Mirtazapine – một loại thuốc chống trầm cảm đã được bán trên thị trường Mỹ dưới cái tên remeron, được chỉ định phổ biến trong điều trị chứng ngừng thở khi ngủ. Viagra – thuốc chống bất lực xung được biết đến như một loại dược phẩm có thể điều trị hiệu quả chứng áp huyết phổi cao, còn thuốc ngừa thai yasmin thì lại có tác dụng phụ là giảm béo. Nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đang thu lợi nhờ tác dụng phụ của những sản phẩm họ làm ra.
Khai thác hết tiềm năng của thuốc
Kể từ năm 1998, khi Cơ quan kiểm định thực phẩm và thuốc chữa bệnh Mỹ (FDA) cho phép công bố trên những tạp chí chuyên ngành thông tin về chủ đề những ứng dụng mới của sản phẩm tân dược đã được lưu hành, các hãng dược phẩm đã tận dụng tối đa cơ hội và khả năng này để tiêu thụ thuốc. Hậu quả, tại Mỹ từ khi ấy hầu như không có ngoại lệ – tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều được lĩnh ít nhất một loại thuốc "of-label" – tức trái với tính năng điều trị ban đầu do FDA ký duyệt. Sản lượng thuốc bán ra tăng nhanh, trong khi tính hiệu quả của sản phẩm trong ứng dụng mới thường không rõ ràng.
Ngừng thở khi ngủ là chứng bệnh liên quan đến trên dưới 1% phái mày râu lứa tuổi trung niên. Thế nhưng giới kinh doanh cũng quyết chiến, nhất định không bỏ qua số khách hàng ít ỏi này. Tuy nhiên, họ không dại gì mà lại đi lần mò nghiên cứu từ đầu đến cuối để tìm ra một loại biệt dược chuyên trị. Cách đây không lâu, đại diện của hãng Organon đã công bố rằng, thuốc chống trầm cảm mirtazapine của họ có thể sử dụng có hiệu quả trong điều trị chứng ngừng thở khi ngủ và ngủ ngáy to. Thông báo này được rút ra từ một nghiên cứu hời hợt và vội vàng: mới chỉ được trắc nghiệm qua 12 người và chỉ với một đêm duy nhất.
Gần đây nhất, thuốc điều trị động kinh Zonegran của hãng Pharmaceuticals và Topamax của hãng Ortho McNeil cũng gây xôn xao không nhỏ. Người ta lớn tiếng quảng cáo rằng, cả hai đều có tác dụng giảm béo! Topiramat, biệt dược khác chuyên trị chứng co giật, bỗng nhiên được công nhận như một thứ vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến chống nghiện rượu. Điều trùng hợp kỳ lạ là tính hiệu quả của tất cả các biệt dược kể trên chỉ được khẳng định bởi dư luận của vài ba người sử dụng chúng hoặc qua một nghiên cứu sơ sài. Những thí dụ như thế có thể kể ra rất nhiều. Nhờ sự "khám phá" những ứng dụng mới cả các mặt hàng dược phẩm đã lưu hành, các hãng thuốc có thêm một thị trường mới có tiềm năng không kém thị trường chính đã và đang theo đuổi. Đồng thời, những thị trường mới này cũng đem về một khoản lợi nhuận không nhỏ, thậm chí còn chẳng kém gì so với thị trường gốc. Vấn đề lo ngại nảy sinh ở chỗ: ở một phạm vi rộng, thị trường mới này có thể vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của nhà sản xuất cũng như các cơ quan chức năng. Bởi việc sử dụng biệt dược vào mục đích mới có an toàn hay không sẽ không được nghiên cứu cẩn thận như khi nó lần đầu tiên được tung ra thị trường.
Không ít ứng dụng mới của sản phẩm tranh thủ được sự chấp nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Và khi ấy, các nhà sản xuất tiếp tục tìm cách bán sản phẩm lần thứ ba, dưới một cái tên khác hẳn. Prozac, biệt dược điều trị trầm cảm nổi tiếng nhất thế giới cũng đã được tung ra thị trường với cái tên sarafem, thuốc loại trừ cái gọi là hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh (dành cho phụ nữ). Proscar, sản phẩm của hãng Merck, vẫn bán theo đơn để điều trị u xơ tuyến tiền liệt đồng thời có thể mua tự do dưới cái tên propecia dành cho người hói đầu muốn mọc tóc trở lại. Còn biệt dược chống trầm cảm wellbutrin cũng được bán cho đối tượng muốn cai nghiện thuốc lá với cái tên zyban. Từ thực tế trớ trêu này đã nảy sinh một câu hỏi thú vị: Nạn nhân trầm uất đồng thời mong muốn cai nghiện thuốc lá sẽ phải bỏ tiền ra mua một loại hay cả hai vì thành phần y hệt nhau cho dù mang tên họ khác nhau?