Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện đời » Có những lúc thấy nhói lòng

Có những lúc thấy nhói lòng

Hôm nay, ngày làm việc đầu tiên của một tuần và cũng là ngày làm việc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Sau mỗi đợt nghỉ dài ngày, số lượng bệnh nhân đến khám bao giờ cũng đông hơn hẳn. Mình ngồi khám bệnh từ sáng đến trưa, chỉ kịp nghỉ trưa một giờ rồi lại bắt đầu làm việc. Cuối giờ chiều, có bệnh nhân đưa đến khám tâm thần sau khi đã được khám chuyên khoa thần kinh. Đây là một bệnh nhân đã lớn tuổi có những biểu hiện không tiếp xúc với bác sĩ, không hợp tác với bác sĩ để khám chữa bệnh và đã 3 ngày nay không chịu ăn uống gì, bệnh nhân chống đối ăn uống, tự hủy hoại cơ thể. Bệnh nhân quê ở xa, tận Nghệ An. Nếu chỉ có như vậy thôi thì đúng là bệnh của chuyên khoa mình rồi nhưng trên bệnh nhân này còn có một tình trạng bệnh lý đi kèm, đó là tình trạng gãy xương cẳng chân và chấn động não sau tai nạn. Chân bệnh nhân đã được bó bột tại phòng khám chuyên khoa ngoại, tình trạng chấn động não đã ổn định, không có chỉ định phẫu thuật hoặc cấp cứu theo dõi gì nữa.
 
 Mình quyết định nhận bệnh nhân vào khoa để điều trị tình trạng chống đối ăn uống, một trạng thái cấp cứu của tâm thần học. Hỏi kỹ con trai bệnh nhân, mình còn khai thác được rằng bệnh nhân cũng có nhiều vấn đề suy nghĩ, căng thẳng trong cuộc sống, nhiều căng thẳng stress lo lắng về tinh thần và những lo lắng về kinh tế. Điều này càng làm nặng thêm tình trạng bệnh trầm cảm của người bệnh. Làm thủ tục vào viện cho bệnh nhân xong đã là 4 giờ chiều, chuẩn bị nghỉ hết ca làm việc thì lại thấy người nhà bệnh nhân hớt hải quay trở lại và nói rằng sau khi cho vào viện, trong khoa lại báo không nhận bệnh nhân vì những vấn đề bệnh lý kết hợp ở sọ não. Chẳng biết phải làm thế nào, muộn rồi, mình đành giới thiệu bệnh nhân quay trở lại phòng khám cấp cứu, nơi thu nhận tất cả các bệnh nhân để cho người bệnh nằm điều trị rồi lại tính tiếp vậy.
Có những lúc thấy nhói lòng 1

 Nhiều thầy thuốc đang dốc hết tâm sức để điều trị cho bệnh nhân, nhưng chỉ một số ít hiện tượng tiêu cực đã làm giảm niềm tin của dân vào y đức.

Mình cũng cảm thấy trăn trở, băn khoăn trong lòng, ngồi ngoài phòng khám, mặt bằng bệnh lý rất phức tạp, có những bệnh nhân có nhiều bệnh kết hợp, có nhiều lúc trên một bệnh nhân mình phải hội chẩn nhiều chuyên khoa, có những lúc gặp phải bệnh khó, mình phải điện thoại cho bạn bè, các anh chị chuyên khoa khác để tham khảo ý kiến xử lý như thế nào cho hợp lý nhất. Có những lần cuối giờ, mình phải tiếp nhận bệnh nhân có nhiều vấn đề bệnh lý khác kèm theo, hoặc bệnh nhân nặng, thậm chí có thể là một bệnh lý của chuyên khoa khác nhưng được biểu hiện bằng những triệu chứng rối loạn tâm thần, mình cho bệnh nhân vào viện luôn và ghi lại những vấn đề về tiền sử hoặc lưu ý về tình trạng mà nghi ngờ bệnh lý người bệnh có thể mắc phải. Có những lần mình vào trong bệnh phòng để theo dõi tiếp những ca bệnh mà chẩn đoán khó, chưa rõ ràng để rút kinh nghiệm. Nhiều bệnh nhân phải chuyển sang các khoa thần kinh vì viêm não hoặc phải sang khoa u bướu vì u não… Mỗi lần như vậy, mình đều cảm thấy hơi buồn, tự nhủ mình cần phải rút kinh nghiệm và cần phải học tập thêm nhiều.

Tuy nhiên, mình vẫn được sự động viên của lãnh đạo khoa và là những người thầy luôn sát cánh cùng các bác sĩ trẻ tuổi đời, tuổi nghề. Các thầy vẫn thường động viên: Làm việc ở phòng khám đa khoa đôi khi chúng ta gặp những bệnh lý kết hợp của nhiều chuyên khoa, em cứ yên tâm làm việc và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân ở xa, không đùn đẩy bệnh nhân… Cần gì về chuyên môn, cứ gọi điện và các thầy luôn giúp đỡ, hỗ trợ các em.

Mình chợt nhớ đến lời một bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Một câu hỏi không có câu trả lời nhưng để lại trong mình bao trăn trở, suy tư.

Chiều nay, mình đưa con đi học, qua một ngõ nhỏ ở phố Ngụy Như Kon Tum, chợt nghe hai người nói chuyện với nhau: “Hôm qua, bố tôi bị bệnh, phải đưa vào viện cấp cứu, vào bệnh viện bây giờ sợ lắm, nếu không có tiền là chết…”. Mình lặng người đi và cảm thấy đau lòng. Dẫu vô tình nghe được câu chuyện giữa hai người kia nhưng có lẽ đó là những lời nói mà mình chưa bao giờ được nghe khi khoác trên người bộ quần áo blouse trắng. Họ không biết rằng những lời nói đó đã vô tình làm đau lòng người vừa đi ngang qua cũng là một bác sĩ đang hàng ngày lo chữa bệnh cho bệnh nhân và luôn trăn trở, băn khoăn về những điều mình chưa làm được. Dẫu biết rằng ngành nào cũng có người thế này thế khác nhưng đó chỉ là thiểu số mà thôi.

BS. TRỊNH THỊ BÍCH HUYỀN


Gửi thảo luận