Sở dĩ phụ nữ phải chịu rất nhiều sự khó chịu trước “ngày ấy” là do mất cân bằng các hormon estrogen, prolactin, ad-renal và thyroit. Sự mất cân bằng này dẫn đến những thay đổi về thể chất, tâm trạng và cách ứng xử. Những biểu hiện khó chịu này sẽ mất đi một vài ngày sau đó. Đây không phải là bệnh nên bạn không cần tìm cách chữa. Tuy nhiên, bạn nên tìm cách để giảm tối đa những khó chịu mà hội chứng này đem đến.
Có rất nhiều phương pháp giúp bạn vượt qua những “ngày ấy” một cách dễ dàng, chẳng hạn tập thể dục, bổ sung chất dinh dưỡng, dược thảo. Trong một vài trường hợp, nếu các triệu chứng quá nặng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, bạn có thể báo với bác sĩ để được dùng liệu pháp hormon thay thế.
Trong tất cả các phương pháp kể trên, bạn nên quan tâm hàng đầu đến chế độ dinh dưỡng. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, ít chất béo; bổ sung thêm protein, chất xơ và hydratcarbon phức hợp; dùng ít muối, đường, cafein và rượu, bia sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt hơn. Những phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, khi được bổ sung thêm hydratcarbon, sữa, natri, sắt, kẽm và giảm mangan sẽ thấy dễ chịu hơn. Những người bị hội chứng này thường có mức thiamin, riboflavin và vitamin B6 thấp hơn, điều đó có nghĩa, họ cần phải ăn thêm gạo lức, các loại bánh bột mì đen nếu muốn thoải mái và sảng khoái suốt cả tháng.
Bạn cần đặc biệt chú ý bổ sung các vitamin như A, E… và các chất vi lượng như kẽm, magiê… Thiếu kẽm có thể dẫn đến hạn chế tiết progesteron, endorphin và các chất morphin tự nhiên khác, khiến cho triệu chứng trước kỳ kinh nguyệt trở nên gay gắt hơn. Thiếu magiê cũng là một nguyên nhân của hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm vitamin A từ thực phẩm. Các thực phẩm giàu vitamin A và betacaroten là mơ, khoai lang, súp lơ xanh, cà rốt, xoài, đào, bí ngô, dưa hấu. Riêng việc bổ sung vitamin E – thuốc bổ trợ để làm giảm các triệu chứng căng thẳng, đau đầu, mệt mỏi, trầm cảm, vitamin B6 – một chất lợi tiểu tự nhiên giúp làm giảm sự trướng bụng và các triệu chứng khác của hội chứng trước kỳ kinh… bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Ngoài ra, để giảm khó chịu trong những “ngày ấy”, bạn cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp ổn định mức đường huyết, từ đó giảm các triệu chứng khó chịu như đau đầu, chóng mặt. Tập thể dục thường xuyên. Thể dục thể thao không chỉ làm dịu stress mà còn làm bạn mất đi tâm trạng bực dọc, làm cơ bắp rắn chắc hơn, làm bạn hoạt bát hơn. Chườm nóng, xoa bóp, châm cứu… cũng có thể áp dụng để điều trị hội chứng này.