Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đã cho biết như vậy tại Hội thảo Giải pháp giúp phát triển chiều cao cho trẻ được tổ chức vào sáng ngày 26/3/2013. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn trung bình thế giới là 10cm, con số này ở nữ là 13cm. Theo bác sĩ Diệp, một trong những nguyên nhân cốt yếu của tình trạng này do trẻ chưa có được một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng độ tuổi. Để phát triển được tối đa chiều cao, trẻ cần được chăm sóc ngay từ khi tượng hình trong bụng mẹ và xuyên suốt cho đến lúc dậy thì.
Để trẻ không bị suy dinh dưỡng và phát triển tối đa chiều cao, cha mẹ cần chú đến ba giai đoạn: thời kỳ mang thai, khi trẻ dưới 5 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì. Trong đó, tiền dậy thì là giai đoạn phát triển chiều cao tốt nhất nhưng lại dễ bị bỏ qua. Độ tuổi tiền dậy thì khác nhau tùy theo từng bé nhưng thường đến trước tuổi dậy thì một năm, đột nhiên trẻ ăn rất nhiều, có sự tăng trưởng nhanh, nhiều trẻ trở nên rất mập. Bé có thể thừa cân (nhưng không phải là béo phì) trong giai đoạn này song cha mẹ không nên quá lo lắng, tránh hạn chế việc ăn uống của bé. Cha mẹ cần đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ. Cụ thể, nhu cầu dinh dưỡng của một trẻ từ 7-9 tuổi đã tương đương với một người trưởng thành, với mức 1.800Kcal/ngày. Nam từ 10-12 tuổi cần đến 2.100Kcal/ngày, nữ: 2.000Kcal/ngày. Trong đó, lượng protein phải đạt khoảng 1/3 để giúp trẻ phát triển xương tốt. Cha mẹ nên cho con ăn đủ các nhóm thực phẩm cơ bản: đạm – bột đường- béo; rau – trái cây. Trong đó, nhóm đạm nên ưu tiên thực phẩm xuất phát từ động vật; chú ý bổ sung vitamin A và vitamin nhóm B; các khoáng chất canxi, phốt pho, kẽm, sắt, I ốt, magiê… Nên phân bổ bữa ăn hợp lý với 3 bữa chính và 2 bữa phụ như sau: bữa sáng chiếm 20-25% năng lượng cả ngày, bữa trưa: 30-40%, bữa tối: 25-30%, bữa phụ: 5-10%. Nếu ăn đầy đủ nhưng trẻ vẫn chậm phát triển chiều cao thì nhiều khả năng trẻ hấp thụ dinh dưỡng kém. Khi đó nên đưa trẻ đến trung tâm dinh dưỡng thăm khám để được hướng dẫn bổ sung thêm cho trẻ những vi chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Diệp đưa ra một số khuyến nghị trong việc chăm sóc cho trẻ em lứa tuổi tiểu học: Ăn đa dạng thực phẩm. Ăn sáng đều, không bỏ bữa. Hạn chế những thức ăn có nhiều đường, nhiều muối, chất béo. Uống đủ hai lần sữa mỗi ngày. Ăn ít nhất hai lần trái cây và 3-5 phần rau trong ngày. Tiếp xúc với ánh nắng sớm. Đi ngủ sớm và ngủ đủ thời gian.