Trang chủ » Tin tức » Thành tựu Y học » Những thiết bị chẩn đoán bệnh trong tương lai

Những thiết bị chẩn đoán bệnh trong tương lai

Găng tay chẩn đoán bệnh

Một nhóm sinh viên Đại học Singularity (Mỹ) đã phát minh ra loại găng tay mang tên Glove Tricorder, giúp bác sĩ chẩn đoán được các loại bệnh nhanh hơn mà không cần sử dụng nhiều máy móc. Tricorder được trang bị các bộ phận cảm ứng độ rung, âm thanh, nhiệt độ, lực và chuyển động. Khi bác sĩ mang đôi găng tay này rồi áp tay lên cơ thể người bệnh, bộ cảm ứng ở gan bàn tay và các ngón tay lập tức thu thập dữ liệu và truyền tới một thiết bị không dây để phân tích. Theo nhóm nghiên cứu, các thiết bị cảm ứng trên găng tay có khả năng phát hiện tất cả các dạng bệnh nội khoa, từ ung thư vú cho tới những bất thường về van tim. Tricorder cũng được đánh giá là rất hữu ích để chẩn đoán và điều trị nhanh các chấn thương thể thao. Dự kiến Tricorder sẽ được gắn thêm nhiều bộ phận cảm ứng hơn như siêu âm và sẽ được điều chỉnh để có thể sử dụng với găng tay cao su đơn giản.


“Thuốc nhện” thay cho ống nội soi

Một thiết bị nhỏ như viên thuốc có gắn camera tý hon được điều khiển từ xa, di chuyển trong cơ thể người theo kiểu loài nhện đang được thử nghiệm tại Italy. Theo các chuyên gia, đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể điều khiển sau khi đã được nuốt vào bụng. Bệnh nhân chỉ cần nuốt thiết bị vào bụng như nuốt một viên thuốc nhỏ. Sau đó, các bác sĩ sẽ điều khiển kích hoạt thiết bị từ bên ngoài thông qua kết nối không dây. Sau khi hoàn thành sứ mệnh giúp bác sĩ định bệnh, nó sẽ thoát ra khỏi cơ thể qua đường tự nhiên. Các chuyên gia y tế tin tưởng rằng những viên thuốc nhện này có thể làm thay đổi quy trình chẩn đoán những căn bệnh ngặt nghèo như ung thư dạ dày và ruột kết.

Smartphone thay thế máy điện tim, đo nhịp phổi

Các nhà khoa học Anh vừa phát minh ra một thiết bị mới giúp chuyển một chiếc điện thoại di động đời cao thành một công cụ chẩn đoán bệnh tim, phổi vô cùng hiệu quả. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa điện thoại thông minh, kỹ thuật điện toán đám mây và một thiết bị y tế tương tự như chiếc ống nghe mà các bác sĩ vẫn sử dụng khi khám bệnh. Có điều, chiếc ống nghe này rất đặc biệt, một đầu gắn các cực cảm ứng và các microphone tý hon. Đầu còn lại được cắm vào điện thoại. Người sử dụng sẽ được hướng dẫn cách đặt lên ngực hoặc lưng bệnh nhân để thu thập thông tin và gửi chúng lên máy chủ để phân tích dữ liệu. “Đây là thiết bị được nghiên cứu kỹ, áp dụng các chỉ số xác định bệnh tim, phổi theo đúng tiêu chuẩn do WHO ban hành, cơ sở dữ liệu về nhịp đập, nhịp thở và mạch đập cực lớn, cùng các giải thuật/khai thác dữ liệu phức tạp trên máy chủ đám mây để cho ra kết quả chẩn đoán bệnh đau tim hay viêm phổi một cách chính xác, dễ dàng và tiện lợi mà không cần đến bác sĩ” – phát ngôn viên của nhóm tác giả Telemedicine cho biết.

Chíp điện tử chẩn đoán bệnh bằng âm thanh

Các nhà khoa học thuộc Đại học Penn State, Mỹ đã phát minh thành công chíp điện tử siêu âm có khả năng chẩn đoán bệnh mà không cần xâm lấn hay chạm vào các đối tượng ở cấp độ tế bào. Thiết bị này được kết nối với các đầu dò, có nhiệm vụ chuyển đổi rung động thu được từ đối tượng thành các sóng âm đặc biệt. Dựa vào các sóng âm này, chúng ta có thể xác định được những thay đổi, tổn thương ở cấp độ tế bào. Các nhà khoa học trong một thử nghiệm đã sử dụng con chíp điện tử này để quan sát vòng đời từ lúc phôi thai và kiểm soát các vật mẫu nhỏ như giun sán và các ký sinh trùng đường ruột mà không cần chạm vào chúng. Chíp siêu âm có những đặc điểm thuận lợi như thiết kế đơn giản, rẻ và ít cồng kềnh, đồng thời mật độ năng lượng thấp, cho nên ít gây ảnh hưởng đến các đối tượng sinh học trong cơ thể như các cơ quan nội tạng, các tế bào… Hiện các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch sử dụng chíp siêu âm vào hàng loạt thử nghiệm y sinh học, như: phân loại tế bào máu, tế bào ung thư, nghiên cứu tế bào hoặc quan sát toàn bộ hành vi cũng như môi trường tương tác của các bộ phận, tế bào.

Mũi điện tử chẩn đoán bệnh viêm nhiễm

Một thiết bị thông minh có khả năng "đánh hơi" các bệnh viêm nhiễm qua đường hô hấp vừa ra đời trong một phòng thí nghiệm ở Mỹ. Hoạt động của mũi điện tử dựa trên sự phân biệt các mùi khác nhau trong hơi thở của người bệnh. Thao tác này nhờ vào nguyên lý: Mỗi loại vi khuẩn đều sinh ra các hợp chất khí đặc trưng – giống như mỗi con người có dấu vân tay riêng biệt. Mũi điện tử có một bộ nhớ lưu giữ một loạt các chất khí chuẩn của từng loại vi khuẩn, do đó nó có thể "đánh hơi" chính xác "mùi" của tác nhân gây bệnh trong hơi thở. Sau khi đã có kết quả phân tích, thiết bị sẽ tự động gợi ý cho người dùng một số loại kháng sinh trị bệnh thích hợp và hiệu quả nhất. Theo các kết quả thử nghiệm, mũi điện tử đã phát hiện chính xác tới 92% số ca bị bệnh viêm phổi và 82% số người bị mắc bệnh viêm xoang tham gia thử nghiệm đã được nhận diện chính xác. Tính năng của mũi điện tử đang được thẩm định sâu hơn, sau đó nó sẽ được nâng cấp để phát hiện một số căn bệnh phức tạp hơn như ung thư phổi và các bệnh về gan, thận.

 

 

Gửi thảo luận