Các dấu hiệu nhận biết sai khớp:
– Đau do tổn thương rách bao khớp.
– Giảm hoặc mất hoàn toàn cơ năng vận động khớp.
– Hõm khớp bị rỗng. Đây là dấu hiệu đặc biệt của sai khớp, nhưng không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu. Nếu người bệnh đi khám muộn thì sẽ khó nhận thấy do sưng nề nhiều.
– Biến dạng toàn chi: Nếu sai khớp vai thì tư thế cánh tay luôn biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành.
– Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp.
– Cử động đàn hồi, còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ có trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác và bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn bật trở lại tư thế sai.
– Có một số biến dạng đặc biệt:
+ Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
+ Dấu hiệu "nhát rìu" thấy trong sai khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở).
+ Dấu hiệu "phím đàn dương cầm" thường thấy trong sai khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm).
Còn để xác định chính xác tổn thương ở cổ chân sau khi bị ngã trẹo chân, bạn nên đi khám ở chuyên khoa khớp. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để biết chính xác loại sai khớp và tình trạng khớp (có hay không bong xương, vỡ mẻ xương khớp hay gãy đầu xương). Nếu để lâu có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, dây thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương.