Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình

Cách phòng ngừa rối loạn tiền đình

Vì sao rối loạn tiền đình?
Tiền đình là một bộ phận cơ thể nằm sâu trong tai, có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta di chuyển, cúi, xoay… hệ thống tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo các động tác này của cơ thể và giúp cơ thể có tư thế thăng bằng. Hệ thống tiền đình được điều khiển bởi các nhóm thần kinh cao cấp hơn nằm trong não bộ.

Rất nhiều bệnh lý của hệ tiền đình ốc tai có thể gây rối loạn tiền đình. Y khoa thường chia làm hai nhóm nguyên nhân chính là rối loạn tiền đình trung ương hay rối loạn tiền đình ngoại biên. Sự phân loại này nhằm giúp thầy thuốc dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và điều trị. Ngoài những trường hợp có nguyên nhân rõ ràng như viêm tai, chấn thương tai, xuất huyết tai trong… có một tỷ lệ khá lớn rối loạn tiền đình không có nguyên nhân rõ rệt. Có những người do đặc tính giải phẫu khác biệt sẽ rất nhạy cảm khi môi trường thay đổi và dễ  bị hội chứng rối loạn tiền đình hơn người khác. 
Biểu hiện của hội chứng tiền đình
Hội chứng tiền đình thường xuất hiện với cơn cấp tính. Cơn có thể tự xuất hiện hay khi người bệnh bị một yếu tố thuận lợi nào đó kích thích, như nghe tiếng động mạnh, âm thanh lớn khó chịu, cãi vã, xung đột, đi xa trên các phương tiện giao thông… Triệu chứng thường gặp là chóng mặt chao đảo, thấy mọi vật như xoay vần, buồn nôn, nôn. Nặng hơn có thể có các triệu chứng mất thăng bằng không giữ được tư thế, bước đi khó khăn, dễ ngã… Cơn chóng mặt sẽ tăng nếu cử động hay xoay đầu nhanh. Cơn rối loạn tiền đình thường xảy ra từng đợt, rất dễ tái phát khi nguyên nhân gây rối loạn tiền đình chưa được giải quyết.
Những cơn chóng mặt của hội chứng tiền đình làm người bệnh rất khó chịu, đôi khi họ không dám đi xa, không dám ngồi trên các phương tiện giao thông vì luôn lo sợ xuất hiện cơn rối loạn tiền đình. Hơn nữa người bệnh thường hay bị mệt mỏi, có xu hướng ngại di chuyển, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Điều này càng làm nặng thêm bệnh và lâu ngày có thể dẫn tới hội chứng trầm cảm rất khó chữa trị.
Điều trị
Điều trị hội chứng tiền đình được chú ý vào việc hướng dẫn người bệnh biết cách xử lý cơn cấp tính, thầy thuốc giúp phát hiện và điều trị nguyên nhân cùng với hướng dẫn người bệnh tập luyện để phòng cơn tái phát.
Một số nguyên tắc trong điều trị
Phòng ngừa khi tiếp xúc với nguy cơ hay thay đổi tư thế: Người dễ bị hội chứng tiền đình thường phải dùng thuốc phòng ngừa trước khi đi tàu xe. Nên tránh tập trung vào các dấu hiệu của bệnh bằng cách chú ý vào một việc khác như nghe nhạc, kể chuyện vui, thậm chí nếu ngủ được thì càng tốt. Ngoài ra, có những biện pháp tự kỷ ám thị cũng giúp tránh xuất hiện cơn như dán cao, bôi dầu… Trước khi đi chỉ ăn nhẹ, không ăn nhiều chất nặng mùi hay quá no.
Khi không tự kiềm chế được, phải biết xử lý tốt cơn chóng mặt cấp tránh tai nạn cho bệnh nhân. Phải ngưng điều khiển các phương tiện có động cơ hay những công việc nguy hiểm. Có thể dùng thuốc chống nôn hay cắt cơn. Loại bỏ ngay các dụng cụ để chứa chất nôn vì có thể là yếu tố gây kích thích nôn tiếp. Nên cho bệnh nhân ngồi ở vị trí thoáng gió, chắc chắn, tránh di chuyển vì rất dễ ngã gây chấn thương. Sau cơn có thể cho dùng thêm ít nước đường hay khoáng chất. Khi cơn nặng kéo dài, nhất là những trường hợp có nguyên nhân bệnh của tai mũi họng hay não cần nhập viện để được điều trị tích cực hơn.
Điều trị tích cực để loại bỏ nguyên nhân gây hội chứng tiền đình… như những bệnh của tai mũi họng (viêm, thoái hóa, bệnh về mạch máu…), bệnh của não bộ (thoái hóa, tai biến mạch máu não…), các nguyên nhân được cho là yếu tố nguy cơ làm tăng cơ hội bị chóng mặt và rối loạn tiền đình (tăng huyết áp, hạ đường huyết, hay khi dùng một số thuốc gây tổn hại cho cơ quan tiền đình ốc tai…).
Luyện tập tránh tái phát: Có nhiều biện pháp luyện tập cho hệ thống tiền đình thích nghi dần với sự thay đổi tư thế nhanh, như những người mới đi biển trong những lần đầu thường bị chóng mặt, nôn dữ dội nhưng lâu dần sẽ quen. Tập tư thế đầu xoay nhẹ nhàng giúp tăng cung cấp máu và quen với sự thay đổi tư thế.
Người bệnh bị hội chứng rối loạn tiền đình nhiều lần nên đi khám để được hướng dẫn tập những bài vật lý trị liệu giúp bù trừ sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình. Bài tập sẽ giúp gia tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế, tăng khả năng duy trì thăng bằng khi đứng, đi, lắc lư hay xoay chuyển. Những bài tập sẽ thường bắt đầu với tốc độ chậm, xoay chuyển ít, sau đó nhanh dần và độ xoay chuyển ngày càng rộng hơn. Những bài tập này đã được chứng minh là rất có lợi cho sự thích nghi của hệ thống tiền đình với thay đổi tư thế theo thời gian. Nhiều người bệnh thậm chí có thể bỏ hẳn thuốc sau một thời gian tập luyện kiên trì.
Nhìn chung, mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân, nhưng rối loạn tiền đình ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Việc điều trị thường rất cần đến sự kiên trì của bệnh nhân, vì không thể đạt kết quả trong một thời gian ngắn. Để phòng ngừa nguy hiểm, người bị hội chứng rối loạn tiền đình tránh chọn các công việc liên quan đến độ cao, máy móc… Khi cơn xuất hiện nhẹ, có thể tập cách tự xử lý, nhưng nếu cơn nặng và kéo dài hay lặp lại nhiều lần, cần thiết phải thăm khám ở chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn và điều trị đúng cách. Ngoài việc điều trị bằng thuốc và tập luyện như đã nêu ở trên, yếu tố trị liệu bằng tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả điều trị. Tinh thần sảng khoái vui tươi, tâm lý nhẹ nhàng thư giãn, không có những căng thẳng lo âu sợ hãi… sẽ giúp cơn rối loạn tiền đình ít xuất hiện hơn. 

Gửi thảo luận