Vì TPCN là giao thoa giữa thực phẩm và thuốc?
Theo định nghĩa TPCN trong thông tư 08/TT-BYT, 23-08-2004 của Bộ Y tế, “thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe người sử dụng”. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ và hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc, không được phép kê đơn cho người bệnh.
Còn theo định nghĩa của Hội đồng Quốc tế thông tin thực phẩm (IFIC): “TPCN là những thực phẩm cung cấp các lợi ích về sức khoẻ so với các thực phẩm cơ bản”.
Vậy nhưng, tại hội thảo về Vai trò của TPCN và công tác quản lý tổ chức cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, không thiếu những phát biểu từ phía cơ quan chức năng và cả các chuyên gia có cụm từ: “thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị” như một sự công nhận mặc nhiên để từ đó khẳng định vai trò kê đơn của bác sĩ là “tất yếu”.
Điều này đã phản ánh phần nào tình trạng nhiều loại sản phẩm chữa ho, giảm đau khớp, bổ mắt… mặc nhiên được hiểu là thuốc, vitamin tổng hợp trước đây thì nay đang ngày càng xuất hiện nhiều dưới dạng thực phẩm chức năng.
Vậy nên chăng để hạn chế tình trạng “nhiều người tùy tiện dùng và bị dị ứng TPCN do sản phẩm không phù hợp với thể trạng” hay mất tiền mà chẳng thấy hiệu quả như quảng cáo, cần phân loại TPCN như thuốc, nhưng khác thuốc ở chỗ là thuốc chỉ được bán ở nhà thuốc thì TPCN loại không cần kê toa có thể tự mua ở siêu thị và dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất còn loại cần kê toa phải có bằng chứng lâm sàng, nghiên cứu khoa học và bán ở nhà thuốc… trước khi đề xuất bỏ lệnh cấm bác sĩ kê đơn TPCN? Và trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm điều này. Ví như tại Đức, các loại vitamin dành cho bà bầu là phải có chỉ định của bác sĩ, còn các loại vitamin tổng hợp sử dụng hằng ngày thì có thể mua tại siêu thị.
Để đảm bảo quyền lợi của ai?
PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch hiệp hội Thực phẩm chức năng đã đưa ra 11 lý do phản bác lệnh cấm bác sĩ kê thực phẩm chức năng (từ năm 2008) của Bộ Y tế. Theo đó, lệnh cấm này là chưa đầy đủ, vi phạm nhiều quyền và nghĩa vụ của bác sĩ là “được kê đơn, tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân về dùng thuốc, ăn uống, vận động”; vi phạm quyền “người bệnh có quyền được cung cấp thông tin trung thực và tư vấn cụ thể về thực phẩm (trong đó có TPCN)”…
Ông cũng nêu ra thực tế là trước ngày 11/5/2008, TPCN vẫn được kê đơn hiện BV Mắt vẫn kê đơn 2 loại TPCN cho hàng ngàn bệnh nhân… và cho rằng “đó là 1 thực tế sống động”.
Tuy nhiên, trên thực tế lệnh cấm này của Bộ Y tế không bỗng dưng mà có. Nó bắt nguồn từ kiến nghị của người bệnh Hải Phòng về việc các bệnh viện ở Hải Phòng đã kê TPCN vào 100% đơn thuốc theo hướng bắt buộc, không giải thích.
Ngoài ra, chính ông Trần Quang Trung, Cục Trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Việt Nam thừa nhận: “Ban hành lệnh cấm còn là để chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế trong bối cảnh có nguy cơ vỡ quỹ”.
Và trên hết, kể từ khi Hiệp hội TPCN ra đời đến nay, cũng là thời điểm thị trường TPCN có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vai trò giúp người dân “hiểu đúng và dùng đúng” của cơ quan này ở đâu khi tình trạng chung hiện nay là người tiêu dùng bị nhiễu thông tin, tiền mất tật mang đang ngày càng tăng?
