Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Không thể thờ ơ

Không thể thờ ơ

Bệnh nhiều…

Theo nhiều chuyên gia y tế, qua khảo sát ở một số thành phố lớn và các tỉnh, bệnh học đường đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh. Học sinh mắc bệnh cận thị ngày càng nhiều hơn, ở độ tuổi ngày càng nhỏ hơn, trong đó khoảng 15% học sinh mắc bệnh cận thị (riêng cấp tiểu học tỷ lệ này tới gần 30%). Đặc biệt ở một số nơi như: lớp chuyên, lớp chọn, tỷ lệ học sinh bị cận thị lên tới 60 – 80%. Bệnh cong vẹo cột sống cũng là những con số giật mình: chiếm khoảng từ 15 – 40% học sinh.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị ở học sinh, đó là việc bố trí hệ thống chiếu sáng ở các trường học chưa đạt chuẩn. Trường lớp được thiết kế thiếu khoa học dẫn đến phòng học có rất ít ánh sáng tự nhiên, bị ngược sáng, chói hay bị lóa. Khoảng cách từ bàn học đầu đến bảng lớp quá gần, hay từ bàn cuối đến bảng lại quá xa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị giác của học sinh. Bệnh cong vẹo cột sống của học sinh thì nguyên nhân là do bàn ghế ngồi học chưa đúng kích cỡ quy định.
 
Ngay từ đầu năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT đã ra thông tư quy định về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh các cấp về kích thước, kiểu dáng, màu sắc nhằm đảm bảo thẩm mỹ, an toàn, phù hợp với môi trường học tập và lứa tuổi. Thế nhưng, năm học mới đã trôi qua được hơn tháng mà việc trang bị bàn ghế đúng chuẩn quy định vẫn y như cũ. Hơn nữa, do thiếu thốn cơ sở vật chất, sĩ số học sinh đông, khoảng 50 em, thậm chí còn trên 60 em/lớp, nên lớp học trở nên chật hẹp. Bên cạnh đó, tư thế ngồi của trẻ cũng ít được quan tâm…

Nhưng thiếu cán bộ y tế trường học

Trong khi bệnh học đường đã và đang gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh thì cán bộ y tế trường học lại đang thiếu trầm trọng. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 200 trong tổng số hơn 900 trường học các cấp có phòng y tế. Trên 600 trường có nhân viên y tế, nhưng hơn nửa trong số đó là cán bộ kiêm nhiệm. Việc thu hút nhân lực y tế về công tác tại các trường học tại Đăk Lăk đang gặp nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng phòng Pháp chế và Công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT Đăk Lăk cho biết: “Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cán bộ y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên. Thế nhưng, đối tượng học trung cấp y ra trường nếu xin về các trường học thì lương thấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ không được nhiều. Vì thế, sau khi ra trường, học viên các trường trung cấp y thường tìm việc tại các môi trường khác, còn về công tác y tế tại các trường học thì rất ít”.

Tỉnh Lạng Sơn cũng giống như Đăk Lăk, thống kê của Trung tâm YTDP Lạng Sơn, các trường công lập trên địa bàn Lạng Sơn mới có 460 nhân viên y tế (đạt tỷ lệ 52,6% so với tổng số trường), trong đó có 215 người hiện đang công tác tại các trạm y tế xã và 245 nhân viên y tế trường học do ngành giáo dục tuyển dụng. Những trường không có nhân viên y tế, do nhiều nguyên nhân, việc tuyển dụng hoặc hợp đồng nhân viên y tế chỉ theo tính chất “được chăng hay chớ”. Bà Trần Thị Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn lo lắng: “Huyện chúng tôi có 82 trường trực thuộc nhưng số trường có nhân viên y tế chỉ ở mức dưới 10 trường”.

Trong cái khó chung của việc tuyển dụng nhân viên y tế trường học, với sự năng động của mình, nhiều trường học đã ký hợp đồng với trạm y tế các xã, phường trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh. Do hầu hết các trường tiểu học và THCS đều ở trung tâm xã, gần khu vực trạm y tế, nên công tác cấp cứu tai nạn hoặc có học sinh ốm đau đột xuất đều được đưa ra trạm y tế cứu chữa kịp thời. Nhiều trạm y tế thường xuyên cử cán bộ đến tư vấn cho nhà trường về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh học đường.

Đẩy mạnh công tác tuyển dụng, bố trí nhân viên y tế trường học cho các nhà trường, nhất là đối với các trường học 2 buổi/ngày có học sinh nội trú, bán trú, các trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức y tế trường học cho đội ngũ giáo viên là việc làm mang tính cấp bách cần phải làm của ngành GD&ĐT để có đủ lực lượng có chuyên môn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, để hoạt động y tế trường học được thiết thực, chính các trường phải bố trí phòng y tế cũng như thuốc, dụng cụ sơ cấp cứu phải đầy đủ. Tránh bệnh hình thức không phải là hiếm ở nhiều phòng y tế của các trường học.

 
 

Gửi thảo luận