Trang chủ » Giải trí - Thư giãn » Bằng Kiều làm ấm lòng khán giả Hà Nội ngày mưa bão

Bằng Kiều làm ấm lòng khán giả Hà Nội ngày mưa bão

Sau đêm diễn thành công tại TP HCM hôm 26/10, đêm nhạc Bằng Kiều in Concert tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối 28/10. Thời tiết mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 8 dường như không ảnh hưởng tới tinh thần của khán giả thủ đô tới thưởng thức giọng hát của nam ca sĩ đã hơn một thập kỷ mới trở lại. Chương trình được thông báo bắt đầu từ 19h, nên từ trước đó một tiếng, những chiếc xe hơi đã nối đuôi nhau đi vào trung tâm và khán giả đứng đông nghịt ở lối vào hội trường.

Không muộn như đêm diễn trong TP HCM, đúng 20h, Bằng Kiều bước ra sân khấu chào khán giả thủ đô bằng ca khúc quen thuộc – Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang). Lời chào thứ hai, thay vì là Trái tim bên lề như kịch bản trong Sài Gòn, anh chọn Hà Nội ngày trở về (Phú Quang) như một lời tri ân tới mảnh đất quê hương. Lần đầu tiên thể hiện ca khúc này, Bằng Kiều hát với nỗi nghẹn ngào và ở một số đoạn, anh còn ngập ngừng khiến khán giả phải vỗ tay liên tục để cổ vũ. Anh hát như tự sự, như kể câu chuyện của mình và tạo cho chương trình một mở đầu xúc động.

DSC-4278-jpg-1351456032_500x0.jpg
Diễn ra đúng vào ngày mưa bão tại Hà Nội nhưng đêm nhạc của Bằng Kiều vẫn kín khán giả. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong phần đầu tiên, Bằng Kiều mang tới cho khán phòng một không gian những năm cuối thập niên 1990 bằng những ca khúc từng đưa anh vào Top 10 ca sĩ Làn Sóng Xanh thời bất giờ – Đổi thay, Một ngày mùa đông, Nếu điều đó xảy ra, Anh sẽ nhớ mãi, Chuyện lạ, Lắng nghe mùa xuân về (hát cùng Hồng Nhung)… Dường như việc thay đổi khí hậu đột ngột từ Nam ra Bắc cũng khiến giọng hát anh bị ảnh hưởng phần nào. Mặc dù các phần biểu diễn này đều trọn vẹn nhưng vẫn có thể nhận ra ở một số đoạn, Bằng Kiều hát khá phô, như thể chất giọng thực sự của anh vẫn chưa thoát hẳn ra ngoài. Sau đó, nam ca sĩ thú nhận rằng anh mới bị viêm họng nhưng vẫn cố gắng để cống hiến hết mình cho khán giả thủ đô bởi “show cháy vé thế này, hát không ra gì thì có mà muối mặt” – Bằng Kiều hài trước trêu đùa mọi người.

Khán giả thủ đô cũng có cách cảm thụ và thưởng thức âm nhạc khác với khán giả những nơi khác. Thay vì hò reo, gọi tên nghệ sĩ một cách cuồng nhiệt, nhiều người chọn cách ngồi trầm ngâm, thậm chí là nhắm mắt và thả hồn mình vào những giai điệu âm nhạc trữ tình. Bằng Kiều cũng nhận ra điều này nhưng với bản lĩnh đứng trên sân khấu nhiều năm, anh vẫn biết cách thắp “lửa” trong lòng khán giả Hà Nội – những người vốn hay bị mang tiếng là khó tính.

Chỉ với vài câu nói nửa đùa nửa thật, Bằng Kiều khiến cho cả khán phòng trở nên cuồng nhiệt hơn. Trước khi hát Thao thức vì em, nam ca sĩ bày tỏ muốn thay mặt nam giới gửi tặng bài hát này tới các chị em và cất lời gọi: “Em ơi?”. Lúc nhận hai lời đáp lại khá nhỏ từ khán giả, anh đùa: “Chứng tỏ phụ nữ ở miền Bắc chồng gọi tới câu thứ ba mới ‘ơi’, phải không mấy anh? Chồng gọi em ơi, phải ‘ơi’ ngay chứ”. Khi câu hát đầu tiên: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em, vì lời giã từ lúc anh ra về…” vang lên, khán giả đã không thể ngồi yên trên ghế.

Càng về sau chương trình, Bằng Kiều hát càng sung hơn và mang sự ấm áp trong giọng ca mình lan tỏa đến từng khán giả. Anh xử lý tốt nhiều bài hát ở những phong cách khác nhau, nhưng có lẽ những nhạc phẩm trữ tình, mang tính tự sự vẫn hợp với Bằng Kiều nhất. Buồn ơi chào mi, Để nhớ một thời ta đã yêu, Dẫu có lỗi lầm, Trái tim không ngủ yên (hát với Mỹ Linh) khiến giọng ca của anh thực sự bùng nổ với những đoạn cao vút nhẹ như không, những đoạn luyến dài đầy “ép phê”. Với chất giọng nam cao bẩm sinh và khả năng giữ hơi tốt, Bằng Kiều cho thấy rằng dù là hát live nhưng mỗi màn trình diễn của anh đều có chất lượng đồng đều, thậm chí mỗi lúc một phiêu hơn chứ không hề bị đuối. Những thăng trầm, buồn vui đã trải nghiệm trong cuộc sống cũng khiến cách hát của Bằng Kiều sâu sắc hơn so với những gì người hâm mộ nghe trên đĩa vài năm trước.  

