Trang chủ » Tin tức » Sức khoẻ » Luộc ngô bằng pin, muối diêm: Gây phù não, suy thận

Luộc ngô bằng pin, muối diêm: Gây phù não, suy thận

Theo TS Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ hóa học TP HCM, từ trước đến nay, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào. Bởi trong pin có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như: Chì, thủy ngân, cadmium… Những kim loại này rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.

Với những kim loại nặng như chì thì dù ở hàm lượng nhiều hay ít đều gây ngộ độc cho cơ thể. Hay như cadmium (Cd) là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân). Khi vào cơ thể, cadmium sẽ phá hủy canxi của xương, làm xương trẻ kém phát triển và có thể gây còi xương. Tới tuổi già thì làm loãng xương. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, Cd gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư vú. Cd còn gây rối loạn sự hoạt động của các chất như kẽm, sebon, sắt trong cơ thể dẫn đến sự đảo lộn của nhiều quá trình sinh học, gây nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau và có thể gây tử vong. Nếu tiếp xúc với Cd dài ngày sẽ gây ngộ độc mãn, có thể gây vàng men răng, tăng men gan, gây đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp và nếu có thai sẽ làm tăng nguy cơ gây dị dạng thai nhi.

Khó kiểm soát được chất lượng ngô luộc bán rong. Ảnh: Chí Cường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết thêm, dung dịch chủ yếu ở trong pin là manggan, rất độc, không được phép dùng cho thực phẩm. “Những hóa chất có trong pin cực kỳ độc hại nên tuyệt đối không được dùng pin cho vào nồi luộc ngô. Ngay cả khi trẻ con cầm pin chảy nước cũng làm bong da vì nó là chất độc”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

“Thực ra vẫn có những chất an toàn hơn mà người ta có thể bỏ vào để cho thực phẩm nhanh chín, nhất là khi luộc ngô như sử dụng thuốc muối vẫn dùng cho người đau dạ dày. Hoặc có thể cho một chút vôi vào nồi luộc, ngô nhanh nhừ mà không nguy hại” ,  PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Khó phân biệt   ngô luộc pin

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh để nhận biết ngô (hay những sản phẩm khác luộc pin) rất khó, người tiêu dùng tốt nhất nếu thích ăn ngô nên mua về nhà luộc, đặc biệt là muốn cho trẻ em ăn ngô. Vì trẻ em ở tuổi đang phát triển nên cơ thể cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ hóa chất nào, đặc biệt là những hóa chất hay kim loại nặng có độc tính cao. Chẳng hạn, với chì có trong pin tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì vào trong cơ thể quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa. Ở trẻt nhỏ chì nhiễm vào xương, răng thì không thể phát triển được, đấy là chưa kể vào tim, gan…

Theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn hơn cả khi bị nhiễm do có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Khi chì đi vào cơ thể, ở người lớn trên 94% lượng chì toàn cơ thể được tích tụ trong xương. Ở trẻ em do xương chưa phát triển nên chỉ khoảng 64% tổng lượng chì được dự trữ trong xương, hậu quả để lại một lượng cao đáng kể chì trong máu, não và thận. Để chì thải hết khỏi thận là 7 năm, khỏi xương là 32 năm với điều kiện cơ thể không phải tiếp tục nhận chì từ nguồn thực phẩm nhiễm chì.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu ngộ độc chì rất khó phát hiện sớm, thường xuất hiện âm thầm. Ở trẻ em nhiễm độc chì cấp tính khiến cho trẻ trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững. Trường hợp mãn tính, các em có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, có thể dẫn tới tử vong. Với những trẻ dưới 6 tuổi, hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh, nguy cơ nhiễm độc chì là rất cao.

Ngoài cho pin vào nồi luộc ngô, theo tìm hiểu của chúng tôi người bán thường cho thêm muối diêm để giữ cho ngô lâu bị ôi thiu. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, muối diêm dù là hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng các nhà khoa học luôn khuyến cáo về tính độc hại của nó nếu dùng quá liều. Muối diêm được phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản thịt, lạp xưởng, phomat… Theo quy định cho phép dùng tới 500mg/kg sản phẩm lạp xường, dăm bông, xúc xích, thịt chế biến và 50mg/kg phomat. Khi muối diêm có lẫn nhiều tạp chất là kim loại nặng thì không được dùng cho thực phẩm mà chỉ dùng trong công nghiệp. Nếu dùng quá giới hạn có thể gây rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa thành chất gây ung thư, nhất là ung thư gan, dạ dày.

Theo báo Gia đình


Gửi thảo luận