Vai trò của chiếc áo lót
Đồ lót nói chung có vai trò giữ ấm (chống tản nhiệt khi lạnh), giữ thoáng (thấm hút mồ hôi khi nóng, ẩm), góp phần nâng đỡ tại chỗ, tạo dáng thẩm mỹ hay tái tạo cho những phần bị khiếm khuyết. Ở phần trên có áo (lót) ngực giúp nâng ngực, phần dưới là quần lót chủ yếu giúp thấm hút chất tiết.
Bộ ngực người phụ nữ gồm phần mỡ, phần tuyến vú (cũng mềm như mỡ), hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết, và được nâng đỡ bởi các dây chằng treo vú, xuất phát từ phần da bao quanh vú. Xét về cấu trúc, có thể nói đây là phần mềm được gắn vào vùng cơ thành ngực mà không có chân rễ cắm sâu để giữ vững, giống như ta úp một bánh ít (vú) trên dĩa (thành ngực), sau đó bao phủ lên bánh và dĩa một lớp bột (da) để gắn kết hai phần với nhau. Do vậy, rõ ràng là bộ ngực sẽ rung rinh khi đi lại, lắc lư cùng với các cử động của tay và thân trên, nhũ hoa có trọng lượng càng lớn thì sự dao động này càng rõ. Đây có thể là điểm hấp dẫn giới tính, nhưng cũng phần nào gây khó chịu trong sinh hoạt của người phụ nữ, có thể gây đau tức vùng ngực hay làm ngực chảy xệ khi về già. Chưa kể, khi người nữ tăng cân hay trong giai đoạn mang thai và cho con bú, kích thước và khối lượng của nhũ hoa tăng lên, các dây chằng sẽ bị kéo giãn làm giảm khả năng nâng đỡ vú.
Những tác hại liên quan đến đồ lót
Mặc dù một số nơi trên thế giới đã có những cảnh báo về chất lượng vật liệu đồ lót có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ phụ nữ, nhưng đến nay những cảnh báo đó vẫn còn gây tranh cãi. Theo các nhà nghiên cứu, các kiểu áo ngực sai nguyên tắc y học và cách dùng áo ngực của phụ nữ mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vấn đề sức khoẻ. Nhiều báo cáo đã tổng kết có 80 – 85% phụ nữ mặc áo ngực không đúng với kích cỡ, sai kích thước dây ngực, sai cúp ngực, hay sai cả hai. Người có ngực to có khuynh hướng chọn áo nhỏ hơn và ngược lại. Có khi vì ngực hai bên không đều nên phụ nữ chọn áo chỉ vừa một bên ngực. Chọn áo sai thường do không biết cách đo đúng vòng ngực, đa phần xảy ra ở người có ngực to. Mặc áo quá chật có thể gây đau lưng, đau cổ, đau vai do các cơ vùng này bị bó chặt; cũng như hệ thống mạch máu nuôi dưỡng vú có thể lưu thông không tốt, tạo điều kiện cho những bệnh lý của tuyến vú.
Mặc sao cho an toàn?
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiếc áo (lót) ngực là hỗ trợ dây chằng treo vú. Để làm tốt chức năng này, áo thường được thiết kế có hai dây vai, dây đai vòng quanh ngực cùng hai cúp áo. Dây vai không phải chỉ để áo đừng rơi mà chính là cùng với dây ngực chia sẻ bớt trọng lượng của vú, cúp ngực cố định vú khỏi ảnh hưởng của vận động, còn dây đai ngực để phân bố đều trọng lượng vú lên cả vòng ngực. Như vậy để làm tốt việc nâng đỡ, cần phải chọn áo sao cho cả dây ngực và cúp đều vừa với ngực (dây vai đã được thiết kế có thể thay đổi chiều dài).
Cẩm nang thử áo
– Vòng dây ngực tạo thành đường song song với sàn nhà, không kéo xếch lên hay xuống ở phía sau.
– Phần nối cúp ngực ở phía trước áp sát vào xương ức.
– Phần ngực nằm trong cúp ngực, nếu có phần ngực dư ra do kiểu cắt của cúp, sẽ không thấy đường hằn phía trên cúp.
