"Kéo dài thời gian ngủ là một cách dễ dàng, hiệu quả để cải thiện sức khỏe và khả năng học tập của trẻ", tác giả nghiên cứu Reut Gruber, giám đốc phòng thí nghiệm về hành vi chú ý và giấc ngủ tại Trung tâm nghiên cứu Douglas, Quebec, Canada, cho biết.
Gruber và cộng sự đã tìm hiểu trên 34 em nhỏ tuổi từ 7 đến 11. Trong một tuần, một nửa số học sinh này được lên giường ngủ sớm hơn bình thường, trung bình thêm khoảng 27 phút mỗi đêm. Nhóm còn lại lên giường muộn hơn mọi khi, sau khoảng 54 phút.
Các giáo viên – không được biết về tình trạng ngủ của các em – thông báo lại sự thay đổi đáng kể trong hành vi của bọn trẻ và khả năng thực hiện nhiệm vụ mỗi ngày.
Kết quả là, các em thiếu ngủ không chỉ mệt mỏi hơn đáng kể, mà còn bốc đồng hơn, cáu kỉnh hơn các bạn được ngủ đủ giấc. Chúng cũng dễ khóc, mất bình tĩnh và hay làm hỏng việc hơn.
Ngược lại, nhóm trẻ được ngủ đủ kiểm soát cảm xúc tốt hơn hẳn, và lanh lợi hơn trong lớp học.
Các chuyên gia cho biết kết quả này rất ý nghĩa, cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của giấc ngủ.
Vậy làm cách nào các bậc cha mẹ biết con mình có ngủ đủ hay không?
Trẻ em trong tuổi đến trường cần ngủ 10-11 giờ mỗi tối, nhưng không có em nào giống em nào. Cha mẹ nên chú ý đến các điểm sau:
"Trẻ em trong tuổi này không nên buồn ngủ rũ trong ngày. Nếu chúng buồn ngủ khi đang ở trong xe hơi hoặc đang xem tivi, đó là tín hiệu báo động đỏ".
Một cách khác để biết nhu cầu ngủ của bé là chú ý đến thời gian bé ngủ trong những kỳ nghỉ hè, khi chúng không cần thức dậy theo thời khóa biểu. Nếu bé thường xuyên ngủ dài hơn trong những tối đi học, có thể là bé đã thiếu ngủ thường xuyên.
Cha mẹ có thể thực hiện một số bước sau để bé đi ngủ đúng giờ:
– Khoảng nửa giờ trước giờ ngủ, hãy cùng trẻ chuẩn bị – tắt thiết bị điện, tắt tivi, máy tính
– Có giờ ngủ và dậy cố định, áp dụng cả điều này với ngày cuối tuần
– Làm gương tốt cho trẻ. Đi ngủ vào giờ đã định và nói chuyện với trẻ về tầm quan trọng của giấc ngủ.