Thấy kính đen là sợ!
Bệnh nhân chờ khám đau mắt đỏ tại BV Mắt T.Ư. Ảnh: H.Hải
Sáng 24/9, đưa con đi khám bệnh tại BV Bạch Mai, chị Nguyễn Hải Phương (Đống Đa, Hà Nội) dù bế con mỏi tay vẫn quyết không ngồi vào chiếc ghế trống cạnh một bác đeo kính đen to sụ. “Mình sợ lây đau mắt đỏ lắm. Từ sáng tới giờ, bế con chạy khắp phòng nọ phòng kia, thấy nhiều người đeo kính đen, mình đều cố tránh xa. Như ở khu chung cư nhà mình, cứ thấy một người bị hôm sau đã thấy nói cả nhà đều làm… thầy bói cả. Vợ chồng con cái nghỉ học, nghỉ làm ở nhà vì đau mắt. Ngay ở cơ quan mình cũng vậy, hàng loạt người phải xin nghỉ việc vì đau mắt đỏ. Mình đưa con đi khám bệnh còn phải “thủ” theo lọ rửa tay khô, liên tục rửa tay cho cả hai mẹ con, phòng đau mắt đỏ”, chị Phương cho biết.
Anh Nguyễn Quang Hưng, bác sĩ một bệnh viện lớn tại Hà Nội cũng bị đau mắt đỏ, phải nghỉ ở nhà 4 ngày liên tiếp không dám đến bệnh viện. “May mà mọi người vẫn gánh được công việc cho nhau, đổi trực, không những lúc bị như thế này, không biết làm thế nào cả. Chân tay vẫn khỏe, chỉ cái mắt là đau nhưng sợ đến viện lại lây cho người bệnh. Đi làm về vừa mới tự nhắc mình phải "cách ly" để phòng cho hai con thì sáng hôm sau ngủ dậy, cả hai đứa mắt đều đã sưng húp, đỏ, đau và phải ngay lập tức cho nghỉ học vì sợ con đến lớp lây cho các bạn”.
Cũng trong tâm trạng lo lắng con bị đau mắt đỏ, chị Trần Phương Linh giật mình khi đến đón con ở trường, thấy cô giáo thể dục đeo kính đen sù sụ. “Không kìm nổi sự lo lắng, mình phải chạy ra tận nơi hỏi cô giáo có bị đau mắt đỏ thì nên nghỉ ở nhà để không lây cho các con. Không ngờ, cô vừa đi trời nắng về nên đeo kính mát cho đỡ chói. Thật lúc đó ngại quá, nhưng cũng vì lo lắng quá”, chị Linh nói.
BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường hô hấp, nên dịch đỏ rất dễ lây lan. Thường cứ một gia đình có người đau mắt đỏ, cả nhà lây theo…
“Nó cũng như các bệnh viêm đường hô hấp khác, lây theo đường hô hấp, nên việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến. Khác với các bệnh về đường hô hấp thường chỉ hắt hơi, xổ mũi nên mọi người không quan nhiều. Còn với đau mắt đỏ, bệnh biểu hiện rầm rộ là mắt đỏ, sưng húp, ken đặc dử mắt, chảy nước mắt… nên đều gây sự chú ý với tất cả mọi người. Cũng như các bệnh hô hấp khác, đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây truyền nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu trứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm”, BS Cương nói.
Tuy nhiên, theo BS Cương, dịch đau mắt đỏ đã có dấu hiệu giảm xuống, số bệnh nhân đến khám tại BV Mắt Trung ương đang giảm dần. “Căn bệnh này theo mùa vụ rất rõ ràng, giai đoạn chuyển mùa thu – đông gặp rất phổ biến. Nhưng khi có gió mùa về, lượng bệnh nhân cứ thưa dần rồi hết lúc nào không biết”.
Kháng sinh nhỏ mắt không phải là “thần dược”!
Trước thông tin dịch đau mắt đỏ tiếp tục lan rộng, “cháy” thuốc điều trị, BS Cương khẳng định không có chuyện “cháy” thuốc điều trị và kháng sinh nhỏ dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh mẽ, thuốc trị đau mắt đỏ cũng “cháy” hàng. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh cũng không phải là “thần dược” chữa đau mắt đỏ.
Trong đau mắt đỏ, quan trọng nhất là rửa nước muối sinh lý vệ sinh mắt, kháng sinh chỉ có vai trò phòng bội nhiễm vi khuẩn. Ảnh: H.Hải
“Với đau mắt đỏ, kháng sinh không phải là quan trọng nhất, chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ, quan trọng nhất vẫn là rửa muối sinh lý vệ sinh mắt, sau 5 – 7 ngày vi rút được loại thải ra khỏi cơ thể, bệnh sẽ tự khỏi. Hơn nữa, do người dân chỉ quen một tên thuốc nên chăm chăm đi hỏi mua một loại thuốc nên tạo ra khan hiếm ảo. Thực tế, còn rất nhiều loại thuốc cùng hoạt chất, với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn một nửa có hiệu quả phòng bội nhiễm do đau mắt đỏ, không có chuyện “cháy” thuốc”, BS Cương khẳng định.
Sáng 24/9, phóng viên Dân trí cũng khảo sát một số cửa hàng thuốc trên phố Đê La Thành, Hào Nam. Vừa hỏi mua nước muối sinh lý và đau mắt đỏ, người bán hàng đã “tiếp thị”, cả cửa hàng chỉ còn có 3 hộp đây, chị có mua thì mua nhanh, giá một lọ thuốc nhiều người quen tên này cũng tăng từ 45.000 lên 48.000 đồng. Khi được hỏi thuốc có bị “cháy hàng” không, cô bé bán hàng tự tin trả lời: “Cháy chứ sao không cháy, chị không nghe thấy nói đang cháy thuốc điều trị à”. Tuy nhiên, người bán hàng cũng từ chối thông tin nguồn nhập hàng có sẵn không. Chị Thu Hương ở chung cư 170 Đê La Thành khi đi mua thuốc, không chọn mua Tobrex, mà gọi tên hoạt chất thì được ngay chủ cửa hàng đáp ứng nhiều loại khác tên gọi nhưng cùng hoạt chất.
BS Cương khẳng định, người dân không nên lo lắng trước thông tin này, bởi dịch đau mắt đỏ cơ bản là lây qua đường hô hấp, không có thuốc đặc trị mà chỉ rửa bằng muối sinh lý, có thể nhỏ kháng sinh phổ rộng để phòng bội nhiễm tùy trường hợp. Thực hiện triệt để vệ sinh bàn tay thường xuyên (kể cả sau khi vệ sinh mắt, trước khi ăn…), tránh đưa tay rụi mắt, phòng tiếp xúc gần là hoàn toàn có thể phòng ngừa. Hơn nữa, dịch đau mắt đỏ đang dần lắng xuống, sẽ không tiếp tục lây lan trên diện rộng.