Trang chủ » Danh y xưa và nay » Câu chuyện Danh y » Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)

Bộ Trưởng Phạm Ngọc Thạch với ngành Y tế nhân dân:

Nǎm 1958 khi ông trở về phụ trách ngành y tế, sức khỏe của nhân dân ta suy giảm rất nhiều, nhất là ở những vùng mới được giải phóng tình hình bệnh tật rất nghiêm trọng: bệnh lao chiếm tới 4 % dân số, bệnh sốt rét lan tràn ở miền núi với tỷ lệ người mắc 80-90% làm rất nhiều người chết, người phong lang thang khắp nơi thiếu nơi chạy chữa, bệnh mắt hột làm hàng triệu người mù loà, chưa có cơ sở y tế chǎm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ trẻ em chết bệnh rất cao, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến trong xã hội, các dịch bệnh như dịch tiêu chảy, thổ tả, thương hàn, đậu mùa, sởi, ho gà, bạch hầu…, các bệnh lây theo đường tình dục như giang mai, lậu, hoành hành khắp nơi với tỷ lệ người mắc và người chết rất cao, tuổi thọ trung bình của người dân chưa tới 40…

Ngành y tế nước ta đã phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu chǎm sóc sức khỏe nhân dân trong các vùng tự do, nhưng trước nhiệm vụ mới nặng nề hơn phải quản lí và chǎm sóc sức khỏe cho cả nửa đất nước hoàn toàn giải phóng thì còn yếu và thiếu.

Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, dựa vào sự ưu việt của chế độ ta, vào điều kiện thực tế của ta, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường thích hợp nhất, hiệu quả nhất, xây dựng nền y tế nhân dân, xây dựng 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng và phát triển ngành kết hợp chặt chẽ chính trị và chuyên môn, tư tưởng và tổ chức, phòng bệnh và chữa bệnh, quán triệt phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đông y và tây y, kết hợp y và dược… trong công tác phòng và chữa bệnh, xây dựng mạng lưới y tế từ trung ương đến xã và hợp tác xã, xây dựng y tế nông thôn, tổ chức và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccin, tiêm chủng toàn dân, dấy lên trong cả nước phong trào "vệ sinh yêu nước", vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các công trình vệ sinh – giếng nước, hố xí, nhà tắm, tổ chức và triển khai các cuộc vận động thực hiện phong trào bảo vệ bà mẹ trẻ em, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, tổ chức sản xuất thuốc men, dụng cụ trang thiết bị y tế… giải quyết hàng loạt những vấn đề cơ bản của sự nghiệp y tế, thanh toán những bệnh tật, dịch bệnh do chế độ cũ để lại, bảo vệ, chǎm sóc và tǎng cường có hiệu quả sức khỏe nhân dân. Chỉ trong vòng 3 nǎm, đến nǎm 1958 chúng ta đã chiến thắng được hai dịch bệnh lớn tồn tại đã bao đời là đậu mùa và dịch tả. Chưa đầy 10 nǎm sau mọi dịch bệnh lớn đã bị đẩy lùi: sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván… giảm hẳn, sốt rét, thương hàn không còn phát triển thành dịch nữa, mắt hột được thanh toán, bại liệt được giảm thiểu, người bệnh phong, bệnh lao được tập trung trong các nhà điều dưỡng, các bệnh viện chuyên khoa để chạy chữa và phục hồi chức nǎng, các bệnh giang mai, lậu… được ngǎn chặn để không phát sinh trường hợp mới, các ổ dịch, ổ lây nhiễm bị triệt phá, người mắc bệnh cũ được điều trị tích cực, khắc phục các di chứng, mạng lưới y tế phát triển rộng khắp từ trung ương xuống đến các bản làng hẻo lánh nhất, tổ chức y tế cơ sở được thành lập có từ 3-5 cán bộ y tế bao gồm nữ hộ sinh, thầy thuốc đông y, y sĩ hoặc y tá do dân nuôi, xã hoặc hợp tác xã đảm nhiệm, chi trả mọi chi phí, thuốc men, trang thiết bị, mạng lưới y tế nông thôn, niềm tự hào lớn của sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế, được tạo lập, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó công tác chỉ đạo phong trào vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng dịch có thể tiến hành rất kết quả ngay tại cơ sở. Trên cơ sở mạng lưới y tế chung đó, mạng lưới chống lao, mắt hột, sốt rét, ba tai họa xã hội lớn nhất của đất nước cũng đã được xây dựng, hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh được phát triển, từng bước lớn mạnh, các bệnh viện tuyến trung ương được mở rộng, nâng cao nǎng lực kĩ thuật, nhiều viện, bệnh viện chuyên khoa được thành lập là cơ sở cho những thành tựu về công tác chǎm sóc sức khỏe nhân dân trong các lĩnh vực này.

