốt thai kỳ là phương pháp hiệu quả, giúp thai phụ giảm thiểu nguy cơ tiền sản giật (do chứng cao huyết áp trong thai kỳ gây ra)".
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Gilbert đã tạo ra chứng cao huyết áp ở chuột mang thai bằng cách hạn chế lưu lượng máu đến nhau thai chuột và theo dõi chúng sau sáu tuần tập thể dục trên bánh xe. Những con chuột trong nhóm thử nghiệm và nhóm kiểm soát chạy khoảng 30 km một tuần trước khi mang thai và khoảng 4,5 km mỗi tuần trong thai kỳ.
Các nhà nghiên nhận thấy, tình trạng thiếu máu cục bộ ở nhau thai gây ra cao huyết áp ở chuột đã được giảm nhẹ nhờ tập thể dục, đồng thời giúp phục hồi một số yếu tố tuần hoàn máu mà gần đây đã được biết đến là nguy cơ gây cao huyết áp, có liên quan với chứng tiền sản giật ở thai phụ.
Giáo sư Gilbert nói: “Việc tập thể dục chứng minh giúp cải thiện tế bào nội mô và giảm tình trạng căng thẳng oxy hóa trong số các con chuột bị cao huyết áp. Đồng thời, thể trọng của bào thai không bị ảnh hưởng và không có dấu hiệu của sự căng thẳng ở bào thai những con chuột bị cao huyết áp có tập thể dục”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý: cần tiến hành thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu việc tập thể dục có thực sự an toàn và có nên sử dụng như một phương thức điều trị cao huyết áp gây ra bởi không đủ lưu lượng máu ở nhau thai. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu cụ thể xem việc tập thể dục nên bắt đầu khi nào và mức độ luyện tập là bao nhiêu, để mang lại những lợi ích thực sự cho các thai phụ cao huyết áp,.
Nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Hypertension của Hiệp hội Tim Mỹ, số ra tháng 12/2012.