– Núm vú nằm ở trung tâm của cúp, dù là kiểu cúp nào.
– Dây vai vừa vặn, không tạo ngấn (quá chật) hay trượt trên vai (quá rộng).
– Người mặc có thể thở và cử động dễ dàng, không thấy áo trượt đi khi cử động.
Kích thước vòng ngực đo bằng chu vi vòng ngực, ngay phần sát với chân hai vú, tuỳ theo cách tính của các nhà sản xuất, có thể thấy các số 36, 38… (đo bằng inch) hay 75, 80… (đo bằng cm). Dây ngực thường bằng thun (toàn bộ hay từng phần) nhưng không nên quá chật hay quá rộng: quá chật sẽ gây khó chịu, để lại ngấn trên da gây mất thẩm mỹ; quá rộng thì không nâng đỡ tốt. Cúp ngực được tính bằng cách lấy vòng ngực đo qua hai đỉnh núm vú trừ đi vòng ngực sát chân ngực, rồi tuỳ hiệu số mà chọn loại cúp vừa nhất theo các ký hiệu từ A (nhỏ nhất) đến G, LL… Khi ngực to hay dạng xệ, nên lấy cúp bằng cách đo ở phần đầy nhất của gò ngực. Ngực to có thể làm chọn sai cúp (có thể sai tới 3 cỡ) và sau đó có khuynh hướng chọn dây ngực ngắn hơn (có thể lên tới 4 inch). Cũng cần lưu ý thay đổi mỗi cỡ cúp có thể là 2 – 3cm, 1 inch (2,54cm), tuỳ nhà sản xuất. Do đó, chọn cỡ áo còn cần xem cả nhà sản xuất, nước nào. Cúp ngực còn có nhiều hình dạng khác nhau, như loại đầy, 3/4, 1/2…
Cũng cần lưu ý kích thước bầu ngực và vòng ngực có thể thay đổi theo nhiều tình huống: nửa sau chu kỳ kinh nguyệt (chọn mua áo vào ngày gần hành kinh có khi nhầm cỡ rộng hơn bình thường), khi tăng cân (vòng ngực thường tăng nhiều hơn bầu ngực), khi mang thai hay cho con bú (bầu ngực tăng nhiều hơn vòng ngực).
Không nên mặc áo ngực suốt ngày mà nên có thời gian cho ngực “thở”. Đã có nghiên cứu cho thấy việc mặc áo ngực liên tục suốt ngày có thể làm gia tăng đau vai. Ở nhiều quốc gia còn có trào lưu “nói không với áo ngực”, không phải vì yếu tố thẩm mỹ hay gợi cảm mà vì lo ngại tình trạng đau hay nguy cơ bệnh lý vú.
Giám định hoá chất chứa trong áo nịt ngực Trung Quốc Ngày 28.10, nhiều phụ nữ ở Quảng Nam tiếp tục phản ánh với cơ quan chức năng về chất lỏng và những viên màu trắng chứa trong chiếc áo nịt ngực mà họ mua gần đây, khi sử dụng thấy ngứa ngáy khó chịu ở vùng ngực, tức ngực, khó thở. Bước đầu, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và thu giữ 47 áo nịt ngực nghi chứa chất độc hại, trong đó có nhãn hiệu “Huang Jia Ma Lian”; dùng dao mổ hai đường của phần túi trong nâng ngực, thì thấy có chứa hai gói dung dịch chất lỏng màu trắng kèm theo sáu viên thuốc màu trắng. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ đưa mẫu dung dịch và các viên màu trắng chứa trong các áo nịt ngực đó đi giám định. Tại Hà Nội cũng phát hiện nhiều loại áo ngực tương tự, bên trong hoặc độn miếng cao su dẻo, màu trắng trong, có nhiều lỗ hoặc bằng dung dịch trắng sữa, mỗi bên có ba hạt nhựa có thể di chuyển nếu dùng tay tác động. Khi cắt túi đựng dung dịch, chất lỏng chảy ra phảng phất mùi ngai ngái và gây ngứa. |