Công việc xây dựng ngành đang tiến hành rất tốt đẹp thì cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước bùng nổ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại cùng Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Y tế tổ chức lại ngành phù hợp với điều kiện khó khǎn, ác liệt của cuộc chiến đấu mới, tiếp tục các sự nghiệp trên, xây dựng ngành trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh, đa khoa hóa, ngoại khoa hóa cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng không ngừng về mọi mặt đội ngũ cán bộ y tế. Bất cứ nơi nào địch đánh phá, nơi đó tổ chức y tế có thể giải quyết mọi vấn đề của công tác cấp cứu chiến thương, xây dựng 4 tuyến điều trị, phát triển mạnh mẽ mạng lưới y tế, đưa kỹ thuật xuống tuyến dưới, giải quyết một cách tốt đẹp nhất mọi mặt của công tác bảo vệ, chǎm sóc sức khỏe nhân dân và các lực lượng vũ trang, hết lòng hết sức chi viện cho y tế Miền Nam.

Nǎm 1968 hệ thống y tế ở miền Bắc cơ bản đã vững chắc. ở Miền Nam chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai chuyển sang giai đoạn mới ngày càng ác liệt hơn, hi sinh tổn thất nhiều hơn nhưng chiến thắng cũng nhiều hơn, vang dội hơn. ở tuổi 59, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại thiết tha xin vào chiến trường Miền Nam xây dựng và phát triển ngành và đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.

Đánh giá những đóng góp to lớn của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong việc xây dựng và phát triển nền y học, y tế nhân dân, nhà nước ta đã nêu: đứng trước rất nhiều vấn đề khó khǎn và phức tạp của việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân và bộ đội, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, thấm nhuần những tư tưởng và tình cảm lớn của Đảng và phát huy sức mạnh vĩ đại của quần chúng đã cố gắng giải quyết những vấn đề đó một cách cơ bản, có hiệu quả và kịp thời với khả nǎng và phương tiện hiện có của chúng ta. Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã đã nhìn thấy tất cả những bệnh tật hiểm nghèo, di sản của chế độ phong kiến và thực dân cần thanh toán nhanh chóng và tận gốc; đồng chí đã tìm tòi và ra sức phát huy vốn cổ truyền rất quí của dân tộc về y và dược, đã cố gắng vận dụng những hiểu biết, những thành tựu mới nhất của y học thế giới, của y học các nước XHCN cũng như y học các nước khác… Cùng với tập thể lãnh đạo Bộ và đông đảo cán bộ, nhân viên trong ngành, đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức tiêm chủng nhằm bài trừ và phòng ngừa các bệnh tật, di sản của thời trước; tổ chức phong trào vệ sinh yêu nước rộng khắp ở Miền Bắc; tổ chức mạng lưới y tế từ trung ương cho đến hợp tác xã, khu phố, xí nghiệp và mạng lưới cứu thương rất có hiệu quả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; tổ chức cuộc vận động bảo vệ bà mẹ và trẻ em với những thành tích tốt đẹp ngay trong thời chiến; tổ chức việc đào tạo và không ngừng bồi dưỡng về mọi mặt đội ngũ cán bộ y tế đủ sức giải quyết những vấn đề quan trọng nhất và cấp bách nhất của việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh cực kì dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ. Đó là những thành tựu rất quí báu và đẹp đẽ trong biết bao thành tựu, bông hoa của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà nhân dân ta rất tự hào và nhiều bè bạn ta khắp nơi hết lòng khen ngợi." (Phạm Vǎn Đồng).

