Đến thời điểm này, Giáng My vẫn là một nhan sắc, một người phụ nữ thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Rất nhiều người phụ nữ đang nhìn vào chị và coi đó như 'kim chỉ nam' cho sự vẹn toàn.
Nhưng ít người biết để đạt được đến ngày hôm nay, Giáng My đã có 16 năm rèn luyện trong Nhạc viện Hà Nội với một kỉ luật vô cùng khắt khe, để khi thành danh, chị vẫn luôn coi những khắt khe trong trường ngày đó đã giúp chị có được sự quyết đoán, tính kỷ luật đã nói là làm.
Có thể là may mắn khi chị có được một nhan sắc trời phú, nhưng ở đâu đó chúng ta đã biết rằng con đường thành công không trải hoa hồng, Giáng My đã phải cố gắng rất nhiều hơn là việc chỉ chăm chút cho sắc đẹp của mình.
Kỷ luật thép với Nhạc viện Hà Nội
Được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, có lẽ cái máu nghệ sỹ đã thấm sâu vào chị từ những ngày còn rất bé, để rồi bây giờ, khi nói chuyện về nghệ thuật, chị vẫn tâm niệm mình là một nghệ sỹ, là người sinh ra dành cho nghệ thuật:
‘Ngay cái tên của tôi cũng đã hướng tôi trở thành một nghệ sỹ. Sáu tuổi, tôi vào học tại Nhạc viện và được tôi luyện 16 năm trong âm nhạc cổ điển với cây đàn piano. Khi đó, nhiều đạo diễn đã phát hiện ra và mời đi đóng phim từ khi còn rất bé.
Tham gia những vở kịch của bố, những vai diễn trong những bộ phim của các đạo diễn thời đó suốt một chặng đường tuổi thơ cho đến năm 17 tuổi, tôi được nhận vai chính đầu tiên của phim truyền hình ‘Sinh nhật tuổi 17’. Và cứ thế, sự nghiệp diễn xuất của tôi nở rộ cùng những vai diễn gắn liền với cái tên Giáng My’.
Ngồi nghe chị kể về cô bé Giáng My bên cây đàn piano một cách hào hứng, những câu chuyện kể cứ thế ùa về như cuốn băng ghi hình tuổi thơ được chiếu lại. Chị vẫn nhớ từng kỷ niệm, từng vai diễn, từng dấu mốc trong cuộc đời mình. Có thể một phần do chị làm về truyền thông nên có sự lưu loát, nhưng chắc chắn rằng đó là những dấu mốc chị không bao giờ quên được bởi có ngày đó, mới có Giáng My bây giờ.
Là tiểu thư 'cành vàng lá ngọc' của một gia đình nghệ thuật, nhưng ít ai biết được những năm tháng trong Nhạc viện của Giáng My đã trải qua như thế nào. Không phải chỉ luyện tập và tham dự những buổi hoà nhạc lớn, cũng không phải xe đưa người đón tiểu thư khuê các, mà đó thực sự là một môi trường quân đội nghiêm khắc.
Giáng My nhớ lại: ‘Chúng tôi ở trong một môi trường tưởng như là nghệ thuật, nhưng lại có tính kỷ luật rất cao: 6 giờ tất cả phải dậy gấp chăn màn vuông vắn rồi tập thể dục; 7 giờ được phát đồ ăn sáng; 8 giờ học ký xướng âm, hoà âm, phối phí và những môn về nghệ thuật; 12 giờ nghỉ ăn trưa và sau đó 13 giờ học văn hoá; tối chúng tôi luyện tập piano và 21 giờ điểm danh lên giường đi ngủ.
Trong suốt 16 năm sinh hoạt như vật đã rèn luyện cho tôi được tính kỷ luật rất cao. Tiếp thêm vốn sống về âm nhạc và trui rèn một kỷ luật thép. Để đến bây giờ, khi một lời nói được nói ra đối với tôi như một con dấu, và mình phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Đó là điều tôi học được rất nhiều'.
"Âm nhạc như vị thánh trong tôi"
Ngần ấy năm bên cây đàn piano, là ngần ấy năm, Giáng My xác định mình sẽ là một nghệ sỹ âm nhạc cổ điển. Bởi với chị, khi hàng tuần, hàng tháng được tham dự những buổi hoà nhạc tại Nhà hát Lớn, âm nhạc đã thấm sâu vào chị một cách dần dần ngày qua ngày, tháng qua tháng.
Cô bé Giáng My lúc đó coi âm nhạc như một vị thánh, thiêng liêng và cao quý lắm. Chẳng dễ gì có thể đánh đổ được tượng đài âm nhạc cổ điển trong chị. Và đến giờ phút này, trong từng câu chữ của Giáng My vẫn là sự trân trọng với âm nhạc. Không phải là một nghệ sỹ piano, nhưng âm nhạc không vì thế mà tan biến trong chị. Đam mê vẫn còn, tình yêu vẫn còn, và tượng đài âm nhạc đó vẫn luôn còn mãi trong trái tim của người nghệ sỹ Giáng My.
‘Khi chưa ra trường, tôi đã được chỉ tiêu vào Đoàn ca nhạc nhẹ Việt Nam, một trong những đoàn lớn nhất đất nước lúc bấy giờ chuyên lưu diễn ở nước ngoài. Trong thời gian theo học, tôi cũng đã được đi theo đoàn diễn ở Trung Quốc và một số nước khác trong nhiều tháng.
May mắn của tôi là được vừa học vừa làm, nên mình có nhiều kinh nghiệm, kiến thức hơn các bạn. Khi đó, có việc gì tôi đều làm hết, từ MC, người mẫu, diễn viên, ca sỹ hay nhạc công… tôi đều hoàn thành bất cứ công việc trưởng đoàn giao phó.
Âm nhạc cổ điển khá kén người nghe tại thời điểm kinh tế Việt Nam còn đang gặp vô vàn khó khăn. Những gia đình cho con đi học 16 năm piano đều nhận được rất nhiều lời khuyên nên đi học nấu ăn hay may vá còn sống được, chứ piano một năm chỉ có một đến hai suất diễn ở Nhà hát Lớn có vài trăm người trong nghề đến nghe.
Gia đình tôi cũng đã tính đến chuyện đó, nên vào những kỳ nghỉ hè, khi mọi người được nghỉ ngơi đi chơi, đi du lịch thì tôi lại học thêu thùa, may vá, nấu ăn,… vì bố mẹ luôn muốn tôi theo nghệ thuật, nhưng cũng muốn con cái có được những con đường khác nếu như không theo nghiệp.
Đó chẳng phải là việc trung thành với đam mê hay không, đơn giản chỉ bởi tình thương của bố mẹ với con cái bao giờ cũng lớn lao, và luôn muốn những thứ tốt đẹp nhất đến với con, mong muốn con tự đứng vững trên đôi chân của chính mình’.