Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Phòng và chữa bệnh » Nhận diện nhiễm độc thai nghén

Nhận diện nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý có thể gây những biến chứng nguy hiểm, gây ra sảy thai, sinh non hay tiền sản giật, sản giật.

Phát hiện nhiễm độc

Trong dân gian vẫn cho rằng, vào những tháng cuối của thai kỳ, thai phụ sẽ bị phù chân. Và khi hiện tượng này xuất hiện đến lần thứ 3 thì đó là dấu hiện thai phụ sắp sinh. Nhưng trong y khoa, hiện tượng phù chân có thể là một trong những dấu hiện nhiễm độc nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Sau đây là những triệu chứng nhiễm độc mà bạn cần biết để có thể phát hiện kịp thời:

Phù chân

Hiện tượng này thường xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Thai phụ tự phát hiện bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân của mình, sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể xuất hiện ở mặt và cả hai bàn tay.

Để phân biệt phù do nhiễm độc thai nghén, thai phụ cần chú ý: Nếu ngủ gác chân lên cao sau một đêm, hiện tượng phù chân biến mất thì nguyên nhân là do thai lớn chèn ép các tĩnh mạch, một điều khá thường gặp. Còn ngược lại, nếu thực hiện điều trên, sau một đêm nghỉ ngơi mà hiện tượng phù vẫn còn thì có thể đó là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén. Lúc này, thai phụ cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được xác định chính xác.

Tăng cân nhanh

Ngoài việc bị phù chân ra, thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn thường có hiện tượng tăng cân rất nhanh. Một tuần bà bầu có thể tăng tới 500gr. Nguyên nhân là do cơ thể bị giữ nước. Khi phát hiện những dấu hiện trên, nhân viên y tế sẽ giúp thai phụ xét nghiệm đạm niệu để chẩn đoán chính xác. Nếu kết quả cho thấy nồng độ đạm niệu lớn hơn 0,3g/lít, thai phụ sẽ được theo dõi nhiễm độc thai nghén thật cẩn thận để tránh được nguy hiểm.

Huyết áp tăng

Thai phụ được cho là tăng huyết áp khi huyết áp lên đến 140/90mmHg. Hoặc ở những tháng cuối thai kỳ, khi phát hiện dấu hiệu huyết áp tăng lên từ 15 đến 30mmHg so với trước khi mang thai, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận và điều trị nhiễm độc thai nghén để phòng ngừa tiền sản giật và sản giật.

Biến chứng nguy hiểm

Với những thai phụ không may bị nhiễm độc thai cần được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp thai phụ tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Tiền sản giật

Tình trạng này có thể xảy ra trước khi sinh, sản phụ bị choáng váng, mắt mờ, buồn nôn, phù hai chi dưới, tiểu ít, huyết áp có thể tăng cao.

Sản giật

Hiện tượng này có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ, trong khi chuyển dạ hoặc sau sinh. Đối với những trường hợp sau sinh, trong dân gian gọi là hậu sản. Sản giật khiến cho thai phụ bị co giật mạnh, mắt đảo rồi giật, toàn cơ thể co cứng, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trên rồi ngừng thở và chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển thành xám xịt, sau đó co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng kên khi giật. Hiện tượng này nếu không được xử trí thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí dẫn đến tử vong.

Tuân thủ lịch khám thai

Các thai phụ nên tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai định kỳ để có thể phát hiệm sớm những bất thường trong quá trình mang thai.

Bên cạnh đó, các bà bầu cũng cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thông báo với các bác sĩ tình trạng sức khỏe cũng như chế độ ăn uống của mình. Các bác sĩ có thể sẽ bổ sung những vi chất cần thiết từ các loại thuốc bổ nếu quá trình ăn uống của bạn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Khi phát hiện hiện tượng phù chân, nếu chưa đến thời gian tái khám, bạn cũng nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe. Nếu phát hiện có đạm niệu cao, người nhà nên nhanh chóng đưa thai phụ đến các bệnh viện có có chuyên khoa sản để được điều trị.

Tư vấn chuyên môn: BS. CKI. Nguyễn Ngọc Lan Hương – Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe.

Gửi thảo luận