Vào 4h sáng hôm qua (8/10), đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM phối hợp cùng công an xã Vĩnh Lộc A bất ngờ ập vào cơ sở số E10/4H7 (tổ 10, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A) phát hiện ông Trần Văn Thuấn đang tổ chức giết mổ heo trái phép ngay tại bếp nấu ăn. Tại hiện trường có 8 con heo, trong đó có 2 con đang giết mổ trực tiếp dưới nền sàn xi măng vô cùng dơ bẩn; thịt, đầu, lòng, huyết tươi rất mất vệ sinh. Đặc biệt, 1 con heo đã giết mổ bị phát hiện xuất huyết toàn thân. Khi thấy đoàn kiểm tra, ông Thuấn không hợp tác mà bỏ đi, đến khoảng 5h30’ ông này mới chịu trở về làm việc.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ triệt phá các điểm chuyên cung cấp thực phẩm bẩn cho các quán ăn, chợ và các bếp ăn công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Do là vùng đất trẻ, năng động, công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước nên nhu cầu thực phẩm cho bếp ăn tập thể tại các tỉnh này rất lớn. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm đua nhau ra đời, đồng nghĩa với việc phải “đấu” nhau để khai thác lợi nhuận và sinh tồn. Theo một cán bộ thú y Bình Dương, cách cạnh tranh tốt nhất chính là hạ giá đến mức “đáy” phần ăn chỉ còn khoảng 7.000 – 8.000 đồng/suất. Vậy là, trong khi vật giá leo thang không ngừng, tất yếu dẫn đến việc nhiều cơ sở sẵn sàng dùng thực phẩm kém chất lượng (đồng nghĩa với giá “siêu rẻ”) để đầu độc công nhân.
Chế biến thực phẩm ngay tại bếp ăn vô cùng dơ bẩn!
Đơn cử như tại Bình Dương, tài liệu thu thập được của PV cho thấy, trong số trên 9.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại tỉnh này thì có tới trên 2.700 cơ sở từng bị liệt vào danh sách “đen” vi phạm ATVSTP. Kết quả hậu kiểm của cơ quan chức năng Bình Dương trong hai quý đầu năm 2012 tại 171 bếp ăn tập thể và nước uống đóng chai cũng gây sốc với con số: 55 cơ sở (tức trên 32%) dính “trấu”, trong đó có 39 bếp ăn tập thể và 16 cơ sở nước uống không đạt yêu cầu. Các vi phạm tập trung ở lỗi: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP đã hết hạn, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không lưu mẫu thực phẩm và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP…
Thực tế này đã giải thích tại sao hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tại nhiều KCN liên tục xảy ra. Gần đây nhất (cuối tháng 9/2012), cả nghìn công nhân chuyên sản xuất đồ may mặc đóng tại KCN Sóng Thần 2 (Bình Dương) phải vào viện cấp cứu khẩn cấp sau khi dùng bữa cơm chiều tập thể với món chả cá, thịt, canh, rau… Lý ra, những vụ việc cực kỳ nghiêm trọng như thế này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phải nhanh chóng công khai thông tin sai phạm của đơn vị cung ứng nguyên liệu và suất ăn cho công nhân. Nhưng vụ việc trôi qua tới nay đã vài tuần nhưng không hề thấy doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm! Một nguồn tin của NNVN cho hay, thực chất cơ sở nào vi phạm, thực phẩm bẩn thế nào đã có kết quả rồi, vấn đề là rất khó lấy thông tin! Sự khó hiểu này cũng được minh chứng bằng việc, PV đã nhiều ngày liên hệ hoặc gọi vào hai số điện thoại bàn và di động của một lãnh đạo Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương nhưng vị này không nghe, nếu có nghe thì lại từ chối hẹn gặp hoặc trả lời đang… bận họp! Trước sự mập mờ khó hiểu trên, dư luận đang đặt câu hỏi, liệu vụ việc liên quan đến sức khỏe của hàng nghìn công nhân rồi cũng sẽ trôi vào quên lãng?!