Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Dinh dưỡng - Sức khoẻ » Ăn thịt gà “già” tốt hay không?

Ăn thịt gà “già” tốt hay không?

"…Xét về mặt dinh dưỡng, tỉ lệ tiêu hóa của thịt gà già trong cơ thể con người thấp, tuy nhiên nếu bảo ăn gà già có hại cho sức khỏe thì chưa đúng”- TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm nhận xét.

Xương gà già nhiều can xi

Mấy ngày nay nhiều bà nội trợ lăn tăn không biết gà dai Hàn Quốc thế nào mà bị cấm bán, trong khi thịt ngon, giá rẻ chỉ bằng 1/2 so với gà công nghiệp nội địa. Chị Lê Thị Vân (Bắc Ninh) chuyên bán gà lẻ ở chợ Phan Kế Bính (Hà Nội), gà dai Hàn Quốc thịt chắc, có độ dai, giòn, thịt màu vàng như thịt gà ta nên nhiều bà nội trợ bị nhầm là gà ta, gà mía. Ướp sả, gừng cho thơm rồi luộc, rang đều ngon và là món khoái khẩu của dân nhậu, giá lại rẻ nên các quán phở, cháo đều thích dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang (Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam), gà dai Hàn Quốc, gà thải Trung Quốc, gà đẻ Việt Nam đều là một loại. “Loại gà mà báo chí nói thời gian qua là gà già, giá bán quá rẻ, cộng với thuế từ 2012 chỉ còn 25% nên một số doanh nghiệp đã nhập về (khoảng 1.200 tấn gà giết rồi). Xét về giá trị dinh dưỡng thì loại gà này ăn được nếu không bị bệnh, không tồn dư thuốc và khỏe mạnh”, ông Nguyễn Đăng Vang nói.

Theo các nhà chăn nuôi, độ tuổi gà cho ăn thịt tốt nhất đã được thế giới chứng minh về mặt dinh dưỡng là: Gà công nghiệp lông trắng 38 ngày tuổi (ở Việt Nam là 38 – 45 ngày tuổi). Gà lông màu nuôi thả ngoài vườn trên thế giới trung bình 49 – 56 ngày tuổi (ở ta 56 – 70 ngày tuổi), giá cũng đắt hơn gà lông trắng vì thịt chắc. Giống gà ri truyền thống của ta nuôi 105 – 120 ngày, thịt ngon, giá đắt nhất.

Riêng với gà già, TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ở Việt Nam gà nuôi đẻ công nghiệp được chăm sóc tốt. Tuy hàm lượng protein trong gà già thấp, thịt gà dai và hơi khó tiêu nhưng người xưa quan niệm xương gà già tích lũy nhiều chất khoáng, nên thường ninh, hầm xương gà già cho phụ nữ mới sinh đẻ.

Giá trị dinh dưỡng thấp

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, gà già thường tích lũy mỡ nhiều hơn gà non. Mỡ động vật nói chung và mỡ gà già nói riêng giá trị dinh dưỡng thấp, chỉ có giá trị về mặt năng lượng. Khi tiêu hóa trong cơ thể con người thì phải cân đối giữa năng lượng và chất đạm (ví như ăn hoàn toàn thịt, hay ăn hoàn toàn tinh bột cũng bất lợi cho  sức khỏe, nên cần cân đối giữa tinh bột – năng lượng – protein). Lượng mỡ trong gà già cao, không tốt cho sức khỏe, hàm lượng cholesterol còn gây xơ cứng động mạch. Thịt nạc có trong gà già vẫn có, nhưng cứng chứ không mềm như gà non, tỉ lệ tiêu hóa trong cơ thể con người thấp.

Giá gà già rẻ 1/3 đến 1/4 so với gà non, một số nước vẫn bán tận dụng cho người nghèo để ăn hoặc ninh, hầm lấy nước nấu súp chứ hầu như không xuất khẩu. “Xét về tiêu hóa thì thịt gà này không nguy hiểm gì, khả năng độc hại thấp, ăn không sinh bệnh, nhưng ăn để có lợi cho sức khỏe thì đây không phải là giải pháp có lợi nhất. Đứng trên quan điểm của một quốc gia thì không nên cho nhập gà già từ quốc gia khác vào Việt Nam, nhất là trong nước giá gà đang rẻ, bán ra ảnh hưởng tới sản xuất”, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang nói.

TS Nguyễn Duy Thịnh thì cho rằng, gà (hay các loại thực phẩm tươi sống khác) nhập về Việt Nam cần kiểm tra độ an toàn sau giết mổ có chất bảo quản độc hại không? Kiểm dịch, phân tích xem chất bảo quản có được phép dùng không? Hàm lượng chất độc hại có vượt quá mức cho phép không?… Nếu không có vấn đề gì thì cho bán vì giá rẻ, hợp với đa số dân nghèo.

Gửi thảo luận