Trang chủ » Tin tức » Thành tựu Y học » Máu nhân tạo từ tế bào gốc

Máu nhân tạo từ tế bào gốc

Các nhà khoa học hy vọng máu nhân tạo có thể được sản xuất ở quy mô công nghiệp, giúp khắc phục tình trạng thiếu máu truyền đang rất phổ biến ở nhiều bệnh viện trên thế giới. Máu nhân tạo có ưu điểm không bị nhiễm mầm bệnh và có thể truyền cho mọi nhóm máu.

Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Edinburgh và Bristol (Anh) đã lần đầu tiên tạo ra hàng nghìn triệu tế bào hồng cầu từ tế bào gốc ở tủy sống. Tuy nhiên, máu sử dụng để truyền cần chứa tới 2,5 nghìn tỷ tế bào hồng cầu. Vì thế, số lượng hồng cầu mà các nhà khoa học tạo ra chưa đủ để thử nghiệm trên người.

Theo lý thuyết, tế bào lấy gốc từ phôi thai có thể tự nhân thành số lượng lớn, nhưng cho đến nay nhóm nghiên cứu vẫn chưa tạo được đủ số lượng hồng cầu cần thiết. Nếu hiện thực hóa được lý thuyết này, chỉ cần một phôi thai có thể cung cấp đủ tế bào để sản xuất máu cung cấp cho cả nước Anh.

Tiến sĩ Marc Turner, thuộc Đại học Edinburgh, dự đoán trong vòng 2 – 3 năm nữa, nhóm nghiên cứu của ông sẽ sẵn sàng thử nghiệm tiêm máu nhân tạo vào cơ thể những người tình nguyện. Sau đó, một cuộc thử nghiệm trên quy mô lớn sẽ được tiến hành. Máu nhân tạo có thể được sản xuất và sử dụng rộng rãi trong vòng 1 thập kỷ nữa.

Máu nhân tạo cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia đang phát triển. Hàng nghìn phụ nữ ở các quốc gia này tử vong hàng năm do băng huyết sau khi sinh con. Những phụ nữ này có thể được cứu sống, nếu được truyền máu kịp thời.

Mặc dù vậy, công trình nghiên cứu sản xuất máu nhân tạo đã bị phản đối bởi một số nhà khoa học. Họ cho rằng sử dụng tế bào gốc của phôi thai để phục vụ nghiên cứu khoa học là một việc làm phi nhân tính.



Gửi thảo luận