Các nhà nghiên cứu Đài Loan cảnh báo rằng, việc dùng thuốc có nguồn gốc cây cỏ như rễ hoa cúc echinacea và thực phẩm chức năng bổ sung chất calcium hoặc sắt chung với thuốc theo toa (thuốc Tây) có thể gây tác dụng ngược. Nhiều loại dược thảo khác như St John Wort (hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm), dầu lanh hoặc cao bạch quả cũng có thể gây hại nếu dùng chung với thuốc theo toa.
Tác dụng ngược từ nhẹ đến nặng bao gồm đau tim, đau ngực, đau bụng và đau đầu. Tác dụng này đặc biệt rõ ràng nếu dùng chung với các loại thuốc tây chữa các bệnh liên quan đến thần kinh trung ương và hệ tim mạch.
Những người dùng thuốc warfarin, insulin, aspirin, digoxin và ticlodipine cùng một lúc với thảo dược và thực phẩm chức năng thường bị tác dụng ngược nhiều nhất.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, thuốc có nguồn gốc cây cỏ tương tác với thuốc Tây nghiêm trọng hơn thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, chất khoáng và axit amin.
Công trình nghiên cứu do dược sĩ Hsiang-We Lin trường đại học Dược Đài Loan thực hiện với 213 loại thảo dược và thực phẩm chức năng, 509 loại thuốc theo toa, so sánh với 882 trường hợp gây tác dụng ngược.
Kết quả cho thấy, hơn 42% phản ứng tương tác thuốc xảy ra do thảo dược và thuốc bổ làm thay đổi tác dụng hóa học và vật lý tới cơ thể của thuốc Tây trong quá trình hấp thu, phân bổ, chuyển hóa và thải loại thuốc sau khi dùng.
Trong số 152 tác dụng ngược được xác định, phần lớn liên quan đến hệ tiêu hóa (16,4%) và hệ thần kinh (14,5%). Ba loại dược thảo gây tác dụng ngược nhiều nhất là dầu lanh (được cho là hạ cholesterol ở phụ nữ mãn kinh), rễ hoa cúc (trị cảm lạnh) và Yohimbe (trị nhược dương).
Dược sĩ Lin nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, rõ ràng một số thảo dược và thực phẩm chức năng kỵ thuốc Tây, gây tác dụng ngược không có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu cũng cho thấy, thảo dược gây tác dụng ngược khi tương tác với thuốc Tây nhiều hơn thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất và axit amin”.
Kết quả nghiên cứu của dược sĩ Lin mới đây đã được công bố trên tạp chí International Journal of Clinical Practice.
Nói về nghiên cứu của dược sĩ Lin, giáo sư danh dự Edzard Ernst, trường đại học Exeter (Anh), nhận xét: “Từ trước tới giờ đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ tác dụng ngược khi dùng chung thảo dược, thực phẩm chức năng và thuốc theo toa. Tuy vậy, hiểu biết của chúng ta về tương tác thuốc còn rất hạn chế. Nhiều tác dụng ngược chưa được báo cáo đầy đủ cho nên có thể nói chúng ta chỉ mới thấy phần nổi của một tảng băng”.