Ăn gì cũng không cảm nhận được vị thức ăn ngọt, mặn, đắng, chua…
Những ngày gần đây, chị Hoài ở Hai Bà Trưng, Hà Nội liên tiếp bị chồng chê trong chuyện nấu ăn. Theo lời chồng chị thì: món xào mặn như kho, món canh lại thiếu muối, pha nước chấm ngọt như pha nước đường để uống.
Chị Hoài vốn rất tự hào vì chồng chị rất “mê” các món chị nấu, giờ bị chồng chê chị đâm ra lo lắng. Chị thừa nhận rằng từ mấy tháng trước khả năng cảm nhận mùi vị các món ăn có dấu hiệu suy giảm. Các món ăn chị chế biến nhiều khi không được “tròn vị” như xưa.
Đặc biệt, ngay cả những món người khác nấu chị cũng không cảm thấy ngon, nhiều khi còn không cảm thấy có vị gì cho dù nhiều người khác lại khen là rất ngon.
Nghi ngờ, khả năng cảm nhận vị giác của mình có vấn đề, chị Hoài đến bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ cho biết chị mắc chứng rối loạn vị giác cần được sớm điều trị.
Không mất vị triền miên như chị Hoài nhưng chị Phương ở Thành phố Bắc Ninh cũng vài lần gặp rắc rối vì chứng “ăn mà không biết vị gì”.
Có hôm đang chế biến món canh chua cá lóc, không hiểu nêm nếm kiểu gì, cho bao nhiêu ớt vẫn không thấy có vị cay, vừa nấu vừa nếm thấy chưa đủ chị lại cho thêm. Kết quả là, nồi canh chua thành canh ớt, cả nhà không thể ăn được.
Đến khi đi khám chị cũng được bác sĩ kết luận vị giác của chị giảm là biểu hiện chứng rối loạn vị giác tạm thời.
Rối loạn vị giác: không chữa kịp thời coi chừng nguy hiểm
Chứng rối loạn vị giác được hiểu đơn giản là có cảm giác không thật ở lưỡi, không cảm nhận được vị thức ăn ngọt, mặn, đắng, chua… và không thấy thức ăn ngon hay không ngon, thậm chí không phân biệt được thức ăn hư.
Rối loạn vị giác có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân. Rối loạn vị giác được chia làm 2 dạng cơ bản: Mất vị giác và giảm vị giác.
Mất vị giác là bệnh nhân không còn khả năng phân biệt được các vị, chỉ nhận biết một số vị hoặc không cảm nhận được vị của một số chất. Giảm vị giác là khả năng cảm nhận các vị giảm, thậmi chí là sai vị. Có người giảm khả năng cảm nhận hoàn toàn với tất cả các vị, nhưng cũng có người cảm nhận với một số vị.
Theo nghiên cứu, có 3 nguyên nhân gây ra rối loạn vị giác: giảm chức năng ở các dây thần kinh chuyển cảm giác nếm lên não (mất vận chuyển), tổn thương dây thần kinh hướng tâm vị giác (mất thần kinh). hoặc “trục trặc” tại các nụ nếm (mất cảm giác).
Mất vị giác vận chuyển thường là do khô miệng vì các nguyên nhân: Xạ trị, nhiễm độc kim loại nặng và hình thành khuẩn lạc ở nhú vị giác (nụ nếm).
Mất vị giác cảm giác thường xuất phát từ các nguyên nhân như: viêm trong khoang miệng, do ảnh hưởng của một số loại thuốc (như thuốc kháng tuyến giáp, thuốc chống ung thư), xạ trị ở khoang miệng và hầu, nhiễm virus, rối loạn nội tiết…
Mất vị giác thần kinh xảy ra do: Chấn thương, các phẫu thuật làm tổn thương thần kinh hướng tâm vị giác. Trường hợp này thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh thận do tăng ngưỡng vị giác đối với vị ngọt và vị chua. Tuy nhiên, sau khi lọc máu bệnh sẽ tự khỏi.
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn vị giác như tác dụng của dược phẩm; tổn thương dây thần kinh mặt số 7 và dây thần kinh thiệt hầu số 9; nhiễm nấm trên lưỡi; béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp; xạ trị ung thư đầu và cổ.
Mất vị giác cũng chính là mất đi một hệ thống cảnh báo những nguy hiểm mà chúng ta có thể gặp phải khi ăn phải thức ăn có chất độc, thiu, thức ăn dễ gây dị ứng…
Bệnh nhân bị rối loạn vị giác nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả là ăn uống không khoa học khiến cơ thể thiếu chất, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Khi cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng do chán ăn có thể gây ra tình trạng kiệt sức hoặc suy nhược trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Đặc biệt khi mùa hè đến, các loại thức ăn nếu không được bảo quản rất dễ bị ôi thiu, người rối loạn vị giác sẽ không thể phân biệt được thức ăn có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không, nếu ăn phải những thức ăn đó sẽ bị ngộ độc và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Tuy nhiên, điều trị rối loạn vị giác chỉ thực hiện được ở một số nguyên nhân như nhiễm độc sau virus, do viêm, do nấm họng… bằng các thuốc kháng sinh, chống nấm, chống viêm, các vitamin nhóm B, an thần…
Đặc biệt, trong điều kiện như hiện nay các phương pháp đo lường vị giác còn rất hạn chế nên việc điều trị rối loạn vị giác còn khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng cần phải điều trị sớm.
Bác sĩ Huệ cho rằng, tốt nhất nên dự phòng rối loạn vị giác bằng điều trị sớm các viêm nhiễm tại họng và khoang miệng. Giữ vệ sinh vùng họng sạch sẽ sau mỗi bữa ăn đặc biệt là cho trẻ.