Sau đây là cách nhìn sự việc của bác sĩ Phạm Vũ Thiên, người từng có nhiều năm nghiên cứu về người đồng tính ở Việt Nam, hiện đang công tác ở Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và dân số.
– Thời gian gần đây trong showbiz có nhiều nghệ sĩ công khai việc mình đã đi chuyển đổi hẳn giới tính. Có phải giới này thường có tỷ lệ người xu hướng tình dục đồng giới cao hơn bình thường không?
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên. |
Tôi công nhận là ở người đồng tính, năng lực về nghệ thuật của họ khá là tốt, đôi khi tốt hơn hẳn những người dị tính.
Nên có khá nhiều anh làm mẫu tóc, mẫu thời trang hay ca sĩ nổi tiếng là người đồng tính. Họ có tố chất nghệ thuật bẩm sinh và bộc lộ được năng khiếu đó của mình. Thực tế những người đồng tính có năng lực nghệ thuật khá tốt, nên số lượng chúng ta gặp trong showbiz là khá đông.
Nhưng điểm thứ hai nữa là giới showbiz bao giờ cũng hoạt động bề nổi, họ là người của công chúng, sự quan tâm của dư luận dành cho những người nghệ sĩ này bao giờ cũng nhiều hơn hẳn người bình thường, nên có thể cứ nghệ sĩ nào đồng tính là mọi người đều biết.
Còn số lượng người đồng tính ở bên ngoài cộng đồng có thể sẽ ít người biết hơn. Có những người làm doanh nhân thành đạt có xu hướng tình dục đồng giới, nhưng họ không bao giờ để lộ ra. Thế nên cũng không thể nói trong giới doanh nhân, giới trí thức, giới công chức không có hay có ít người đồng tính.
Một người nghệ sĩ tuyên bố mình đồng tính có thể dư luận sẽ ồn ào một thời gian, nhưng một người lãnh đạo chỉ cần ở cấp địa phương mà công khai điều đó thì câu chuyện sẽ trở nên hoàn toàn khác.
– Một người trong giới nghệ sĩ mới đây tuyên bố là 60% nghệ sĩ Việt đồng tính, với con mắt khoa học của ông thì liệu con số này chính xác được bao nhiêu phần?
Con số đó chỉ là được đưa ra theo cảm nhận của riêng người nghệ sĩ đó thôi, có thể anh ta đánh giá theo mối quan hệ của anh ấy với những người khác, tất nhiên những người trong giới với nhau thì có thể họ nắm rõ hơn những người bên ngoài.
Nhiều nghệ sĩ Việt đã công khai chuyển giới. |
Quan điểm của tôi là đời sống tình dục là điều riêng tư của mỗi người, khi họ không mong muốn nói ra, thì nó vẫn là việc của cá nhân và chúng ta không nên đào bới.
Còn khi chúng ta đếm những người đã công khai, tôi là người đồng giới, ví dụ như chị Thái Tài, như Hương Giang hay Lâm Chí Khanh, thì lúc đó hãy kết luận.
– Theo ông những người dị tính khi chung sống hoặc có quan hệ tình dục (vì những lý do nào đó) với những người đồng giới có khi nào cũng có xu hướng tình dục đồng giới?
Không có hiện tượng bị lây nhiễm, hay mắc vì khuynh hướng tình dục không phải là một bệnh lây và không có thể bị biến đổi từ người có khuynh hướng dị tính thành đồng tính và ngược lại.
Vì nếu có thể tác động để thay đổi thì tất cả những người đồng tính đều có thể thay đổi và chuyển thành người có khuynh hướng tình dục dị tính rồi.. vì họ sống chung với người dị tính, phần lớn trong số họ không mong muốn là người đồng tính, và nhiều người đã cố gắng hoặc gia đình họ đã từng cố gắng can thiệp để thay đổi khuynh hướng tình dục của họ bằng nhiều cách… kể cả việc bạo hành, trói xích, cách ly, thậm chí ép dùng thuốc, tiêm hóc môn sinh dục nam, hay ép cưới vợ/ chồng… mà thực tế là không thay đổi được.
Với người dị tính cũng vậy, việc quan hệ tình dục với người cùng giới thì có thể có người này, người khác thử hoặc thực hiện vì nhiều mục đích khác nhau… nhưng khuynh hướng tình dục thì không phải cứ gần người đồng tính, hoặc thậm chí đã từng có quan hệ tình dục với người đồng tính là sẽ thay đổi…
– Đồng tính không phải là một căn bệnh, nhưng những người thuộc giới tính thứ ba vẫn phải sống với nhiều áp lực?
Trước đây những người đồng tính công khai giới tính thật của mình rất ít, chỉ khi đề cập tới vấn đề dự phòng lây nhiễm HIV, trải qua quá trình vận động thì họ đã công khai giới tính của mình nhiều hơn và áp lực cũng đã có giảm đi nhiều.