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với chuyên ngành Lao và Bệnh phổi:

Phạm Ngọc thạch là một trong những thầy thuốc chuyên khoa lao đầu tiên ở Việt Nam. ông đã sớm đi sâu vào chuyên khoa này trong thời gian học cũng như khi đã ra là việc ở Pháp cũng như ở Sài Gòn, là hội viên độc nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu về Lao của Pháp từ 1936, là người sáng lập và Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống Lao Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Chống Lao Thế giới, là người có công lớn nhất xấy dựng chuyên khoa, là người thầy lớn nhất của chuyên khoa lao-bệnh phổi.

Sau kháng chiến chống Pháp, chúng ta tiếp quản một xã hội dầy rẫy bệnh tật trong đó bệnh lao có tỷ lệ mắc tới 4% dân số. Chế độ cũ không hề quan tâm tới việc phòng chống bệnh lao. Công tác chống lao trong xã hội cũ gần như phó mặc cho các tổ chức từ thiện, các bà sơ, người bệnh tự lo. Trong cả nước chỉ có 3 dispensaire (trạm chống lao) để làm công tác tuyên truyền nhiều hơn làm công tác chống lao. Về chữa bệnh, cả miền Bắc chỉ có một chuyên khoa lao nhỏ ở Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở giảng dạy của trường đại học y khoa (không kể 2 phân viện 71 và 74 do ta mới xây dựng). Tỷ lệ lao chết rất cao, nǎm 1942 lên đến 560/100 000 dân, bằng tỷ lệ chết của các nước châu Âu thời trung cổ, cao hơn cả tỷ lệ chết thời kỳ Nga hoàng (300 trong 100 000 người). Đến nǎm 1954 tỉ lệ này cũng chưa thay đổi được bao nhiêu. Hàng nǎm khi đó cả nước có hàng trǎm nghìn người chết vì bệnh lao. Đội ngũ cán bộ chuyên khoa lao lại quá ít ỏi, cả nước vẻn vẹn không quá 10 người. Riêng Viện Chống Lao khi đầu thành lập chỉ có 3 bác sĩ, 1 dược sĩ, 1 phòng xét nghiệm nhỏ với 2 kính hiển vi cổ. Trên cái nền vô cùng khó khǎn đó bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã bắt đầu công tác chống lao với việc thành lập Viện Chống Lao từ ngày 24 tháng 6 nǎm 1957, trở thành trung tâm nghiên cứu và tổ chức chống lao trong nước, trung tâm đào tạo huấn luyện bổ túc cán bộ, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền giáo dục phòng lao. Bộ chỉ đạo công tác chống lao qua hoạt động của Viện do ông trực tiếp làm viện trưởng. Ông đã xây dựng cho chuyên khoa một đường lối chống lao đúng đắn, đường lối nghiên cứu khoa học thực tiễn, phong phú, đa dạng, một hệ thống tổ chức, chỉ đạo, một mạng lưới chống lao hoàn chỉnh dựa vào mạng lưới chung của toàn ngành y tế, đã chǎm lo đào tạo một đội ngũ những người làm công tác chống lao đông đảo, có nhiệt tình và có khả nǎng, tạo nên những nhân tố quyết định cho sự thành công của công tác chống lao ở nước ta đến tận ngày nay.

