Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Ở người lớn, dấu hiệu bệnh cảnh rất mờ nhạt thường dễ nhầm lẫn với các sốt phát ban khác.
Đặc biệt, người lớn mắc bệnh sởi, ít gặp các biến chứng về đường hô hấp, tuy nhiên điều nguy hại chính là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không ai có thể biết để ngăn chặn.
Các chuyên gia y tế cho biết, do quan niệm bệnh sởi chỉ có ở trẻ em làm người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh nên dễ làm lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Người lớn rất ít khi nhiễm sởi bởi thường đã nhiễm từ lúc nhỏ và miễn dịch sau đó. Tuy nhiên, có một số trường hợp người lớn vẫn mắc sởi do chưa có miễn dịch. Người mắc sởi có thể sẽ có một số triệu chứng sau:
1. Sốt;
2. Ho khan;
3. Chảy nước mũi;
4. Mắt đỏ;
5. Không chịu được ánh sáng;
6. Những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik;
7. Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.
Sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.
Thông thường, trẻ em mắc sởi thường dễ phát hiện với biểu hiện sốt cao, viêm hô hấp trên và viêm kết mạc, sau đó phát ban. Các di chứng thường gặp các di chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản, viêm loét giác mạc…, thậm chí dễ nhiễm lao…