1. “Tarzan & Jane” – Toy-Box (xem video)
Khi Aqua “truyền bá” dòng nhạc Bubblegum Dance đi khắp thế giới ở thập niên 1990, rất nhiều nhóm nhạc đối thủ của họ đã xuất hiện và Toy Box là một trong số đó. Nhóm nhạc đến từ Đan Mạch gồm hai thành viên, Anila và Amir, cũng tạo nên một cơn sốt lớn, đặc biệt là ở châu Á, với các đĩa đơn như Best Friend, The Sailor Song hay Superstar.
Tuy nhiên, bài hát đáng nhớ nhất vẫn là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của họ – Tarzan & Jane. Lấy ý tưởng từ câu chuyện chúa tể rừng xanh, ca khúc này hấp dẫn từ giai điệu đến MV đầy vui nhộn, nghịch ngợm. Tarzan & Jane còn từng được Toy Box biểu diễn trong lễ ra mắt tại Đức của bộ phim hoạt hình Tarzan do Walt Disney sản xuất vào năm 1999.
2. “Blue (Da Ba Dee)” – Eiffel 65 (xem video)
Là đĩa đơn đầu tay của nhóm nhạc người Italy – Eiffel 65, Blue (Da Ba Dee) đạt thành công vang dội trên khắp thế giới, từ châu Âu, Mỹ tới châu Á – trong đó có cả Việt Nam. Lần đầu xuất hiện trong chương trình MTV Fresh (MTV – Ca khúc mới) trên VTV3 vào cuối năm 1999, giai điệu đậm chất nhạc vũ trường châu Âu với một MV hoạt hình 3D đầy vui nhộn của ca khúc này ngay lập tức chinh phục người nghe ở nhiều lứa tuổi.
Suốt cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Blue (Da Ba Dee) trở thành ca khúc không thể thiếu vào mỗi buổi tối tại các sàn nhảy trên khắp thế giới. Đây cũng là một sản phẩm âm nhạc mở ra nhiều tiến bộ đột phá về kỹ thuật thu âm trong thiên niên kỷ mới. Blue (Da Ba Dee) từng giành được đề cử Ghi âm nhạc Dance xuất sắc tại Grammy 2001.
3. “Right Here, Right Now” – Fatboy Slim (xem video)
Ca khúc của DJ nổi tiếng người Anh, Fatboy Slim, chỉ lặp đi lặp lại hai từ “Right here, right now” trong suốt cả bài hát nhưng vẫn đủ sức khiến giới trẻ Việt Nam phải “phát sốt” ngày trước. Right Here, Right Now len lỏi trên khắp phương tiện truyền thông đầu những năm 2000, từ quảng cáo bia, xe máy, xe hơi cho tới những trận đấu bóng của ngoại hạng Anh.
MV của Right Here, Right Now cũng rất độc đáo với ý tưởng về hành trình tiến hóa của con người từ 350 triệu năm về trước. Tại đêm bế mạc Thế vận hội Olympics mùa hè diễn ra ở London (Anh) hồi tháng 8, giai điệu “right here, right now” một lần nữa lại khiến cho hàng triệu khán giả phấn khích dù đã hơn 10 năm trôi qua.
4. “Boom, Boom, Boom, Boom” – Vengaboys (xem video)
Được viết bởi Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus – hai thành viên của nhóm ABBA huyền thoại, Boom Boom Boom Boom là ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm nhạc người Hà Lan, Vengaboys. Có tiết tấu mạnh mẽ với nhịp điệu dồn dập, bài hát này có sức gây “nghiện” cho người nghe ngay từ lần đầu tiên thưởng thức. Boom, Boom, Boom, Boom có MV được xếp vào hạng “siêu nóng”, thậm chí không được phát sóng tại Việt Nam.
Trải qua hơn một thập kỷ, Boom Boom Boom Boom vẫn chưa bao giờ bị coi là “lỗi thời” với khán giả Việt Nam. Ngày nay, mỗi lần đi vào các công viên hay những trung tâm Aerobic, dễ dàng bắt gặp nhiều chị em phụ nữ mở ca khúc này lên để tập thể dục. Thậm chí với nhiều người ở các thế hệ trước, giai điệu bắt tai của Boom Boom Boom Boom đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày.
5. “Bum Bum” – Mabel (xem video)
Ngoài Boom Boom Boom Boom, đầu thập niên 2000 người yêu nhạc quốc tế ở Việt Nam còn đón nhận một ca khúc sôi động không kém có cái tên tương tự – Bum Bum. Đây là một đĩa đơn của nam ca sĩ người Italy – Mabel (tên thật: Paolo Ferrali).