Từ nǎm 1960, công tác chống lao đã đến được các cơ sở y tế ở nông thôn, thành thị cũng như miền núi, đến hầu hết mọi xã, thôn, bản. ở các xã đã hình thành tổ bệnh nhân, một hình thức sinh hoạt của bệnh nhân để quản lí bệnh nhân, giúp đỡ nhau và kiểm tra lẫn nhau trong điều trị lâu dài dưới sự quản lí của trạm chống lao (xana) xã. Xana xã có nhiệm vụ chữa bệnh lao tại trạm hay tại nhà, kiểm tra việc thực hiện tiêm phòng BCG, theo dõi và tiêm phòng BCG cho các gia đình bệnh nhân, quản lí toàn diện việc chữa cũng như phòng bệnh lao cho cả bệnh nhân và gia đình họ. ở những nơi làm tốt chỉ trong vòng 4 nǎm hiệu quả của công tác phòng chống bệnh lao do các xana mang lại thấy rất rõ. Các trạm xá xã cũng là nơi tập trung và cách ly được những thể lao nặng khỏi gia đình, tách nguồn lây lao ra xa cộng đồng, từng bước khống chế bệnh lao và bước đầu giảm thiểu lao trẻ em.

Hệ thống mạng lưới chống lao huyện cũng được xây dựng vững chắc với trạm chống lao hay tổ chống lao huyện. Các tỉnh có trạm chống lao tỉnh. Tại những tỉnh lớn trạm chống lao tỉnh có các bộ phận X quang, vi trùng, điều trị ngoại trú và một bệnh viện từ 100-500 giường. Tại những tỉnh nhỏ máy X quang dùng chung với bệnh viện đa khoa nhưng trạm vẫn có riêng 10-20 giường để điều trị cấp cứu và phục vụ công tác nghiên cứu theo dõi. Mỗi trạm chống lao tỉnh có kế hoạch chống lao cho tỉnh mình, bao gồm những chỉ tiêu về tiêm phòng lao bằng BCG cho sơ sinh, trẻ em và người lớn, về số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các trạm trong tỉnh cũng như trong bệnh viện, một chương trình nghiên cứu khoa học chủ yếu về dịch tễ học.

Từ 1961-1968 đã tiêm BCG phòng lao và BCG tái chủng cho 20triệu lần/18 triệu dân. Như vậy hầu như đại đa số nhân dân miền Bắc đã được phòng lao. Việc điều trị chủ yếu tổ chức tại nhà. Nǎm 1964 hơn 11 vạn bệnh nhân lao đã được điều trị ngoại trú với hồ sơ, sổ sách theo dõi chặt chẽ. Nǎm 1964 toàn miền Bắc có 6 bệnh viện lao, 55 trạm chống lao tỉnh, thành phố, thị trấn, 240 trạm chống lao xã, 61 trạm an dưỡng tại các xí nghiệp, cơ quan, trường học. Tổng số giường cho bệnh nhân lao lên đến 6444 giường.

Nhờ xây dựng được mạng lưới chống lao rộng khắp đến tận cơ sở, công tác tiêm phòng lao rộng rãi, tỷ lệ lao tiền nhiễm giảm rất nhiều, số trẻ lao màng não và chết vì lao màng não ít hẳn đi, tỉ lệ chết lao từ 400-500/100000 dân xuống còn 20-40/100000 dân, tỉ lệ lao chung trong vòng 3-5 nǎm giảm ít nhất 50%. Hiệp hội Chống Lao Thế giới đã đánh giá tổ chức chống lao của Việt Nam là "một mẫu mực tổ chức chống lao cho những nước có nền kinh tế thấp". Chuyên ngành lao đã có thể từ công tác phòng chống lao là chủ yếu triển khai từng bước sang lĩnh vực các bệnh phổi khác ngay trong mấy nǎm cuối của 10 nǎm xây dựng chuyên ngành lao trong thời kỳ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo chuyên ngành này. Đánh giá cao những thành tựu và những đóng góp của ông trong công tác phòng chống lao, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sỹ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất, nǎm 1958, ông đã được nhà nước tuyên dương là một trong hai Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành y tế.

Phạm Ngọc Thạch và sự nghiệp khoa học:

    Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, người có tài về khoa học quản lí – quản lí ngành y tế, quản lí sức khỏe cộng đồng, quản lí chuyên ngành lao và bệnh phổi.

    Trong khoa học quản lí, điều quan trọng nhất là có đường lối, quan điểm đúng, có cách thức tiến hành phù hợp, có đội ngũ cán bộ đủ số lượng, chất lượng để có thể thực thi công việc, có mạng lưới rộng khắp ở mọi nơi, mọi tuyến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã làm được điều đó cả về mặt lí luận cũng như về thực tiễn.

    Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về công tác y tế, ông đã xây dựng nên 5 phương châm nguyên tắc chỉ đạo, quản lí ngành: kết hợp chặt chẽ chính trị với chuyên môn, tư tưởng với tổ chức, phòng bệnh với chữa bệnh, y với dược, đông y với tây y; luôn luôn nêu cao phương châm phòng bệnh, coi phòng bệnh là chính trong công tác bảo vệ sức khỏe. Ông đã xây dựng được mạng lưới y tế từ trung ương tới xã, hợp tác xã, vấn đề quyết định nhất cho sự thành bại của khoa học quản lí, gây dựng và phát động rộng rãi các phong trào vệ sinh yêu nước, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, tiêm chủng có tính chất quần chúng, phong trào bảo vệ bà mẹ trẻ em, công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, sản xuất thuốc men, trang thiết bị y tế… nghĩa là trong khoa học quản lí ngành y tế ông đã có quan điểm, cách tiến hành rất khoa học, bài bản, đầy đủ, sáng tạo. Những điều ông đã làm thực sự đã đóng góp lớn cho khoa học quản lí ngành y tế không những giai đoạn đó mà cả sau này.

    Trong khoa học quản lí, ông còn là người có tầm nhìn xa mang tính chiến lược về nhiều mặt trong y học và y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, vấn đề y tế nông thôn, tiêm chủng, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống lao, phong, mắt hột, sốt rét, bướu cổ, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, các bệnh lây lan theo đường tình dục, vấn đề dinh dưỡng… và đã có những chủ trương đúng, giải pháp đúng, chương trình khoa học giải quyết những vấn đề này như trong công tác chǎm sóc sức khỏe lấy phòng bệnh làm chính, trong y học dự phòng tổ chức tốt phong trào tiêm chủng rộng rãi, nghiên cứu phương pháp tiêm trong da tiết kiệm và có hiệu quả cao, y tế nông thôn tập trung vào vấn đề phân, nước, rác, nghiên cứu và tổ chức triển khai rộng rãi việc dùng hố xí hai ngǎn, ủ phân tại chỗ, đẩy mạnh phong trào xây dựng hố xí, giếng nước, nhà tắm, giải quyết nạn mù loà do mắt hột bằng cách vận động dùng nước sạch, nước giếng, giải phóng kĩ thuật, cho mổ quặm tại huyện, xã, giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng bằng cách nghiên cứu và khuyến khích sử dụng mọi loại đạm động vật, thực vật, tổ chức tẩy giun bằng các dược phẩm sẵn có trong dân, nghiên cứu các bài thuốc dân gian…

    Trong khoa học quản lí, một đóng góp đáng lưu ý nữa là việc cho thành lập các viện, bệnh viện chǎm lo công tác bảo vệ sức khỏe cho nhiều chuyên ngành: Viện Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em, Viện Bảo vệ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng y học, Viện Nghiên cứu Đông y… có vai trò đầu ngành, các viện và bệnh viện này đã là điểm tựa, là nơi xuất phát cho những bước tiến về công tác chǎm sóc sức khỏe nhân dân trong các lĩnh vực này.

    Trong khoa học lâm sàng ông đã tìm ra phương pháp tiêm chủng phòng lao bằng BCG chết sau khi đã tiến hành nghiên cứu cùng các cộng tác viên của mình trên môi trường nuôi cấy, trên thực nghiệm và trên lâm sàng. Thành công của nghiên cứu này đã khiến việc phòng bệnh lao vượt qua được khó khǎn lớn lao khi đó vì nếu dùng BCG sống thì phụ thuộc vào tủ lạnh, vào nguồn điện bảo quản lạnh vaccin, làm cho việc tiêm chủng phòng lao có thể tiến hành rộng rãi, bảo vệ sức khỏe nhân dân đặc biệt là trẻ em khỏi các dạng lao nặng, giảm tỉ lệ nhiễm lao ở trẻ em, giảm được số trẻ em bị các thể lao kê, lao màng não, giảm tử vong lao ở trẻ. Hơn 20 triệu lượt người trên tổng số 16-18 triệu dân miền Bắc được tiêm chủng, tái chủng tức là hầu hết nhân dân được bảo vệ chống lây nhiễm lao.