DSC-4700-jpg-1351456032_500x0.jpg
Bằng Kiều bên ba ca sĩ khách mời là Minh Tuyết, Hồng Nhung và Mỹ Linh. Ảnh: Hoàng Hà.

Trái tim bên lề – một trong những bản hit nổi tiếng nhất của Bằng Kiều – được anh giữ tới gần cuối chương trình mới biểu diễn.

Công chúng tới thưởng thức đêm nhạc có rất nhiều người trên 30 tuổi, trong đó có những người trung thành dõi theo từng bước đi của nam ca sĩ gốc Hà Nội từ khi anh mới đi hát. Những ca khúc của Bằng Kiều cũng như thời các ca sĩ Làn Sóng Xanh đã gắn với một thời tuổi trẻ của họ nên khi được nghe lại những giai điệu quen thuộc ấy sau bao nhiêu năm, nhiều người không khỏi bồi hồi xúc động. Âm nhạc của anh dường như chưa bao giờ là cũ bởi ngay cả những khán giả rất trẻ ở độ tuổi 9x ngồi trong khán phòng cũng thuộc lời và nhẩm hát theo.

Bản thân Bằng Kiều cũng rất bất ngờ khi biết ở Việt Nam, anh có cả một cộng đồng fan trên Facebook đều là những người tuổi đời còn rất trẻ. Trong đêm diễn, anh đã ưu ái mặc chiếc áo các fan 9x tặng lên sân khấu. Khi thấy những khán giả nhỏ tuổi của mình ngồi ở phía xa khán đài, anh tiếp tục thể hiện sự hóm hỉnh của một người anh Hà Nội: “Xin lỗi các em phải ngồi hơi xa vì giá rẻ. Chắc các em phải nhịn ăn sáng một tháng để có tiền mua vé xem anh hát phải không?”. Nơi tình yêu bắt đầu là ca khúc mà Bằng Kiều dành tặng riêng cho những người hâm mộ trẻ của mình.

Thay vì kết thúc bằng màn tứ ca Thì thầm mùa xuân cùng ba khách mời Minh Tuyết, Mỹ Linh, Hồng Nhung như trong Sài Gòn, Bằng Kiều chọn Phút cuối (Lam Phương) để khép lại đêm nhạc tri ân khán giả thủ đô. Sự lựa chọn này dường như hợp lý và khiến cảm xúc khán giả trở nên trọn vẹn hơn. Anh đã bước khỏi sân khấu và đem tiếng hát tới từng hàng ghế để tất cả những ai trong khán phòng đều có thể cảm nhận được lời trái tim anh ở khoảng cách gần nhất. Đoạn ngân dài 24 giây và câu hát “Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời, em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi” kết thúc đêm nhạc trong tràng pháo tay và tiếng reo hò không ngớt của khán giả thủ đô.

DSC06806-jpg-1351456033_500x0.jpg
Bằng Kiều hát "Phút cuối" trong vòng vây khán giả thủ đô.

Hơn ba tiếng đồng hồ, Bằng Kiều thể hiện gần 20 ca khúc gắn bó với từng chặng đường trong sự nghiệp ca hát của mình. Anh cũng là người trực tiếp dẫn dắt khán giả bước vào từng cung bậc cảm xúc. Khi thì nam ca sĩ đùa tếu, vui vẻ qua những câu chuyện về mối quan hệ “chú, cháu” với Hồng Nhung, phong cách ăn mặc bốc lửa khiến người khác phải “nóng hết cả người” của Minh Tuyết, tình cảm đặc biệt “không có em sao có anh được” với Mỹ Linh…

Có những khoảnh khắc lại lắng đọng, xao xuyến như lúc Bằng Kiều tâm sự về mẹ, về hai người thầy Dương Thụ, Phúc Linh, về ba cậu con trai mà anh luôn coi là “ba bài hát tôi yêu thích nhất” và cả về khán giả Hà Nội. Anh còn trao cho bà xã Trizzie Phương Trinh món quà bất ngờ là một chiếc nhẫn nhân tháng kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

So với sân khấu Lan Anh của TP HCM, khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội có không gian phù hợp hơn cho một đêm nhạc trữ tình như Bằng Kiều in Concert. Những mặt hạn chế từ đêm diễn ở Sài Gòn như các hàng ghế phía xa có cảm giác bị loãng khi thưởng thức, không khí ngột ngạt, nóng bức hay sự ngắt quãng cảm xúc vì lời nhắc nhở không quay phim chụp ảnh của bảo vệ đều được khắc phục một cách tối đa ở Hà Nội.

Những yếu tố về âm thanh, ánh sáng, đạo diễn, thiết kế sân khấu đều góp phần làm nên một đêm nhạc đẹp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là Bằng Kiều đã truyền được cảm hứng tới khán giả thủ đô, khiến người lớn tuổi như tìm lại được thời thanh xuân, còn fan trẻ thấy được rằng thời gian sẽ khẳng định giá trị của nghệ thuật. Hơn 10 năm có thể chưa phải quá lâu, nhưng đủ để thấy Bằng Kiều với những nhạc phẩm trữ tình, nồng nàn của anh vẫn đủ sức làm rung động biết bao tâm hồn.

Gửi thảo luận