Tại hội thảo "Tiến bộ mới trong kích thích buồng trứng điều trị vô sinh" tổ chức sáng 6/10 tại TP HCM, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên bộ môn Phụ sản ĐH Y dược TP HCM cho biết 10% dân số bị vô sinh hiếm muộn.
Theo bác sĩ Lan, trong vô sinh, nguyên nhân do phụ nữ chiếm khoảng 35%; 30% do chồng, tại cả vợ lẫn chồng là 25% và chưa rõ nguyên nhân khoảng 10%. Với người chồng, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng là thủ phạm. Còn đối với vợ, rối loạn rụng trứng là một trong những lý do thường thấy.
Rối loạn rụng trứng thường do hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc hoàn toàn không có rụng trứng trong suy buồng trứng do nguyên nhân bất thường hoạt động nội tiết của hệ thần kinh trung ương.
Trong trường hợp những yếu tố khác như tinh trùng bình thường, 2 vòi trứng thông thoáng và hoạt động tốt, nội mạc tử cung bình thường, nhưng trứng không rụng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách kích thích buồng trứng và làm cho trứng rụng. Sau khi kích thích, có thể quan hệ tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Để điều trị tình trạng rối loạn rụng trứng, sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ kích thích buồng trứng để lấy trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm.
"Với phác đồ thông trước đây, mỗi đợt kích thích buồng trứng, bệnh nhân phải tiêm từ 15 đến 20 mũi thuốc trong 2 đến 4 tuần. Đối với phác đồ mới, bệnh nhân chỉ tiêm khoảng 8 mũi thuốc. Điều này góp phần tăng tỷ lệ thành công cho việc thụ tinh trong ống nghiệm do bệnh nhân ít bỏ dở điều trị", bác sĩ Lan cho biết.
Cũng theo các chuyên gia nội tiết và vô sinh, dù điều trị ở phác đồ nào thì độ tuổi của bệnh nhân vẫn quan trọng nhất. Bệnh nhân càng trẻ, việc điều trị càng sớm thì khả năng thành công càng cao.