Thuốc bảo vệ niêm mạc là thuốc gì?
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày là các thuốc có chứa nhôm hydroxit và magie hydroxit. Các thuốc này có tác dụng bao phủ toàn bộ bề mặt niêm mạc dạ dày và tá tràng, đồng thời bám dính chặt để che phủ vết loét, ngăn không cho axit và vi khuẩn phá hủy. Chúng tuy không tác dụng vào cơ chế chính gây bệnh nhưng chúng lại có tác dụng rất đắc lực hỗ trợ điều trị.
Người ta thường gọi đây là những thuốc lành tính. Bởi chúng được bào chế theo một phương thức đặc thù, ít được hấp thu nhưng được thải trừ hoàn toàn qua phân. Phần hấp thu ít ỏi được thải trừ qua thận.
Tuy nhiên, câu chuyện của các thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày không chỉ đơn giản có vậy. Chúng hoàn toàn có thể gây ra sự tương tác ngoài mong muốn mà trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến hiệu lực điều trị.
Cần chú ý tới tương tác với thuốc khác
Suy giảm hiệu lực kháng sinh
Chẳng có gì lạ khi người bệnh vừa có viêm loét dạ dày lại vừa bị nhiễm trùng thận và bể thận. Khi đó việc dùng kháng sinh kết hợp là bắt buộc. Trong trường hợp này, cần dùng đồng thời thuốc bảo vệ niêm mạc và kháng sinh fluoroquinolon làm suy giảm hẳn hiệu lực điều trị bệnh thận.
Nguyên do là thuốc bảo vệ niêm mạc làm giảm tốc độ hấp thu của thuốc kháng sinh. Nồng độ đỉnh của kháng sinh không đạt được nồng độ diệt khuẩn. Hệ quả gây ra sự suy giảm hiệu lực kháng sinh, có thể dẫn đến kháng thuốc. Tác hại này cũng quan sát thấy với dòng tetracyclin. Tetracyclin là một kháng sinh hiệu quả để điều trị bệnh tả. Kháng sinh này có thể tiêu diệt vi khuẩn tả một cách triệt để. Nhưng nếu dùng cùng với thuốc bao phủ ổ loét, kháng sinh bị hạ thấp nồng độ hữu dụng trong cơ thể. Điều này dẫn đến hệ quả đích điều trị không được bảo toàn.
Cơ chế của hiện tượng này đó chính là thuốc bảo vệ niêm mạc tạo kết tủa với fluoroquinolon và tetracyclin. Do tạo phức hợp muối với thành phần nhôm hydroxit nên các kháng sinh bị kết tủa một phần tương đối lớn. Bằng những thử nghiệm dược lý, người ta thấy độ hấp thu của flouroquinolon có thể bị suy giảm tới 20%. Do đó mà nồng độ khả dụng diệt khuẩn không thể đạt được mức tối ưu.
Suy giảm khả năng chống nấm
Một trong những thuốc chống nấm được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng là thuốc ketoconazol. Người ta đã thử nghiệm cho người bệnh dùng đồng thời thuốc sulcrafat, một loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và thuốc ketoconazol. Theo dõi liên tục sau 4-12 giờ sau khi dùng thuốc, kết quả cho thấy, nồng độ đỉnh của thuốc ketoconazol bị suy giảm hẳn so với thông thường. Đồng thời, thời gian ghi nhận nồng độ đỉnh bị chậm lại so với khi không dùng chung. Điều này cho thấy, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày làm suy giảm tốc độ hấp thu của thuốc ketoconazol. Sự tương tác không có lợi này đương nhiên làm suy giảm khả năng diệt nấm.
Cơ chế được cho là do sự gia tăng độ pH trong dạ dày (giảm độ axit). Sự dùng thêm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày đã làm giảm hẳn độ axit trong dịch vị, gián tiếp gây ra suy giảm hấp thu ketoconazol. Sự suy giảm hấp thu càng hệ trọng khi nồng độ axit càng bị ít đi bởi thuốc bảo vệ niêm mạc.
Suy giảm nồng độ thuốc trị suy tim
Thuốc điều trị suy tim thường sử dụng là digoxin. Với người bệnh suy tim, người ta hạn chế dùng nhiều thuốc vì làm tăng sự khó thở và khó chịu cho người bệnh. Nhưng trong một số trường hợp như suy tim đã được điều trị ổn định hoặc bệnh kết hợp tương đối nghiêm trọng, việc kết hợp thuốc có thể xảy ra.
Khi thuốc digoxin được kết hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc, người ta quan sát thấy sự suy giảm nồng độ digoxin trong máu xảy ra. Đo nồng độ hiệu dụng của thuốc digoxin trong cơ thể người ta thấy nồng độ thuốc bị suy giảm tới gần 19% trong phổ hữu dụng. Điều này gây ra hậu quả thuốc không đủ liều để duy trì tác dụng cường tim.
Cơ chế là do thuốc bảo vệ niêm mạc kết hợp chặt chẽ với thuốc cường tim gây ra kết tủa thuốc này. Sự kết tủa làm cho tiến trình hấp thu rất khó khăn. Cả nhôm và magie đều có thể làm kết tủa digoxin. Do đó, các thuốc bảo vệ niêm mạc làm suy giảm nghiêm trọng sự hấp thu thuốc cường tim cũng như tác dụng điều trị suy tim. Người bệnh có thể bị suy tim tiến triển vì thuốc không đủ liều làm cường tim.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày tương tác với một số thuốc điều trị khác.
|
Khắc phục như thế nào?
Với thuốc kháng sinh, để không bị kết tủa, tốt nhất nên dùng thuốc kháng sinh trước thời điểm uống thuốc bảo vệ niêm mạc 2 giờ đồng hồ. Khi đó người ta thấy thuốc kháng sinh hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ niêm mạc. Bạn cũng có thể áp dụng cách này với thuốc cường tim. Chớ nên điều chỉnh liều thuốc cường tim vì đây là thuốc có biên độ điều trị rất hẹp. Nếu chúng ta tăng liều không sát với lượng thuốc bị giảm hấp thu dễ dẫn dấn đến quá liều và ngộ độc có thể xảy ra. Uống thuốc trước 2 giờ khi uống thuốc bảo vệ niêm mạc có tác dụng bảo toàn tác dụng thuốc điều trị.
Với thuốc kháng nấm, để tránh hiện tượng bị giảm hấp thu, giải pháp tốt nhất là bạn nên uống lúc đói sẽ giữ nguyên được tác dụng điều trị. Cũng nên uống trước thời điểm uống thuốc bảo vệ niêm mạc chừng 1 giờ đồng hồ, vừa không phải tăng liều thuốc chống nấm vừa duy trì được công dụng cần thiết. Bạn cũng có thể thay thế ketoconazol bằng một thuốc khác song rất cần chú ý với các tác dụng phụ có thể xảy ra.