1. Thở đều (Sama Vritti)
Mức độ: dễ
Phương pháp: Hít vào 4 lần và thở ra 4 lần liên tiếp. Sự cân bằng luôn luôn tốt cho cơ thể và ngay cả việc hít thở cũng vậy. Những người tập yoga thường xuyên cũng có thể đếm tới 6 hoặc 8 lần trong một bài tập. Động tác này làm hệ thần kinh của chúng ta trở nên bình tĩnh và giảm thiểu stress.
Thời gian: Mọi lúc, mọi nơi, tuy nhiên kỹ thuật này đặc biệt hiệu nghiệm nếu làm trước khi ngủ. Nó giúp bạn tạm thư giãn và quên đi những dòng suy nghĩ bộn bề âu lo.
2. Thở bằng bụng
Mức độ: dễ
Phương pháp: Giữ một tay trên ngực và tay còn lại trên bụng, hít sâu qua đường mũi. Hãy đảm bảo rằng bạn đã hít đủ không khí để khiến cơ hoành căng ra (chứ ko phải căng ngực). Nếu có thời gian hãy dành ra 10 phút mỗi ngày để thực hiện bài tập (6-10 lần thở sâu/phút), nhịp tim và áp lực máu sẽ giảm đáng kể.
Thời gian: Trước kì thi hay bất kì một sự kiện căng thẳng nào đó.
3. Thay đổi lỗ mũi khi thở (Nadi Shodhana)
Mức độ: trung bình
Phương pháp: Sử dụng bàn tay phải, ép ngón cái vào lỗ mũi phải và hít sâu vào qua lỗ mũi trái. Sau đó dùng ngón đeo nhẫn ép vào lỗ mũi trái và thở ra qua lỗ mũi phải. Tiếp tục chuỗi động tác này theo trình tự để tìm được sự thăng bằng, bình tĩnh cũng như kết nối tốt hơn 2 bán cầu não.
Thời gian: Bất cứ khi nào bạn cần tập trung năng lượng. Đừng thực hiện bài tập này trước khi ngủ bởi nó cũng giống một tách cà phê, sẽ giúp bạn tỉnh táo và thông thoáng đầu óc.
4. Kapalabhati (hơi thở tỏa sáng não bộ)
Mức độ: khó
Phương pháp: Hít một hơi chậm và dài sau đó thở ra thật nhanh và mạnh (tất cả đều qua đường mũi). Làm như vậy 10 lần.
Thời gian: Khi vừa ngủ dậy hoặc lúc cần một khởi đầu lạc quan. Phương pháp hít thở này sẽ giúp bạn làm nóng cơ thể, rũ bỏ phần năng lượng trì trệ và đánh thức não bộ. Nếu bài tập số 3 giống một tách cà phê thì Kapalabhati chính là espresso cho ngày mới tràn đầy năng lượng.
5. Thư giãn dần dần
Mức độ: dễ
Phương pháp: Nhắm mắt lại, tập trung vào việc căng và giãn các nhóm cơ trong khoảng 2-3 giây. Bắt đầu từ ngón chân, di chuyển lên đầu gối, đùi, ngực, tay, cổ và mắt – đừng quên thở chậm và sâu trong toàn bộ quá trình. Bạn cũng có thể hít vào bằng mũi, giữ hơi thở này 5 giây trong lúc đang căng cơ, sau đó thở ra bằng miệng.
Thời gian: Tại bàn làm việc hoặc khi lái xe đường dài, phương pháp này sẽ loại bỏ căng thẳng và giúp bạn tiếp tục làm việc hiệu quả hơn trong một thời gian dài.
6. Vừa thở vừa … tưởng tượng
Mức độ: trung bình
Phương pháp: Thở sâu và đều trong khi nghĩ đến những hình ảnh vui vẻ, tích cực (có thể tượng tượng bạn đang ở một nơi nào đó hạnh phúc). Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã thực hiện bài tập này mà không hề hay biết (khi ngồi trong lớp học, nhìn ra cửa sổ và mơ về “nơi ấy” chẳng hạn…). Đây chính là phương pháp thư giãn tốt nhất, giúp chúng ta tạm quên đi những suy nghĩ tiêu cực trong ngày.
Thời gian: Bất cứ khi nào bạn có thể nhắm mắt và mơ mộng thoải mái (đừng làm vậy quá nhiều trong giờ học, khả năng cao là bạn sẽ gặp rắc rối và stress gấp nhiều lần đấy…)
Kết luận:
Nếu biết sử dụng đúng cách, hơi thở chính là thứ công cụ hữu ích nhất để bạn thư giãn trong một ngày làm việc căng thẳng và bận rộn. Những rắc rối tiêu cực luôn tồn tại xung quanh và đe dọa đến tinh thần của bạn, nhưng đừng quên dùng chính hơi thở của mình để chống stress nhé.