Ca khúc này một thời cũng “lũng đoạn” các sàn nhảy Disco khắp châu Âu và châu Á. Tại Việt Nam, để phân biệt với Boom Boom Boom Boom khi nói tên bài hát, nhiều người hay đọc phiên âm Bum Bum theo kiểu tiếng Việt thành “Pằng Păng”.
6. “Can’t Get You Out of My Head” – Kylie Minogue (xem video)
Không có nhịp điệu quá mạnh mẽ, dồn dập như những bản nhạc Dance châu Âu nhưng ca khúc Nu-Disco có tên Can’t Get You Out of My Head của Kylie Minogue vẫn buộc người nghe phải giật, lắc đầu và nhún nhảy cơ thể theo giai điệu. Đĩa đơn này giành vị trí quán quân ở hơn 20 bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng trên thế giới.
Can’t Get You Out of My Head đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của ngôi sao nhạc Pop người Australia – Kylie Minogue. Đây được coi là ca khúc nhạc sàn “hot” nhất thế giới trong năm 2001. Tại Việt Nam, giai điệu “la la la la lá la là” của bài hát này còn từng xuất hiện trong rất nhiều quảng cáo trên truyền hình.
7. “The Ketchup Song (Aserejé)” – Las Ketchup (xem video)
Mùa hè năm 2002, giai điệu Salsa rực lửa trong ca khúc The Ketchup Song (Aserejé) của nhóm nhạc ba chị em người Tây Ban Nha, Las Ketchup, đã “đốt cháy” cả thế giới. Khán giả ở nhiều nơi còn coi đây là ca khúc sinh ra để dành riêng cho những bữa tiệc liên hoan trên bãi biển. Với hơn 7 triệu đĩa bán được bán ra, The Ketchup Song (Aserejé) trở thành một trong những đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại.
MV của ca khúc được quay tại Palm Beach, bang Florida, Mỹ – một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Ba chị em nhóm Las Ketchup hóa thân thành những cô gái phục vụ quầy bar trẻ trung và tràn đầy sức sống. The Ketchup Song cũng tạo nên một điệu nhảy tập thể mới thành trào lưu phổ biến không kém Macarena của nhóm Los del Rio.
8. “Dragostea Din Tei (Mai Ya Hee)” – O-Zone (xem video)
“Cơn bão” nhạc sàn lớn nhất của thập niên 2000 là ca khúc Dragostea Din Tei (tên gọi khác: Mai Ya Hee hoặc Numa Numa) của nhóm O-Zone. Xuất hiện từ mùa hè năm 2004, bài hát tiếng Romania của nhóm nhạc đến từ Moldova giống như một con virus, “lây lan” một cách thần tốc và tỏa rộng ra khắp thế giới.
Những câu hát: “Mai ya hee, mai ya hoo, mai ya ho, mai ya haha” có một ma lực khó tả đối với người nghe, dù không phải ai cũng hiểu được tiếng Romania. Dragostea Din Tei được dịch ra nhiều ngôn ngữ với hàng loạt bản cover trên khắp thế giới (Việt Nam cũng có Đan Trường và Vũ Hà hát lại bằng lời Việt). Thành công của bản nhạc này khi ấy có thể sánh ngang với cơn sốt Gangnam Style mới đây.
9. “Axel F” – Crazy Frog (xem video)
Kết hợp giai điệu bài Beverly Hills Cop của Eddie Murphy năm 1984 với nhạc chuông điện thoại Crazy Frog của công ty Jamba (Đức), Axel F trở thành một hiện tượng gây sốt trên thế giới năm 2005. Tính mới lạ trong giai điệu với phần hình ảnh con “ếch điên” sống động, đẹp mắt ở đồ họa 3D là lý do khiến bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp nơi.
Giữa thập niên 2000, trẻ em là những người đầu tiên phát cuồng với “ếch điên” nhưng sau đó, nhiều bậc phụ huynh cũng trở thành fan của nhân vật này. Sau Axel F, chú “ếch điên” còn xuất hiện trong phiên bản mới của nhiều ca khúc nổi tiếng như Last Christmas, Jingle Bells hay We Are the Champions.
10. “Walking in The Sun” – Degauss (nghe ca khúc)
Có giai điệu mạnh mẽ và nhịp dồn dập liên tục, Walking in The Sun dễ khiến cho những ai không quen nghe nhạc sàn bị sốc, giật mình ngay từ những giây đầu tiên. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, ca khúc này nhanh chóng được thanh niên Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và trở thành một ký ức đáng nhớ với những ai hay đi sàn nhảy ngày ấy.
Walking in The Sun cũng là một trong những bản hit cuối cùng khuynh đảo hàng đêm ở New Century, vũ trường từng rất đình đám của thủ đô Hà Nội, trước khi nơi này bị đóng cửa vào năm 2007.