Để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên đã có mặt tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia. Vốn là một xã ven biển, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào nghề biển. Hiện địa phương này có khoảng 5.000 người trong độ tuổi lao động, thì có tới 2.000 người trực tiếp làm nghề khai thác, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, cả xã có trên 30 doanh nghiệp, tổ chế biến với sản lượng khai thác nội địa 1.500 tấn/năm và đánh bắt, thu mua ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ với sản lượng 50 – 60 nghìn tấn/năm. Được biết xã Hải Bình là một trong những nơi tập trung thu mua, chế biến cá lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Mỗi ngày có hàng trăm lao động địa phương tham gia vào chế biến cá cho các xưởng thu gom, chế biến quy mô lớn, nhỏ.
Trong vai một người dân đến hỏi đường, chúng tôi ghé thăm lò sấy mực của gia đình anh B ở thôn Liên Hưng, xã Hải Bình, gia đình anh B có 3 lò sấy mực mỗi ngày cho ra từ 5 – 6 tạ mực khô. Sau một hồi lân la hỏi chuyện, anh B cũng “bật mí” về các công đoạn và cách chế biến để có được sản phẩm mực cho màu vàng thì hầu như người dân đều dùng diêm sinh (hay còn gọi là chất lưu huỳnh).
Mực sau khi thu mua về được làm sạch, sau đó cho vào lò. Mỗi lò sấy thường để 3 bếp than to, một bếp 4 đến 5 hòn than, sau đó đặt một bát lưu huỳnh lên trên, khói của lưu huỳnh bốc lên bám vào thân mực sẽ giúp cho mực óng vàng rất bắt mắt và đặc biệt, chống được ẩm, mốc.
Vào thời điểm mùa đông hay mùa mưa, các cơ sở chế biến hải sản thường dùng lượng diêm sinh nhiều hơn bình thường mới bảo quản được sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm sau khi được sơ chế, thay cho mùi thơm tự nhiên của mực khô là mùi khét, khai khái của chất lưu huỳnh còn bám lại.
Ngoài sản phẩm mực, người dân nơi đây còn chế biến cả các sản phẩm hải sản khác như cá nục khô và cá chỉ vàng. Theo người dân nơi đây cho biết, phần lớn cá sau khi thu mua về được ngâm nước muối trước khi làm sạch mang phơi nên không phải dùng một loại hoá chất nào.
Tuy nhiên, trên thực tế, qua tìm hiểu thì hầu hết các hộ phơi cá ở đây đều sử dụng chất chống ruồi, muỗi. Theo những người làm nghề ở đây thì bản thân họ sử dụng các loại hóa chất cũng không biết nó là chất gì và mức độ độc hại như thế nào, nhưng mỗi lần dùng thuốc thì ruồi, muỗi không dám “bén mảng” đến gần. Trong khi đó, các loại phế phẩm được cắt đầu vứt bỏ bên cạnh thì ruồi muỗi bu kín đặc.
Quy trình chế biến sản phẩm cá nục khô rất đơn giản. Cá sau khi được rửa qua rồi mổ bụng, xếp lên khay, trước khi mang ra phơi được tẩm một lượt thuốc lên bề mặt. Sau một nắng lại tiếp tục quét lượt thuốc khác. Đối với những gia đình có điều kiện thì đổ cả mẻ cá vào chậu, nhúng cá qua một lần đem ra phơi thì không phải tốn công bôi lần hai nữa.
Người dân địa phương muốn ăn cá, mực khô hay muốn biếu tặng người thân thì phải tự tay mua cá tươi, mực tươi về chế biến lấy. Vì biết quá rõ công đoạn chế biến cá khô mực khô phải dùng diêm sinh và hóa chất nên hầu hết, các hộ dân ở đây chỉ tham gia chế biến còn họ không ăn hải sản qua công đoạn chế biến như trên.
Ngoài xã Hải Bình, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia còn có các xã như: Hải Thanh, Hải Ninh cũng có nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản khô. Nguồn hàng hải sản ở đây có nhiều chủng loại khác nhau và được xuất đi tiêu thụ ở nhiều địa phương khác và cả xuất đi nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 14/11/2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành lấy 8 mẫu cá, mực ở các xã Hải Thanh, Hải Bình, huyện Tĩnh Gia để gửi đi kiểm nghiệm.
Quy trình lấy mẫu được thực hiện ở cả 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu vào (cá từ thuyền vào bến), giai đoạn chế biến (cá được làm sạch, tẩm, ướp, hấp, sấy, phơi khô…) và giai đoạn thành phẩm. Việc lấy mẫu ở cả ba giai đoạn để xác định dư lượng các chất kháng sinh, chất bảo quản nếu được sử dụng thì sử dụng ở giai đoạn nào và vượt ngưỡng như thế nào.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành kiểm tra và kiểm nghiệm các sản phẩm chế biến từ hải sản được cho là có sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế.