Đặt câu hỏi. Trước khi rời phòng khám với đơn thuốc mới, nên chắc chắn rằng bạn hiểu tại sao thuốc lại được kê, cách sử dụng ra sao, tác dụng phụ thế nào và liệu có phải thay đổi hoạt động thường ngày khi dùng thuốc hay không (như lái xe, tập thể dục…).
Lập bảng kê thuốc uống. Bảng kê với mỗi loại thuốc uống bao gồm chủng loại, tên hiệu, liều lượng, tên bác sỹ kê đơn, giờ uống, hạn sử dụng, cùng những chỉ dẫn đặc biệt (thuốc nhai hay nuốt chửng, chỉ uống buổi sáng hay uống trong bữa ăn…).
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Thông thường chúng ta thường đọc xong để lấy thông tin chính rồi vứt bỏ đâu đó. Tuy vậy, trong hướng dẫn sẽ có thông tin cụ thể về phản ứng phụ và tương tác thuốc.
“Tận dụng” tư vấn của bác sỹ. Khi gặp bác sỹ mới hoặc là khám định kỳ sau 1 năm, hãy mang theo tất cả các loại thuốc đang dùng (bao gồm cả vitamin, thuốc bổ, dược thảo hay thuốc tự mua không kê đơn). Từ đó, bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên cần dùng tất cả các loại thuốc đó hay có sự chồng chéo, tương tác thuốc hay không. Nếu cảm thấy tác dụng phụ không mong muốn hoặc triệu chứng không giảm, đừng ngần ngại gọi điện hoặc chờ đến lần khám sau.
Bảo quản đúng cách. Một số loại thuốc phải bảo quản trong tủ lạnh trong khi số khác chỉ cần để trên giá ở nhiệt độ trong phòng là được. Nơi được cho là không an toàn nhất là nơi ẩm, nhiều hơi nước trong phòng tắm.
Tuân thủ đúng liều. Có lẽ đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, kể cả cảm thấy khá hơn, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc đủ liều như đơn đã kê vì uống bỏ thuốc giữa chừng rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc.
Nguyên tắc khi uống thuốc: Uống thuốc với một cốc nước đầy hoặc theo hướng dẫn sử dụng. Tránh uống thêm vitamin hay chất bổ sung khác vùng lúc với thuốc. Không uống thuốc với nước nóng hoặc bỏ vào nước nóng. Không bao giờ được dùng thuốc với rượu. Trừ khi có chỉ dẫn, không bỏ thuốc và khuấy đều vào thức ăn. Nhớ tìm hiểu khi uống thuốc này nên kiêng kỵ loại thực phẩm nào.