Dùng không đúng bệnh sẽ không khỏi
Vacomycin có dạng uống (viên 500mg) nhưng FDA quy định chỉ dùng với người lớn, trong viêm đại tràng giả mạc hay tiêu chảy liên quan đến việc tăng quá mức Clostridium difficil. Khi dùng kháng sinh nhất là loại phổ rộng thì không những các vi khuẩn có hại mà cả vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái vi khuẩn đường ruột. Trong điều kiện này, Clostridium difficil không bị diệt, có cơ hội phát triển nhanh, gây ra viêm đại tràng giả mạc, tiêu chảy. Vancomycin chống được Clostridium dificil nên chống lại được bệnh này. Song tác dụng này của vancomycin cũng chỉ là tác dụng tại chỗ. Nếu uống để chữa các bệnh toàn thân như nhiễm khuẩn ở gan, thận, tim, đường hô hấp, niệu – sinh dục, máu… là không đúng và không thể chữa khỏi được các bệnh này.
Lạm dụng gây kháng thuốc
Dùng đường tiêm truyền, vancomycin nhanh chóng tạo ra nồng độ cao trong máu, vào khắp các mô, dịch cơ thể trừ dịch não tủy nhưng khi viêm màng não thì cũng vào đó với nồng độ cao. Do đó đã chế thành dạng bột đông khô (lọ 500-1.000mg) để pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, chữa nhiễm khuẩn toàn thân… Ngay tại Mỹ, các thầy thuốc đã dùng chữa nhiều loại nhiễm khuẩn bao gồm cả những loại chưa được phép ghi lên nhãn, tạo ra sự lạm dụng vancomycin.
Thật ra, vancomycin có cấu trúc glucopeptid lớn, không thấm vào màng vi khuẩn gram (-) nên không chống được vi khuẩn gram (-) theo cơ chế trên được. Phần này vancomycin kém penicllin, vì penicllin có chống được một số ít vi khuẩn gram (-).
Đa số vi khuẩn gram (+) lúc đầu nhạy cảm tốt với vancomycin nhưng sau đó một số chủng đã biến đổi “đích tác dụng” tại màng tế bào để các glucopeptid của vancomycin không gắn kết được với “đích tác dụng” đó nên đã đề kháng lại vancomycin. Xét trên diện phổ kháng khuẩn thì vancomycin không phải là đa năng và cũng bị chính vi khuẩn gram (+) chống lại.
Để chấn chỉnh việc lạm dụng, FDA đã quyết định lại, chỉ cho dùng vancomycin tiêm trong 5 trường hợp: Điều trị các nhiễm khuẩn nghiêm trọng gây ra bởi các vi khuẩn đã kháng methicilin như Staphylococcus aureus (MRSA) Stapylococcus epidermidis (MRSE) hoặc người bị dị ứng với penicillin; Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram dương (+) gây ra ở người không dùng được betalactam do dị ứng; Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn viêm nội tâm mạc (thường do Staphylococcus) theo chỉ định cho người quá mẫn cảm với penicillin mà lại có nguy cơ cao. Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn (chủ yếu là nhiễm MRSA, MRSE) trong phẫu thuật cấy ghép tạng.
Quy định dùng hạn chế như FDA là để tránh lạm dụng, dành vancomycin lại như một “vũ khí dự trữ”. Đó là cách dùng tiết kiệm, có lợi cho lâu dài.
Không nên uống vancomycin tràn lan vì không có lợi ích, chỉ được dùng vancomycin tiêm theo y lệnh ở nội viện, không tự ý dùng tại nhà.