Ăn uống điều độ. Liên tục ăn vặt có thể dẫn đến ngang bụng nhưng đồ ăn nhẹ được lên kế hoạch tại các thời điểm cụ thể trong ngày là phần quan trọng mà không làm hỏng cảm giác ngon miệng của trẻ. Tuy nhiên, ăn vặt nhưng phải là món ăn nhẹ mà bổ dưỡng, tránh để trẻ đầy bụng mà thiếu dưỡng chất.
Khuyến khích trẻ ăn từ từ. Một đứa trẻ có thể cảm nhận đói và no tốt hơn khi ăn chậm.
Duy trì bữa ăn gia đình. Đó là bữa ăn dễ chịu với những cuộc trò chuyện và chia sẻ, không phải là thời gian để la mắng hoặc tranh cãi. Nếu cảm thấy khó chịu, trẻ có thể cố gắng ăn nhanh để rời khỏi bàn ăn càng sớm càng tốt. Điều này gây áp lực căng thẳng mỗi khi ăn uống.
Cho trẻ tham gia mua thực phẩm và chuẩn bị bữa ăn. Những hoạt động này sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về sở thích của con, cũng là cơ hội để giảng giải cho trẻ về dinh dưỡng, về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trẻ được nấu cùng người lớn sẽ hào hứng hơn khi dùng món ăn mà có công lao đóng góp của chúng.
Cảnh giác khi con vừa ăn vừa xem tivi. Ăn vặt khi mắt trẻ “dán chặt” vào màn hình tivi làm cho trẻ không biết đến cảm giác no, từ đó dẫn đến ăn quá nhiều.
Khuyến khích trẻ uống nước thay vì đồ uống ngọt hay nước giải khát có gas.
Không nên dùng đồ ăn để trừng phạt hay khen thưởng. Ví dụ, trẻ có nguy cơ béo phì thường bị cha mẹ hạn chế ăn. Đứa trẻ lo lắng là mình bị đói, vì thế nó sẽ cố gắng ăn bất cứ khi nào có cơ hội. Tương tự như vậy, nếu dùng bánh kẹo để “nhử” con ăn rau, trẻ sẽ nghĩ sai về món rau, cho rằng ăn rau không bằng món bánh kẹo nhận được sau khi ăn.
Tìm hiểu bữa ăn ở trường. Chẳng hạn, nếu biết trưa ở trường con hay ăn gì, ở nhà có thể nấu những món ngoài các mục đó. Việc làm này đảm bảo cho con chế độ ăn cân bằng mà đa dạng.