Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Sức khoẻ - Giới tính » Cần hiểu rõ hơn bệnh lây truyền qua đường tình dục

Cần hiểu rõ hơn bệnh lây truyền qua đường tình dục

Ở lứa tuổi VTN, các em đã phát triển đầy đủ về mặt sinh lý, đã có đòi hỏi về mặt tình dục, muốn tò mò, khám phá “mê cung” – nơi mà chúng chưa hề biết, nhưng lại không được giáo dục đầy đủ, thiếu hiểu biết. Do vậy, thực trạng đáng báo động là tỷ lệ nạo phá thai, tỷ lệ trẻ VTN mắc các bệnh LTQĐTD vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Cho đến nay, người ta đã tìm thấy hơn 20 bệnh LTQĐTD.

Các tác nhân gây bệnh rất đa dạng và dễ lây bao gồm: Vi khuẩn: lậu, giang mai, hạ cam… Virut: HIV, viêm gan B, viêm gan C, herpes, papilloma… Liên thể vi khuẩn và virut: Chlamydia, Ureaplasma, Mycoplasma… Ký sinh trùng: trùng roi, nấm men… Nguồn gây nên các bệnh LTQĐTD là tinh dịch hoặc dịch do âm đạo tiết ra có chứa mầm bệnh hoặc máu của người bệnh.

 
Một người lành sẽ bị lây bệnh nếu dịch sinh dục hoặc máu của người bệnh xâm nhập được vào trong cơ thể của người lành qua các con đường sau đây: quan hệ tình dục; do truyền máu bị nhiễm bệnh; lây từ mẹ sang con. Những hoạt động thông thường hằng ngày như: bắt tay, ôm, sử dụng chung bể bơi, qua mồ hôi, qua hắt xì hơi… không làm lây lan căn bệnh này.

Rất nhiều bệnh LTQĐTD không thể hiện dấu hiệu rõ ràng cho dù là nam hay nữ, vì thế người mắc có thể không biết rằng mình đã bị mắc bệnh, nhưng họ vẫn có thể làm lây bệnh cho người khác. Đây chính là đặc điểm rất nguy hiểm và cũng là nguyên nhân làm cho bệnh LTQĐTD rất dễ lây lan, khó phòng tránh nếu không có đầy đủ hiểu biết và đề phòng.

Cần hiểu rõ hơn bệnh lây truyền qua đường tình dục 2

 Vi khuẩn lậu nhìn trên kính hiển vi.

Mỗi một bệnh LTQĐTD có những biểu hiện lâm sàng khác nhau nên khi có các biểu hiện dưới đây thì cần phải đi khám để kịp thời phát hiện và điều trị đúng bệnh: có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật; hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường, các tổn thương này có thể đau hoặc không đau; tiểu đau, buốt hoặc rát, tiểu nhiều hơn bình thường; đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới việc hành kinh; trên da có nhiều mụn cóc hoặc các mụn phỏng rộp đau, chảy nước, hoặc có lốm đốm đỏ, các u nhọt quanh miệng hoặc cơ quan sinh dục, nổi hạch ở vùng bẹn… Đau nhiều khi giao hợp hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục.

Cách phòng bệnh LTQĐTD như thế nào?

Mặc dù bệnh LTQĐTD rất dễ lây nhưng không phải là không có cách phòng tránh. Để tránh lây nhiễm LTQĐTD, cần tránh để dịch hay máu của người khác vào cơ thể mình bằng cách: Không quan hệ tình dục trước hôn nhân; Sống chung thủy, thực hiện một vợ một chồng, một bạn tình duy nhất; Không quan hệ tình dục với đối tượng làm nghề mại dâm, với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình đang mắc LTQĐTD; Luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục; Không truyền máu nếu như máu đó chưa được xét nghiệm sàng lọc virut viêm gan B, HIV…; Cẩn thận khi phải tiếp xúc với những vật có dính máu tươi hay dịch tiết sinh dục.
 
Cần hiểu rõ hơn bệnh lây truyền qua đường tình dục 3

 Hình ảnh vi khuẩn Chlamydia.

Không sờ trực tiếp vào máu, tinh dịch hay dịch tiết âm đạo, đặc biệt trong trường hợp tay bị trầy xước, không để máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ vùng da nào của mình có vết trầy xước hay vết loét; Không dùng bất cứ dụng cụ nào để tiêm, chích qua da nếu dụng cụ đó chưa khử khuẩn hoặc nghi ngờ chưa được khử khuẩn.

 
Trong trường hợp phải dùng bơm, kim tiêm, cần phải sử dụng bơm kim tiêm sạch (bơm kim tiêm dùng 1 lần); Khi thấy bất cứ một dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh LTQĐTD, cần phải đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Luôn luôn nhớ là phải điều trị cho cả hai người cùng một lúc. Trong thời gian điều trị, tốt nhất không nên quan hệ tình dục, nếu có phải sử dụng bao cao su an toàn.

Gửi thảo luận