Thường xuyên ăn vặt: Nếu bạn thường xuyên ăn vặt dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể khiến bạn bị rối loạn đường tiêu hóa, còn lâu dài nguy cơ béo phì là không tránh khỏi. Béo phì là “bạn đồng hành” cùng các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp và đột quỵ. Bạn nên hạn chế số lần ăn vặt mỗi ngày, khoảng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 100-300 calo, tránh ăn sô-cô-la, đồ ngọt, nên ăn các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua…
Ăn quá nhanh: Dạ dày của bạn sẽ gặp nhiều vấn đề nếu bạn ăn nhanh và nuốt chửng thức ăn, cùng với đó là hiện tượng đầy hơi. Tốc độ ăn quá nhanh khiến cho dạ dày không kịp làm việc, khoang miệng không tiết đủ các enzyme để tiêu hóa thức ăn gây bệnh tiêu chảy. Theo nghiên cứu, những người dành 30 phút để ăn sẽ ăn ít hơn 10% thức ăn so với người ăn chỉ trong vòng 10 phút. Vì vậy, cố gắng càng ăn chậm càng tốt, tránh ăn bánh mỳ sandwich, xúc xích và khoai tây chiên.
Ăn uống trong tâm trạng xấu: Nhiều người mỗi khi buồn hay căng thẳng chuyện gì đó là tìm đến rượu, bia. Điều này không giúp bạn “giải sầu” mà rất nguy hiểm đến sức khỏe vì không kiểm soát được tâm trạng mình khi đó, tăng nguy cơ các bệnh về gan, dạ dày và bệnh thần kinh. Ngoài ra, có nhiều người lại có biện pháp ăn thay thế cho uống khi đang buồn chán. Nhưng chính trong thời gian chán nản này cơ thể con người lại hấp thụ carbonhydrates và calo nhiều hơn bình thường khiến bạn rất dễ tăng cân và béo phì.
Cuối tuần ăn hả hê: Bạn đang thực hiện một chế độ ăn uống khoa học áp dụng cho việc giảm cân của mình. Và cả tuần bạn đã làm rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, cuối tuần lại có suy nghĩ tự thưởng cho mình dịp này để ăn uống tự do. Kết quả là bạn không chỉ phá vỡ kế hoạch giảm cân của mình mà còn nạp thêm nhiều calo vào ngày cuối tuần. Đây hoàn toàn không phải cách để chúng ta duy trì một sức khỏe tốt. Do vậy, bạn nên kiểm soát tâm trạng của mình để quên đi cảm giác thèm ăn vào ngày cuối tuần.
Vừa đi vừa ăn: Có thể do công việc quá bận nên bạn kết hợp vừa đi vừa ăn cho kịp giờ. Nhưng nếu thường xuyên như vậy bạn sẽ bị rối loạn tiêu hóa, cảm giác nặng nề khó chịu khi ăn nhiều. Không những thế ăn khi đi đường là môi trường thích hợp để vi khuẩn trong không khí thâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, có thể gây nhiễm một số bệnh ở đường hô hấp và tiêu hóa.
Xao lãng trong khi ăn: Đó là việc bạn vừa ăn vừa xem tivi, đọc sách báo hay làm bất kỳ công việc gì đó mà không tập trung trong khi ăn. Bình thường não sẽ cảm nhận được khi nào bạn đã ăn no, nhưng khi bạn đã phân tâm vào việc khác, não dường như vô thức trong khi bạn ăn. Điều này khiến bạn không kiểm soát được lượng thức ăn sẽ làm tăng trọng lượng cơ thể.
Bỏ bữa sáng: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa sáng rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu bỏ bữa sáng chúng ta rất khó tập trung làm việc vì thiếu calo cho cơ thể và não. Nghiên cứu gần đây cho thấy, những người bỏ bữa sáng thường ăn nhiều hơn những người không bỏ bữa sáng, và bữa sáng cũng giúp chúng ta giảm cân và ổn định được trọng lượng cơ thể. Hãy ăn sáng sau khi tập thể dục chắc chắn bạn sẽ có một buổi sáng làm việc hiệu quả và tinh thần phấn chấn.
Lạm dụng đồ ngọt: Sử dụng đường nhiều trong ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, béo phì. Đường khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của hormone làm cho các mô mỡ, cenlulo tăng lên làm cho trọng lượng cơ thể cũng tăng. Vì vậy, bạn hãy chọn một số thực phẩm thay thế đường để đảm bảo cho sức khỏe.