Theo lời kể của chị Thu thì cả hai cô con gái nhà chị đều lười ăn, đặc biệt bé thứ 2 thuộc dạng suy dinh dưỡng, đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 14 kg. Chị đã đưa con đi khám Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhưng tình hình không mấy cải thiện.
Tháng 7 vừa rồi, chị được một người hàng xóm giới thiệu về một nhà thuốc Đông y tại Đà Nẵng có bán thuốc giúp trẻ hay ăn, tăng cân. Gọi điện đến thì được người trả lời giới thiệu tên là Lợi, bác sĩ Đông y ở một bệnh viện Nhà nước ở Đà Nẵng đã nghỉ hưu và gia đình có 10 đời làm thuốc.
Chị Thu đặt mua 4 chai nhựa (500ml/chai) hết 1,4 triệu cho cả bé 5 tuổi và cháu lớn 12 tuổi cùng uống. Ngày chị cho con uống 2 lần, mỗi lần 5ml. Sau khi uống hết 3 chai thì chị thấy có sự khác biệt rõ. Bé đầu ăn khỏe hơn hẳn, bình thường một bát cơm ăn mãi không hết, đến khi uống thuốc vào thì ăn liền 3 bát cơm, chưa kể còn ăn nhiều thứ khác như bánh, xúc xích. Trong một tháng cháu lên 5 kg.
"Thấy con lên cân nhanh mình mừng lắm. Đến cháu thứ hai mình hơi nghi nghi vì cháu không ăn nhiều như chị nhưng cũng lên được 3 kg, mặt căng ra, tròn, có cảm giác hơi phù, cổ và vai dày lên, đặc biệt là ria mép rậm hơn hẳn", chị Thu cho biết.
Kết quả kiểm nghiệm phát hiện dexamethason với hàm lượng 2,86mg/100ml. Ảnh:N.P
Thấy lo, chị đã lên mạng tìm hiểu thông tin và thấy có nhiều loại thuốc Đông y trộn tân dược nhằm kích thích ăn ngon, giữ nước, tăng cân nhưng lại có quá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Thấy sợ, chị dừng cho con uống và liên hệ đặt mua tiếp hai chai để mang đến Viện Kiểm nghiệm thuốc (Bộ Y tế) để kiểm tra.
"Kết quả khiến tôi sửng sốt khi phát hiện thuốc có pha dexamethason với hàm lượng 2,86mg/100ml. Trong thành phần của thuốc được dãn trên nhãn chai thì không hề ghi tên chất này, mà chỉ là các vị thuốc Đông y như: nhân sâm, ba kích, đương quy, đông trùng hạ thảo…", chị Thu nói.
"Mình thấy con chị hàng xóm lúc đầu cũng còi dí còi dị, thế mà sau khi uống thuốc lại trở nên mũm mĩm, bụ bẫm. Có việc thật người thật nên cũng tin. Thậm chí, mình đã cảnh giác hỏi trước người bán là thuốc có các thành phần gây tăng trọng, giữ nước không thì được trả lời là không có. Không ngờ kết quả là vẫn bị mắc lừa", chị cho biết thêm.
Loại thuốc chị Thu mua có tên là Thuốc Bổ Tỳ, nắp được bọc ni lông đóng chữ Phước Lợi Đường (màu đỏ). Thân chai ghi rõ sản phẩm của hiệu thuốc bắc đông y tư nhân gia truyền, Thầy Giãng – Kiện, địa chỉ: Quốc lộ 1, đối diện chợ Miếu Bông, Đà Nẵng.
Công dụng của thuốc là bổ huyết, bổ thận, tăng cường thể lực. Trị suy nhược cơ thể, chóng mặt, kém ăn, mất ngủ do khi huyết hư, bạch đới dưỡng thai. Dùng cho mọi lứa tuổi (kể cả trẻ em). Đặc biệt, có dòng ghi chú "Thuốc không giữ nước, tiểu tiện nhiều, không có tác dụng phụ".
"Sau khi dừng thuốc thì con lại kén ăn như lúc trước, nhưng thôi mình cũng kệ. Con mình mới uống 1 chai rưỡi, hy vọng là chưa có tác dụng phụ gì, chứ con chị nhà hàng xóm còn uống hết 6 chai", chị Thu thở dài nói.
Thành phần của thuốc (trái) không hề ghi dùng tân dược, và công dụng (phải) cũng cho biết không gây giữ nước, không có tác dụng phụ. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Ảnh: V.K.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Sở y tế Đà Nẵng, cho biết trước đây hiệu thuốc của ông Lợi từng bị đình chỉ vì có trộn độc dược.
Cụ thể, tháng 12/2010, phía Sở có nhận được đơn tố cáo của người dân về nhà thuốc Bắc Phước Lợi đường (phòng chuẩn trị y học cổ truyền) tại địa chỉ chợ Miếu Bông, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang do lương y Trần Văn Lợi làm chủ, có pha độc dược.
Sau khi lập đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở của ông Lợi có một số thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, cơ sở bào chữa không có nhãn. Trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm, Sở đã xử phạt hành chính 10,5 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động nhà thuốc của ông Lợi.
Sau đó, kết quả xét nghiệm cho thấy trong thuốc do ông Lợi pha chế có Cyprheptadin với hàm lượng 7,7mg/100ml. Đồng thời có chất gây thèm ăn, ngủ, giữ nước, tăng cân với hàm lượng 2,9mg/100ml. vì thế, Sở đã ra quyết định đình chỉ hoạt động, yêu cầu ông Lợi nộp phí xét nghiệm.
Ngày 5/3/2011, ông Lợi làm đơn xin lại giấy phép kinh doanh, cam kết không bán loại thuốc có độc tố trên. Đến cuối tháng 12, cơ quan chức năng đã đồng ý cho cơ sở của ông Lợi được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên mới đây, Sở Y tế đã nhận được đơn tố cáo của chị Thu về loại thuốc của cơ sở này tiếp tục có trộn tân dược nguy hại. Thanh tra sở đã yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm thành phố lấy mẫu gửi xét nghiệm.
“Nếu cơ sở của ông Lợi tiếp tục tái phạm việc bán loại thuốc đã bị cấm trước đó, phía Sở Y tế sẽ tăng nặng hình phạt và không loại trừ đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, ông Lợi là người nối nghề thuốc từ gia đình, chứ không phải là bác sĩ ở một bệnh viện Nhà nước như trong “quảng cáo” với người mua thuốc.
Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân chịu tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc đông y trộn chất này. Theo các bác sĩ những tác dụng phụ của thuốc này vô cùng nguy hiểm: nhẹ thì khiến người bệnh phù thũng, tăng cân, nổi mẩn… Nhưng nghiêm trọng hơn, họ có thể bị suy thượng thận, hạ canxi trong máu, loãng xương, ảnh hưởng dạ dày, tá tràng, thậm chí có thể tử vong.