Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Đề phòng viêm phổi do tụ cầu

Đề phòng viêm phổi do tụ cầu

Tụ cầu gây viêm phổi thường theo 2 cơ chế: hút và theo đường máu. Cơ chế hút, xảy ra sau cúm hoặc khi cơ thể suy giảm miễn dịch: tụ cầu theo dịch tiết đường hô hấp trên bị hút vào phổi. Cơ chế thứ hai là tụ cầu theo đường máu đến phổi từ ổ nhiễm khuẩn ngoài phổi. Nếu nhiễm bệnh theo cơ chế này, viêm phổi có nhiều ổ, xảy ra sau mụn nhọt ngoài da, do tiêm chích ma túy, bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân được đặt dụng cụ nội mạch bị nhiễm khuẩn, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng trong tim vùng van ba lá…

Tổn thương viêm phổi nhiều ổ, trung tâm ổ viêm là phế quản hoặc tiểu phế quản bị viêm hoại tử, xuất huyết. Ổ viêm thâm nhiễm bạch cầu, phù nề, xuất huyết. Các ổ viêm này vỡ gây nhiễm khuẩn lan rộng và tạo ra các ổ áp xe. Ở những ca viêm phổi nặng, thành phế nang bị phá hủy, khi đó không khí vào những phế nang bị phá hủy nhưng không thoát ra được, tạo thành các túi khí thành mỏng, rất đặc trưng cho viêm phổi tụ cầu.
 

Biểu hiện bệnh

 

Thường liên quan đến bệnh cúm, sởi, hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đặt nội khí quản. Viêm phổi do tụ cầu thường  diễn biến cấp tính hoặc bán cấp tính. Triệu chứng phụ thuộc vào tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Sau cảm cúm, nếu biến chứng viêm phổi do tụ cầu thì triệu chứng của cúm, sởi thường nặng lên. Các dấu hiệu rầm rộ gồm: sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, ho, đau ngực. Bác sĩ khám thấy rì rào phế nang giảm và nhiều ổ ran nổ. Có thể gặp suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Nhuộm soi đờm thấy tụ cầu tụ tập từng đám cạnh bạch cầu, nhìn thấy tụ cầu trong bạch cầu vì tụ cầu còn sống nhiều giờ sau khi bị thực bào. Xquang phổi thấy hình ảnh nhiều ổ viêm phổi dạng tròn, kích thước không đều ở hai bên phổi, không đối xứng. Một số ổ áp xe có mức khí nước. Bạch cầu tăng cao, thiếu máu, gặp khi có nhiễm khuẩn máu.

Biến chứng hay gặp nhất là tràn dịch màng phổi và viêm mủ màng phổi. Tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết khoảng 20%.

Điều trị

Viêm phổi tụ cầu là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Điều trị đòi hỏi phải hồi sức tích cực và dùng kháng sinh mạnh. Do tụ cầu kháng thuốc penixilin nhờ tạo ra men penixilinaza, cho nên kháng sinh lựa chọn là những penixilin kháng lại được men penixilinaza như: nafxilin, oxaxilin, cephalosporin thế hệ III, vancomyxin. Tốt nhất là dùng thuốc theo kháng sinh đồ.

Phòng bệnh

Phải phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt. Dùng khẩu trang chống lây nhiễm cúm. Rửa tay thường xuyên để hạn chế lây nhiễm virut, vi khuẩn.

 

Gửi thảo luận