Biến chứng từ sâu răng
Bệnh phổ biến nhất của răng là sâu răng, viêm lợi, viêm nướu hoặc nhiễm trùng vùng miệng. TS Ngô Đồng Khanh, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết, có không ít trường hợp chỉ vì một cái răng sâu mà các bác sĩ (BS) buộc phải cắt bỏ đi cả một đoạn xương hàm. Phần lớn là do người bệnh chủ quan, không đi khám, tự ý mua thuốc uống hoặc tìm cách “vượt qua nỗi đau” bằng các bài thuốc dân gian. Đến khi người bệnh tìm đến BS thì tình trạng đã quá nặng. Khi đó, có thể tủy răng chết và vùng viêm nhiễm đã lan đến xoang gây viêm xoang, viêm hàm…
BS Lê Hồng Hà, Phòng chỉ đạo chuyên khoa BV Răng Hàm Mặt, TP.HCM, cho biết: Do chân răng (răng hàm trên) nằm sát xoang hàm, nên khi vùng răng bị sâu lan rộng sẽ làm tổn thương xoang, gây nên những cơn đau nhức dữ dội. Khi đó, nếu ở giai đoạn sớm chỉ cần điều trị bệnh lý sâu răng thì đồng thời bệnh xoang sẽ tự khỏi. Nếu muộn, không chỉ phải nhổ bỏ răng mà xoang đã bị viêm nhiễm nặng nề. Khi đó, cần điều trị thêm cả xoang.
Một biến chứng khác khi sâu răng là gây nhiễm trùng chóp dẫn đến tạo nang, áp-xe trong xương hàm (xảy ra ở cả hai hàm). Để xử lý, BS sẽ phẫu thuật để “múc” ổ nhiễm trùng. Tùy mức độ nhiễm trùng, xương hàm có thể bị phồng, bị phá hủy, bị tiêu đi hoặc gãy. Điều này còn khiến việc phục hình răng giả trở nên khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.
Do vậy, cần lưu ý trường hợp răng có triệu chứng buốt khi ăn uống các món nóng, lạnh, chua, ngọt; khi thức ăn bị nhét nhiều ở kẽ răng thì cần phải đi khám ngay để được điều trị sớm. Khi đó, không chỉ cứu được răng mà còn ngăn chặn được các biến chứng.
Nhiễm trùng huyết vì…viêm nha chu
Viêm nha chu là bệnh khá phổ biến. Theo điều tra dịch tễ học của Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội, có đến 60% dân số ở độ tuổi 35-45 mắc các bệnh nha chu.
Biểu hiện của bệnh ở giai đoạn sớm là nướu bị viêm đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng hay khi người bệnh nút mạnh. Người bệnh chỉ cần đến các phòng khám nha khoa, lấy vôi răng thì nướu sẽ phục hồi hồng hào lại như cũ và hết bị chảy máu.
Ngược lại, nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu với biểu hiện là các tổ chức nâng đỡ răng bị tiêu hủy, nướu bị tuột làm răng trông có vẻ dài hơn; tiêu xương ở ổ răng, thành lập túi nha chu, sưng đau, chảy mủ, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng vĩnh viễn. Khi đó, việc điều trị sẽ trở nên rất phức tạp, tốn kém thời gian. Viêm nha chu có thể gây mất răng hàng loạt, nhiều cái liền kề, thậm chí phần nướu và xương hàm cũng bị tiêu đi, không có khả năng phục hồi.
Nguy hiểm hơn, nhiễm trùng nha chu được xem là một trong những nguyên nhân gây nên một số căn bệnh khác như: tiểu đường, bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch, nhiễm trùng nội tâm mạc, máu dễ bị vón cục, đường kính mạch máu bị thu nhỏ), khả năng sinh non và thiếu cân ở phụ nữ mang thai. Cụ thể, vi khuẩn trong túi nha chu sẽ xâm nhập vào đường tuần hoàn máu, trực tiếp tác động lên tim và mạch máu. Cách khác, vi khuẩn nha chu và độc tố của chúng gián tiếp tác động lên gan làm sản sinh những chất có hại cho hệ thống tim mạch. Do vậy, nhiễm trùng nha chu là một trong những tác nhân gây suy yếu hệ tim mạch, là yếu tố gây nên tình trạng tai biến mạch máu, đột quỵ, suy tim. Vi khuẩn cũng theo đường tuần hoàn máu đến các tế bào và gây nên hiện tượng “kháng insulin”, khiến tuyến tụy phải cố gắng tăng tiết insulin. Nếu tình trạng này kéo dài, tuyến tụy sẽ suy nhược dẫn đến bệnh tiểu đường.
Một số thống kê trên thế giới cho thấy, có đến hơn 10% phụ nữ mang thai sinh non khi không điều trị bệnh nha chu; tỷ lệ này ở số phụ nữ được điều trị giảm còn 1,8%. Bởi, nhiễm trùng nha chu khi đang mang thai có khả năng gây nên sự giãn nở và co thắt tử cung dẫn đến sinh non.
PGS-TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam: nếu có thói quen ăn nhiều thức ăn có đường, ăn vặt thường xuyên mà không súc miệng, chải răng thì nguy cơ mắc các bệnh răng miệng rất cao. Ngoài việc chải răng, các BS khuyên nên kết hợp dùng nước súc miệng có flo hoặc nước muối loãng để giúp làm sạch các vi khuẩn bám trong khoang miệng. Dùng chỉ nha khoa thay việc dùng tăm xỉa răng sẽ tránh gây trầy xước nướu răng, bảo vệ nướu và các kẽ răng.
Ngoài ra cũng cần giữ thói quen khám răng định kỳ sáu tháng/lần để phát hiện sớm bệnh lý sâu răng, viêm nướu…