Thành phần
Thục địa 40g
Đẳng sâm 40g
Kỷ tử 40g
Đỗ trọng 40g
Hoàng tinh 40g
Nhục thung dung 40g
Hoàng kỳ 20g
Tục đoạn 20g
Đương quy 20g
Dâm hương hoắc 20g
Long nhãn 20g
Đại táo 30g
Cách ngâm: Đổ vào 3 lít rượu ngon, sau 7 đêm cho thêm 80g đường phèn hoà tan, đến ngày thứ 10 là dùng được, uống mỗi lần một ly nhỏ, ngày uống 3 lần (sáng, trưa, tối).
Công dụng: Chủ yếu bổ cho tạng thận, chữa những bệnh do thận hư như đau lưng, nhức mỏi gân cốt, hay mệt, hay quên, ăn uống kém
Giải thích:
Thục địa, Hoàng tinh, Kỷ tử, Long nhãn, Đương quy có tác dụng tư âm dưỡng huyết. ở đây, Thục địa, Hoàng tinh, Kỷ tử có tác dụng bổ chân âm của tiên thiên (bổ tinh ích tuỷ). Đương quy, Kỷ tử, Long nhãn có tác dụng bổ âm huyết của hậu thiên. Đương quy vừa có tác dụng bổ huyết, vừa hoạt huyết, giảm đau nhức.
Đỗ trọng, Nhục thung dung, Dâm hương hoắc, Tục đoạn có tác dụng bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, ích tinh huyết, khu phong thấp.
Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Đại táo có tác dụng bổ trung ích khí, sinh tân. Đồng thời làm tăng cường tác dụng bổ huyết của âm dược. Ngoài ra, Đại táo có tác dụng điều hoà các vị thuốc.
Đường phèn làm dịu sức nóng của rượu.
Gia giảm:
– Nếu có biểu hiện âm huyết hư nhiều, người gầy đen, nước tiểu vàng, ít, táo bón, lưỡi khô, có cảm giác nóng trong người thì tăng lượng Thục địa, Kỷ tử, Hoàng tinh, Đương quy.
– Nếu dương hư nhiều, sợ lạnh, chân tay lạnh, uể oải, mệt mỏi, nước tiểu trong, nhiều thì tăng lượng Đỗ trọng, Dâm hương hoắc, Tục đoạn, gia thêm 30g Phá cố chỉ sao.
– Đau lưng, nhức mỏi nhiều thì tăng lượng Đương quy, gia thêm Cẩu tích 40g, Cốt toái bổ 40g.