    Kết hợp đông tây y trong công tác chữa bệnh, ông đã nghiên cứu dùng filatov tiêm vùng huyệt phổi kết hợp với các thuốc chống lao để điều trị bệnh lao. Trong điều tra dịch tễ bệnh lao ông đã đề ra chương trình nghiên cứu các kĩ thuật thuần nhất đờm đơn giản có thể áp dụng cho mọi tuyến, đặc biệt cho các cơ sở lưu động, nghiên cứu và tìm ra các môi trường có thể sản xuất bằng các nguyên liệu trong nước để nuôi cấy vi trùng lao có thể phổ biến dễ dàng cho các địa phương. Một đóng góp khoa học rất lớn khác của ông là đã đề ra và tổ chức thực hiện ở nước ta việc phát hiện lao trong điều tra dịch tễ lao bằng đờm ngay từ nǎm 1956, một vấn đề khoa học đi trước thời đại mấy chục nǎm khi Tổ chức Y tế Thế giới còn đang chủ trương phát hiện lao bằng chụp huỳnh quang rất tốn kém và ít hiệu quả. Vấn đề này đã được trình bày tại Hội nghị quốc tế chống lao ở New Delhi 1957. Hàng chục nǎm sau Hiệp hội Chống Lao Quốc tế đã thấy rõ giá trị của phương pháp này, phương pháp mà ngày nay Tổ chức Y tế Thế giới coi là quan trọng nhất, đặc hiệu nhất trong việc điều tra phát hiện lao.

Về các bệnh phổi ông cũng tiến hành nghiên cứu nhiều bệnh ở nước ta còn ít hoặc chưa hề được nói đến như các bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm bụi than, nhiễm bụi silic, nấm phổi, sán lá phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản khô chảy máu, hen, ung thư phổi, thâm nhiễm phổi mau bay, xơ phổi, các vấn đề về miễn dịch… những nghiên cứu đã mở ra nhiều chương mới trong bệnh học phổi ở nước ta.

Không kể đến những bài nghiên cứu đǎng trong các tạp chí chuyên môn nước ngoài từ những nǎm 1937-1938, chỉ tính trong vòng 10 nǎm từ 1957 khi ông làm Viện trưởng Viện Chống Lao, ông đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đǎng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế. Nhiều công trình đã được đánh giá cao, được trao đổi rộng rãi và giới thiệu lại trên các tạp chí khoa học nước ngoài.

Có thể kể tới một số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của ông:

– Phòng lao cho người đã có dị ứng bằng BCG chết,

– Về giá trị các môi trường VCL1 và VCL2 trong nuôi cấy vi trùng lao.

– Điều trị bệnh nhân lao ngoài bệnh viện, vaccin BCG chết trong công tác chống lao trẻ em ở Việt Nam.

– Về bệnh nhiễm trùng do Mycobacteria ở Việt Nam.

– Nghiên cứu về tình hình sơ nhiễm ở trẻ em do trực trùng không điển hình.

– Vấn đề phục hồi chức nǎng phổi trong việc điều trị lao phổi mạn tính.

– Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

– Cơ chế kích sinh chất filatov trong điều trị lao phối người lớn tiêm ở vùng huyệt phổi phối hợp với uống INH…

Các sách khoa học đã xuất bản của ông:

– Cơ sở lý luận y học Việt Nam.

– Quán triệt phương châm phòng bệnh trong công tác bảo vệ sức khỏe.

– Mười nǎm xây dựng y tế nông thôn.

Đánh giá những thành tựu đóng góp của ông trong nghiên cứu khoa học, nhà nước ta đã nhận định "Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đã nêu một tấm gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khǎn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại, trong việc vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đồng chí đã thành công trong nhiều công trình nghiên cứu quan trọng"(Phạm Vǎn Đồng). Nǎm 1997, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu tiên.

Gửi thảo luận