Còn phía CQ quản lý thì hiếm khi đưa ra bất kỳ cảnh báo cho người dân, cũng chẳng thể làm gì với các quảng cáo sai sự thật ngoài kiến nghị với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp thu hồi tờ rơi, nội dung quảng cáo. Bản thân các sản phẩm cũng không hề được kiểm định, hậu kiểm, hoàn toàn phụ thuộc vào “lương tâm” của nhà sản xuất.
Vấn đề xuyên suốt hội thảo là kêu gọi việc công nhận sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ, nhấn mạnh rằng điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay với các bác sĩ, dược sĩ, những người được cho là hiểu biết về bệnh, thuốc thì hiện giới chuyên môn đều xác nhận rằng bản thân các bác sĩ, dược sĩ cũng chưa từng được đào tạo chính thống về lĩnh vực này, tức là họ chưa từng học 1 tiết, 1 giờ nào về TPCN trong chương trình đào tạo chính quy.
Hơn nữa, “Hiện những minh chứng, bằng chứng về mặt khoa học có tính thuyết phục của TPCN còn rất ít, thậm chí có thể nói chưa có công trình nghiên cứu khoa học thực sự đánh giá đúng bản chất TPCN”, Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Vậy bác sĩ sẽ dựa vào đâu để tư vấn chứ chưa nói là kê đơn cho bệnh nhân khi không có nghiên cứu lâm sàng nào để chứng minh tác dụng của TPCN?
Và nếu bỏ lệnh cấm kê đơn TPCN thì có mâu thuẫn với những lời khẳng định chắc nịch của các chuyên gia y tế, cơ quan chức năng từ trước tới nay rằng các tác dụng về khả năng hỗ trợ điều trị/ điều trị của các loại cây, con… chỉ là “đồn thổi”, truyền miệng vì chưa được kiểm chứng?
Vì bác sĩ có trách nhiệm và lương tâm?
Nhiều chuyên gia y tế khẳng định xu thế sử dụng TPCN là không thể đảo ngược, đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng chủ yếu là “người bận rộn, không có thời gian nấu nướng, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn”, theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia. Hay theo định nghĩa của TS Trần Đáng là “phụ nữ có thai, người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người có mục đích sức khoẻ đặc biệt hay dùng cho mục đích y học đặc biệt”.
Tuy nhiên, trên thực tế, do giá thành đắt nên có thể nói phần lớn thực phẩm chức năng hiện chỉ dành cho người có tiền. “Ta không thể cấm bởi không thể bắt người có điều kiện kinh tế phải chịu như người có tiền, không được dùng các loại thuốc hỗ trợ là không công bằng”, GS Phạm Gia Khải, nói.
Còn về lo ngại rằng liệu có tiêu cực, doanh nghiệp có cầm tay bác sĩ kê đơn, ông Trần Quang Trung cho rằng “Người thầy thuốc phải có trách nhiệm về đơn của mình và với chính lương tâm của họ”.
Nhưng nếu trông chờ và trách nhiệm và lương tâm của bác sĩ trong việc kê thực phẩm chức năng thì sẽ chẳng khác gì hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng kê thuốc ngoại, thuốc đắt tiền… đang lan tràn như đại dịch mà hậu quả cuối cùng là những người dân nghèo, dân trí hạn chế, chỉ biết tin vào bác sĩ và cả các công ty dược trong nước phải gánh chịu.
Xin mượn lời của PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên chuyên gia cao cấp Dược học, phó Viện trưởng Viện TPCN, phát biểu tại hội thảo Vai trò của TPCN và công tác quản lý được tổ chức mới đây tại Hà Nội: “Trước khi phổ cập được TPCN, đưa vào giảng dạy tại các trường Dược, trường Y thì quan trọng là phổ cập được dân trí, y trí (phổ cập tài liệu về TPCN dày hơn 200 trang, viết rất chuẩn từ năm 2009 – PV) và phải ghi rõ đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, có sự tư vấn rõ ràng là người bệnh có điều kiện thì nên dùng còn không thì có thể thay thế bằng chế độ ăn uống… thì bác sĩ mới được kê đơn”.
Trang chủ » Tin tức » Sức khoẻ » Sao phải bỏ lệnh “cấm bác sĩ kê thực phẩm chức năng”?