Ở Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong tổng số các bệnh lý đại – trực tràng và ống hậu môn, hội chứng ruột kích thích chiếm tỷ lệ cao nhất tới 83,4%.
Thế nào là hội chứng ruột kích thích?
Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome) là một loại bệnh lý đặc trưng bởi các rối loạn chức năng của ống tiêu hóa với biểu hiện chủ yếu ở đại tràng; tái phát nhiều lần mà không tìm được các thương tổn về giải phẫu, cấu trúc, sinh hóa ở ruột.
Hiện nay, cơ chế điều hòa các hoạt động của ruột đã được làm sáng tỏ thông qua vai trò của hệ thống thần kinh trung ương phối hợp với hệ thống thần kinh tại ruột (trục não – ruột). Bệnh không gây tử vong nhưng kéo dài, gây tâm lý lo lắng, mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Những dấu hiệu bệnh lý điển hình
Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích bao gồm các triệu chứng tại ống tiêu hóa như đau quặn bụng, sôi bụng, đại tiện nhiều lần phân lỏng hoặc táo, phân nát, nhiều bọt, phân nhầy máu mũi, cảm giác mót rặn liên tục, trướng bụng đầy hơi, ợ chua do trào ngược dạ dày – thực quản. Các biểu hiện này xuất hiện thường xuyên hoặc sau một sang chấn tâm lý, sau ăn các thức ăn lạ, thức ăn mỡ, tanh như cá tôm và có thể hết sau khi ăn kiêng trở lại.
Các biểu hiện ngoài ruột thường là mệt mỏi, lo lắng, kém tập trung, suy giảm các hoạt động thể lực, đau đầu mất ngủ…
Trái với biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng, kết quả các xét nghiệm máu, phân, xét nghiệm mô bệnh học đại tràng hoàn toàn bình thường. Chụp Xquang khung đại tràng có thể bình thường hoặc có tăng co bóp nhu động. Nội soi đại – trực tràng hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân nào gây nên hội chứng ruột kích thích?
Mặc dù nguyên nhân thực sự gây hội chứng ruột kích thích chưa được rõ nhưng có một số yếu tố được cho là có liên quan đến sự khởi phát của hội chứng này. Một số nghiên cứu cho thấy sau nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, khả năng bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích tăng lên tới 6 lần. Các yếu tố gây stress và tâm lý bệnh nhân cũng góp phần đáng kể trong cơ chế bệnh sinh. Thức ăn không thích hợp với bệnh nhân, thức ăn ít chất xơ cũng hay gây rối loạn chức năng ống tiêu hóa. Các thương tổn đại tràng sau nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc thức ăn cũng có thể làm tăng tính nhạy cảm của đại tràng gây ra hội chứng ruột kích thích. Rối loạn điều hòa nhu động đại tràng của trục não – ruột cũng được cho là có thể gây bệnh. Các hormon sinh dục nữ tăng cao trong giai đoạn của bệnh lý giải tại sao hội chứng ruột kích thích xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.
Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Trong đợt tiến triển của bệnh, một số thuốc cũng nên được để điều trị triệu chứng như các thuốc giảm đau (giảm co thắt đại tràng): duspataline, no-spa, spasfon…; các biện pháp chống táo bón như uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, dùng thuốc nhuận tràng (forlax, duphalac…); thuốc chống tiêu chảy: smecta, actapulgite, imodium…; thuốc chống sinh hơi: meteospasmyl, pepsan, than hoạt…; thuốc an thần kinh: rotunda, seduxen, dogmatyl…