Tôi cũng được biết có những trường hợp gia đình xích tay, xích chân hay nhốt lại khi biết con họ đồng tính, để hy vọng rằng con mình thay đổi. Hoặc một số trường hợp đưa con là người đồng tính vào trại tâm thần để điều trị và dùng thuốc chữa bệnh tâm thần.
Chúng tôi mới được nghe một trường hợp có thật, một em gái được gia đình đưa vào trại tâm thần chỉ vì em bộc lộ giới tính thật của mình.
Đó là những trường hợp đáng buồn do suy nghĩ còn lệch lạc và sự thiếu hiểu biết về người đồng tính và khuynh hướng tình dục đồng tính.
Nhưng bây giờ xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, khi họ ra công khai được thì cái nhìn của mọi người cũng sẽ cảm thông hơn.
Tình trạng kì thị của cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực. Ví dụ ở khu vực phía Nam, nhiều khi họ mời những người chuyển giới, hoặc những người chuyển giới một nửa, tức là họ đã phẫu thuật ngực rồi, đến hát ở đám ma, rồi múa lửa…
Những người dân mời những người đó đến nghĩa là họ cũng coi đó là một hoạt động văn hóa, và người ta chấp nhận việc những người khác là người đồng tính khá dễ dàng và coi những hoạt động này là hoạt động mang tính giải trí không có vấn đề gì.
Nhưng với con em mình thì là một việc khác, còn nhiều gia đình làm mọi cách để “vặn” lại con em mình trở về là người dị tính như bình thường là những cái nhìn thiếu tích cực và thể hiện sự thiếu thông tin.
Về tâm lý, cha mẹ chắc chắn sẽ có những nỗi buồn, đau khổ khi con mình không như mình mong muốn, vì cha mẹ nào chẳng mong mỏi con mình nhiều điều từ chuyện đi học, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Nhưng nếu bố mẹ không biết cách, cứ ép con cái trở thành người mà bố mẹ mong muốn thì sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
– Cá nhân ông có ủng hộ hôn nhân đồng tính?
Quan điểm cá nhân tôi thì tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính, vì mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau.
Trong mối quan hệ giữa hai người với nhau nó có nhiều ràng buộc, trong đó con cái cũng là một mối ràng buộc, mà những người đồng tính không thể sinh con với người mình yêu đã là một thiệt thòi.
Tuy nhiên, xã hội bây giờ là xã hội mở, ngay cả khi hai người ràng buộc nhau bằng tờ giấy đăng kí kết hôn cũng không phải là cái ràng buộc vĩnh viễn, mà nó chỉ là nhất thời thôi. Còn họ không thích nhau họ cũng sẽ ra tòa li dị, người dị tính như vậy và người đồng tính cũng vậy thôi…
Nhưng nếu nói về vấn đề quyền thì những người đồng tính đang thiệt thòi hơn những người dị tính trong chuyện chưa được luật pháp cho phép kết hôn.
– Dường như quá trình phẫu thuật để chuyển giới có vẻ rất tốn thời gian và tiền bạc, nên vẫn không có nhiều người phẫu thuật để sống đúng với giới tính của mình?
Đúng là quá trình phẫu thuật chuyển giới tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Ở các nước, trước khi tiến hành, các cán bộ tư vấn tâm lý sẽ trao đổi với người muốn được chuyển giới, và xác định rất rõ là người này có thực sự mong muốn chuyển giới hay không.
Bắt đầu quá trình chuyển giới bằng việc tiêm hóc-môn (hormone) trong vài năm để có những thay đổi về cơ thể, về giọng nói, về hình thể, như tiêm hóc-môn sinh dục nữ giúp, tăng tích mỡ làm ngực, hông lớn hơn, hạn chế mọc râu…
Sau đó mới đến giai đoạn phẫu thuật như ngực, các bộ phận sinh dục, hoặc nếu muốn làm đẹp họ sẽ phẫu thuật thẩm mỹ cả khuôn mặt.
Đó là cả một quá trình rất dài, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc và sức khỏe.
– Hình như việc chuyển giới còn ảnh hưởng tới tuổi thọ?
Một cuộc phẫu thuật lớn và dùng hóc-môn suốt cả cuộc đời có thể ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe của người chuyển giới vì họ phải tiếp nhận một lượng hóc-môn mà bình thường cơ thể họ không phải tiếp nhận.
Tuy nhiên tới hiện tại vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về việc họ có bị giảm tuổi thọ sau khi chuyển giới hay không nên chưa thể khẳng định cụ thể về từng tác động có thể của việc phẫu thuật chuyển giới tính.
– Xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện.