Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Chuyện đời » Bàn luận về khía cạnh y đức và dược đức trong cơ chế thị trường ?

Bàn luận về khía cạnh y đức và dược đức trong cơ chế thị trường ?


Việc phân biệt đối xử với từng bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân, đến thái độ phục vụ liên quan và cân đối với độ dày của từng phong bì, xem nhẹ bệnh nhân có bảo hiểm mà coi trọng bệnh nhân không có bảo hiểm, xem nhẹ và thiếu tôn trọng với bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc các đối tượng nghèo, đối tượng vô gia cư; từ khâu tiếp nhận đăng ký khám bệnh, đến khâu khám và chẩn bệnh, điều trị còn nhiều nhiêu khê, quá tiêu cực, từ thái độ hỏi bệnh đến chẩn bệnh và kê toa cũng cần nhiều điều phải bàn, từ sự tắc trách trong xét nghiệm và trả lời kết quả xét nghiệm như một dây chuyển và guồng máy mà không có sự kiểm soát, đánh dấu và chỉ ra bất thường của từng xét nghiệm, từng kết quả của trưởng hoặc phó khoa xét nghiệm có chuyên môn cao nhất; từ cái lắc đầu ngao ngán hay cái ngáp dài uể oải của người thầy thuốc cũng làm cho tâm lý bệnh nhân và người nhà thêm mất bình tĩnh và hoang mang, chuyển từ bệnh nhẹ sẽ thành bệnh nặng vì stress tâm lý; từ thời gian dành tư vấn cho từng bệnh nhân (tối thiểu cần thiết) đến thái độ cử chỉ, hành động đối với từng người bệnh; từ đơn thuốc sao kê không hợp lý với bệnh trạng đến đơn thuốc vi phạm về mặt y đức xâm phạm đến đối tượng tham gia nghiên cứu; Từ chưa thực sự tôn trọng chuyên khoa, như chỉ định sinh thường không cần mổ chuyển sang chỉ định mổ một cách vô lý, từ những biểu hiện đặc trưng cho bệnh da liễu, tai mũi họng, mắt, cột sống,… đặc trưng đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, không phải chuyên khoa của mình vẫn “thí nghiệm điều trị bao vây” đến khi chuyển nặng, điều trị hai đến ba đợt mới “buôn-tha” cho bệnh nhân; Từ suy xét và chẩn đoán sơ bộ, thay vì chỉ định xét nghiệm khu trú cho một nhóm bệnh nào đó thì lại cho làm xét nghiệm tổng quát không cần thiết để thu hồi sớm vốn ở một số số cơ sở y tế công, phòng mạch tư nhân, bệnh viện tư nhân; từ những ca chỉnh hình, nắn chỉnh bó bột có thể lại chuyển sang mổ sớm không cần thiết; từ kê đơn các loại thuốc giá cao (không cần thiết) để có hoa hồng của hãng dược và trình dược viên hay nhà thuốc trên từng đơn thuốc, liên minh tay 3 gồm dược – bác sĩ – bệnh nhân không những làm kiềng 3 chân tốt hơn cho bệnh nhân mà ngược lại là gánh nặng, trục lợi túi tiền cho bệnh nhân và gia đình; từ nhân viên y tế móc nối và làm cò cho bệnh nhân ra ngoài để hưởng hoa hồng, từ thiếu trau dồi và tu dưỡng chuyên môn trong việc xử trí chưa phù hợp với bệnh trạng của từng bệnh nhân,…Tất cả những hình ảnh đó, thông tin đó vấn diễn ra hàng ngày đối với chúng ta, thế những việc chấn hưng cho chúng vẫn chưa bao quát và dưới điều kiện thuận lợi và thời buổi kinh tế thị trường, hình như việc này càng dẫn sâu hơn bao giờ hết!

 

Vấn đề y đức (Medical ethics) và / hoặc Dược đức (Pharmacy Ethics) hiện đang là vấn đề nóng song chưa được giải pháp giải quyết một cách đồng bộ, và thực tế ngày càng diễn ra nghiêm trọng tại các bệnh viện và cơ sở điều trị bệnh khác nhau trên phạm vi toàn quốc. Một số người mau chóng đổ các lỗi đó cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh, dù rằng có, nhưng không nhiều (một số người nhà tấn công bệnh viện, đánh nhân viên y tế,…). Thiết nghĩ y đức và dược đức không ở đâu xa mà tại tâm của mỗi con người nhân viên ngành y tế, không nhất thiết nó phải bằng vật chất, hành động mà chỉ cần đến ánh mắt và nụ cười hay một lời trấn an bệnh nhân cũng đủ khỏi bệnh đến nhường nào, không nên xem bệnh nhân là một vật vô tri vô giác, mà nên xem đó là một cơ thể hoàn hảo biết suy nghĩ, nên tất cả mọi can thiệp lên cơ thể họ đều phải có tính y đức và dược đức,ngay cả khi chúng dùng con vật đẻ nghiên cứu hay làm thí nghiệm vẫn có tính y đức trong đó (Ethics of Animal use). Chúng ta nên nhớ rằng sự nổi tiếng, uy tín, trang bị các thiết bị, phương tiện và kỹ thuật cao, thiết bị y khoa hiện đại của cơ sở điều trị chưa đủ, mà phải biết rằng người bệnh còn rất cần sự lắng nghe trong giao tiếp, sựu tận tâm, quan tâm chia sẻ, đồng cảm và tư vấn thấu tình của những nhân viên y tế, đặc biệt là tất cả thầy thuốc
Nhân bàn về vấn đề y đức và dược đức thời buổi kinh tế thị trường so với trước đây, chúng tôi xin chia sẻ một số khía cạnh y đức và dược đức, tổng hợp từ các nguồn tin viết của nhiều tác giả về y đức trong ngành y tế thời gian qua để chúng ta quan tâm hơn, một lần chúng ta tự là bệnh nhân nằm trên bàn mổ – chỉ khi đó mới thất được tâm thức của bệnh nhân mà chúng ta đã từng đối đãi, hãy là một bệnh nhân chịu lắng nghe để thấy hết khung ảnh về y đức hôm nay, nhớ rằng bệnh nhân là những người thầy ẩn danh của chúng ta nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, một bác sĩ để đạt giỏi thường trả giá bằng cả nhiều nấm mồ hay nghĩa địa, …
Y đức những quy ước không có tính chất pháp lí, nhưng thuộc phạm trù luân lí, đạo đức ràng buộc người thầy thuốc phải chấp hành trong hành nghề hàng ngày, vì danh dự của tập thể, bản thân và quyền lợi của bệnh nhân. Nội dung của y đức được nêu trong lời thề Hippôcrat hay lời thề tương tự của thầy thuốc và cán bộ y tế mới tốt nghiệp ở các nước. Các quy định của YĐ thay đổi theo không gian và thời gian, tuỳ theo các yếu tố tâm lí, tín ngưỡng, phong tục, tập quán sống của mỗi cộng đồng xã hội. Trong xã hội hiện đại, các tiến bộ khoa học và công nghệ y học nêu lên một loạt vấn đề mới đang gây ra nhiều tranh luận chưa được kết luận thống nhất, nhưng đã làm thay đổi một phần các quan niệm thông thường về YĐ như nạo phá thai, thụ tinh nhân tạo cho người, ghép cơ quan, khả năng kéo dài cuộc sống trong khi bệnh nhân không còn ý thức, … Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gọn nội dung của YĐ trong câu " lương y phải như từ mẫu".


Y đức ở một nơi không bình thường
Làm việc trong môi trường mà nhất cử nhất động của nhân viên đều phải cảnh giác vì có thể bị nguy hiểm, thế nhưng với tấm lòng yêu nghề, yêu bệnh nhân nên họ vẫn quyết tâm ở lại với những bệnh nhân mà xã hội gọi bằng cái tên nghe đến nao lòng – người điên.
Nguy hiểm luôn luôn rình rập
Tôi đến bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh vào dịp bệnh viện đang được sửa chữa lại, không khí nóng nực cùng với tiếng máy khoan dường như càng khiến người ta trở nên bức bối khó chịu hơn. “Khi nhân viên mở cửa, em phải bước vào ngay, bước dứt khoát, không được đứng lừng khừng giữa cửa ra vào vì có thể bị giập mặt đấy”. Lời bác sĩ dẫn đường khiến tôi chột dạ.
Đến khoa nội trú nam cũng là lúc khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhân chừng 37 tuổi, bệnh nhân lên cơn kích động, đập phá không chịu nhập viện vì cho rằng mình không có bệnh khiến bác sĩ và các hộ lý ở đây được phen “bầm dập” vì bệnh nhân quá khỏe. Tiếp tôi trong phòng khám chừng 6m2, chỉ đủ kê cái bàn khám bệnh và một chiếc giường, ngăn cách với phòng của bệnh nhân bằng cánh cửa sắt kiên cố, như hiểu thắc mắc của tôi, bác sĩ Vũ Đình Vương – Trưởng Khoa Nội trú nam cười “để bảo toàn mạng sống lỡ bệnh nhân lên cơn kích động và làm liều”.
Trong khoảng thời gian làm việc ở khoa này, bác sĩ Vương không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải đi mua cặp kiếng mới để đeo, vì đang khám bị bệnh nhân đấm thẳng vào mặt mà không kịp né. Trước khi “giao” tôi cho các hộ lý ở đây, bác sĩ Vương còn không quên dặn dò “đi đâu phải có nhân viên của khoa đi kèm, không được tự ý đi một mình, nguy hiểm.”


 

Cô Tống Thị Minh Lâm – nhân viên hộ lý đã bám trụ ở Khoa Bệnh nhân nam trên 20 năm cho biết, ngoài công việc vệ sinh phòng bệnh, cô phải đút cơm cho bệnh nhân, cắt móng tay, chân, cắt tóc; nhiều bệnh nhân không chịu tắm rửa, sợ họ mắc các bệnh ngoài da nên cô cùng các hộ lý lại phải tắm rửa, vệ sinh cho họ. Mỗi lần cho bệnh nhân uống thuốc, cô phải chờ và kiểm tra họ có uống thuốc hay lại giấu thuốc vào kẽ tay, vào dưới lưỡi… Khi bệnh nhân lên cơn kích động, các hộ lý phải giữ bệnh nhân lại. Không ít lần đút cơm cho bệnh nhân cô bị họ phun cơm, nước bọt đầy mặt. Kể về những lần bị bệnh nhân đánh, cô Lâm cười “Hai cái răng cửa của tôi là răng giả đấy, cách đây gần một tháng có bệnh nhân lên cơn kích động, trong lúc vùng vẫy anh ta đấm thẳng vào mặt, hậu quả là hai chiếc răng cửa bay đi. Cũng may nhờ gia đình bệnh nhân hỗ trợ nên tôi mới lắp được chiếc răng giả”.
Hộ lý Bạch Hoàng Hiển cũng cho biết, anh và đồng nghiệp đã nhiều lần bị bệnh nhân siết cổ suýt chết. Nhớ lại những lần chết hụt, anh Hiển vẫn còn tái mặt: “Lần đó trực đêm, tôi bê ghế ra trước cửa ra vào để canh lỡ bệnh nhân trèo tường trốn viện, đêm buồn ngủ quá nên tôi ngồi ngủ gật, lợi dụng lúc tôi đang ngủ gật, hai bệnh nhân nam lấy mền chụp đầu tôi lại rồi bóp cổ. Nghe tiếng tôi ú ớ, chị Minh Lâm nghe được chạy ra la lên, hai bệnh nhân kia sợ quá và buông tôi ra. Lần khác lúc mở cửa cho người nhà bệnh nhân vào thăm, khi cửa vừa mở, bất chợt tôi bị hai bệnh nhân buồng bên kéo tuột vào phòng và siết cổ, cũng may cô y tá thấy cửa mở mà không thấy nhân viên của khoa đâu nên nghi ngờ và ngó vào phòng bên cạnh, thấy tôi bị siết cổ mặt mày tím tái”.


 

Đó là vài trường hợp trong muôn vàn trường hợp xảy ra ở đây, có nhân viên phải mang thương tật cả đời nhưng chỉ được coi là tai nạn lao động. Thủ phạm là người mất trí, người bị tâm thần nên bác sĩ chẳng biết kêu ai, họ chỉ bảo nhau “không được đi một mình và luôn luôn nhìn trước ngó sau.”
Y đức trong những điều giản dị
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân tâm thần lại càng khó khăn gấp bội. Ngoài việc điều trị bằng chuyên môn, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Nhiều lúc các y bác sĩ và các hộ lý còn “hóa thân” thành người bệnh để nói cười tâm sự cùng bệnh nhân. Y tá Nguyễn Thanh Thủy tâm sự: “Thoạt đầu mới vào làm ai cũng sợ nhưng lâu dần thành quen. Không ít nhân viên của bệnh viện bị đánh, bị hất nước vào mặt vì bệnh nhân “ứ chịu mặc quần áo” hay “phải có mẹ em mới chịu tắm cơ”, thậm chí có nhân viên bị bệnh nhân rượt đòi ôm, đòi “yêu”… nhưng đó là những lúc lên cơn còn bình thường họ ngoan lắm. Hiểu được hoàn cảnh và nguồn gốc bệnh của họ nên mình thương lắm. Làm việc ở đây nếu không có tình thương, không có sự cảm thông thì không thể làm nổi…”.


Đang nói chuyện chợt bệnh nhân N.T.T mang vào mấy ly nước ngọt “đãi” các y bác sĩ ở đây với lý do “mẹ con mới cho tiền”, rồi anh lân la trò chuyện, cười đùa. Thấy T. đưa nước ngọt mời và đứng nói chuyện, nhiều bệnh nhân khác cũng bắt chước đem bánh kẹo, trái cây tới “để ăn chung cho vui”. BS. Vương cho biết: “Bình thường bệnh nhân ngoan lắm, rất nghe lời nhân viên ở đây nhưng khi lên cơn họ rượt bác sĩ và nhân viên ở đây chạy lòng vòng khắp khoa. Đối với bệnh nhân tâm thần, sự ngọt ngào dỗ dành để bệnh nhân đỡ căng thẳng thần kinh là rất quan trọng, đôi khi chỉ một phản ứng không khéo, bệnh nhân bị kích động, không những nhân viên rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường mà bệnh tình bệnh nhân càng trở nên phức tạp hơn.”
Làm việc ở bệnh viện tâm thần, ngoài áp lực công việc, y bác sĩ cùng các nhân viên ở đây còn phải đối mặt với áp lực từ người thân và định kiến xã hội. Bản thân họ khi quyết định nhận việc cũng luôn bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ tâm thần ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp… Nhìn bác sĩ, hộ lý ở đây đang dần đến tuổi cần được nghỉ ngơi, tôi chợt giật mình vì không biết liệu những ai sẽ đủ can đảm để tiếp nối công việc của họ. Khi hỏi về vấn đề nhân sự, bác sĩ Vương thở dài: “Đó là nỗi lo hiện nay của bệnh viện và trong những cuộc họp, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra thảo luận để tìm ra giải pháp nhưng khi đăng tuyển chả mấy khi nhận được hồ sơ dự tuyển, có người vào làm được vài ngày rồi cũng lấy lý do này nọ xin nghỉ. Không biết ai sẽ thay thế khi chúng tôi về hưu!”. Đó không chỉ là câu hỏi của bác sĩ Vương mà còn là câu hỏi mà Ban giám đốc bệnh viện đang rất đau đầu tìm phương pháp giải quyết.


 

Chia tay bệnh viện tâm thần, chia tay những y bác sĩ, những nhân viên hộ lý đang cần mẫn chăm sóc bệnh nhân trong cơn điên loạn, trong đầu tôi thầm nghĩ: “Y đức đâu phải là những điều gì cao siêu, đâu phải là tấm bảng 12 điều y đức treo lên tường để nhắc nhở… Y đức đôi khi chỉ là hành động không kịp suy nghĩ khi đưa tay cho bệnh nhân cắn vì sợ họ trong cơn kích động sẽ cắn phải lưỡi, hay lặng lẽ cắt tóc, móng tay, tắm rửa cho bệnh nhân, khi lặng lẽ “nhập vai” cùng hát, cùng làm thơ, cùng vui buồn với bệnh nhân”. Ở bệnh viện tâm thần này, “y đức” cứ lặng lẽ tỏa hương.
Y đức không ở đâu xa
Y đức là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn của người bệnh như của mình. Lời Bác Hồ đã dạy "Lương y như từ mẫu". Y đức không ở đâu xa, đó là thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ – cái mà người bệnh rất cần.  
Lâu nay, nhiều người (ngay cả nhân viên y tế) cứ nghĩ rằng, y đức chỉ là những gì to tát, là những vấn đề liên quan đến yếu tố chuyên môn sâu nhiều hơn, mà quên rằng, y đức không ở đâu xa, đó là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế. Đó là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và thân nhân họ.
Trong 12 điều y đức (tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế), Điều 4 có nói: "Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình…; phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị…". Thế nhưng, lâu nay tại các bệnh viện (BV), cơ sở y tế, nhiều nhân viên, y, bác sĩ ít quan tâm nhiều đến khía cạnh tiếp xúc, chia sẻ với bệnh nhân; một số y, bác sĩ rất "tiết kiệm" lời, khiến người bệnh rất e ngại mỗi khi vào BV, nhất là những BV công!
Gần đây, khi rất nhiều BV tư mở ra, họ không hơn BV công về chuyên môn nhưng vượt trội BV công ở cử chỉ giao tiếp, thái độ phục vụ. Chính điều đó đã "kéo" một lượng lớn người bệnh đến với BV tư, mặc dù giá cả BV tư có một số nơi cao hơn, nhưng ở đó, người bệnh cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm trong quá trình chữa bệnh. Điều đó đã khiến một số BV công phải nhìn nhận lại, thay đổi cung cách phục vụ người bệnh trong bối cảnh đầy sự cạnh tranh giữa y tế công – tư. Và gần đây, rất nhiều đơn vị y tế (cả công và tư) đã chú tâm hơn về y đức ở khía cạnh giao tiếp, phục vụ bệnh nhân. Một số nơi đã triển khai những chương trình, mời các chuyên viên đến huấn luyện y, bác sĩ về cách giao tiếp, thái độ phục vụ người bệnh; cũng như cải tiến một số khâu phục vụ nhằm đem lại những điều tốt hơn cho người bệnh.
Tại TP.HCM, mới đây BV Da liễu đã khai giảng một lớp học "đặc biệt" dành cho nhân viên, y, bác sĩ của BV. Lớp học ấy không phải về chuyên môn y khoa, mà là lớp "Kỹ năng giao tiếp trong phục vụ người bệnh"! Giám đốc BV – bác sĩ Vũ Hồng Thái nói: "Lâu nay, người bệnh luôn bức xúc về cung cách phục vụ, thái độ giao tiếp rất kém tại các cơ sở y tế, điều đó là rất đúng. Người bệnh không được tôn trọng, bị xem như là đối tượng cần sự ban ơn, bị quát nạt, phải chờ đợi lâu. Vì thế, mục tiêu của lớp học là làm sao cho toàn bộ nhân viên của BV nhận thức rõ rằng, việc phục vụ người bệnh là một dạng phục vụ khách hàng đặc biệt. Quan hệ giữa nhân viên y tế và người bệnh cũng là quan hệ giữa người cung ứng dịch vụ và khách hàng. Làm tốt mối quan hệ này là việc làm bức thiết trong việc xây dựng y đức của người thầy thuốc, đó là những điều đơn giản nhất, màtrong y đức đã quy định, nhưng lâu nay các BV bỏ quên!".
BV Chợ Rẫy cũng đã chi ra 100 triệu đồng để mời các chuyên gia đến nói chuyện, huấn luyện về thái độ giao tiếp, cung cách phục vụ. Bởi, qua các đơn thư phản ánh, BV này tổng kết lại và thấy phần lớn là phản ánh về thái độ giao tiếp, cách phục vụ của y, bác sĩ, còn phản ánh về chuyên môn rất ít!
Một BV công khác tại TP.HCM là BV Nhân dân Gia Định cũng vừa tổ chức hai lớp "Văn hóa giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân". Giám đốc BV – bác sĩ Đỗ Hoàng Giao cho biết: "BV mời một chuyên viên đến nói chuyện, thấy hay quá, nhiều y, bác sĩ đã đi học đến hai lớp! Lâu lâu BV sẽ tổ chức lớp nhắc lại, chứ không phải làm một lần rồi thôi. Bên cạnh đó, đầu tháng 3 tới, BV sẽ tổ chức khám bệnh sớm hơn thường lệ 1 giờ (bắt đầu vào 6 giờ sáng), cũng là nhằm phục vụ nhu cầu người bệnh tốt hơn. Đó là những yếu tố y đức cơ bản cần phải thay đổi".
Một BV công nữa là BV Nhi đồng 1 cũng vừa kết thúc lớp "Giao tiếp, tâm lý người bệnh". Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc BV nói: "Mục tiêu của lớp huấn luyện nhằm tăng cường phục vụ người bệnh tốt hơn. Hiểu được tâm lý người bệnh, sẽ cải thiện được cách giao tiếp, làm hài lòng bệnh nhân, thân nhân của họ…".
Ở khu vực y tế tư, hôm cuối năm, BV FV (TP.HCM) cũng phát động chương trình y đức. Bác sĩ Jean – Marcel Guillon – Tổng giám đốc FV nói: "Kỹ thuật cao, phương tiện hiện đại của BV là chưa đủ, người bệnh còn rất cần sự tận tâm, quan tâm chia sẻ, đồng cảm của thầy thuốc".
Một đơn vị y tế tư khác là Trung tâm chẩn đoán y khoa – Medic cũng đã làm người bệnh hài lòng hơn bằng việc triển khai dịch vụ xét nghiệm tại nhà (nhân viên y tế của trung tâm đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm và đem trả kết quả tận nhà, nếu người bệnh có nhu cầu). Đồng thời trung tâm cũng tổ chức khám bệnh từ… lúc 4 giờ sáng (thay vì 7 giờ như trước đây). Bác sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc trung tâm cho biết: "Việc triển khai khám bệnh sớm hơn thường lệ 3 giờ đồng hồ đã giúp giải quyết thêm từ 300 – 400 bệnh nhân mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu cho nhiều người bệnh đi khám sớm, rồi đi làm luôn không phải nghỉ buổi làm việc".


'Y đức bác sĩ' khuấy động ngành y năm 2011

Chưa năm nào y đức bác sĩ được nhắc đến nhiều như 2011, sau hàng loạt vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, khiếu kiện; 5 bệnh viện cam kết nói không với phong bì; bệnh tay chân miệng bùng phát với quy mô lớn…

Bệnh tay chân miệng bùng phát, địa phương e dè công bố dịch

Xuất hiện từ vài năm trước, nhưng đến năm nay bệnh tay chân miệng mới bùng phát mạnh, lan rộng trên cả nước và trở thành nỗi lo của tất cả ông bố bà mẹ. Tháng 8, bệnh lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong, thì đến tháng 11, cả nước đã ghi nhận hơn 90.000 trường hợp mắc bệnh với 153 em bé tử vong. Hàng loạt trường học tại ở các 3 miền Bắc, Trung, Nam phải đóng cửa vì bệnh lây lan chóng mặt. Các chuyên gia và các bác sĩ đã cảnh báo về việc đã đến lúc ngành y tế công bố dịch.

Tuy nhiên, trong những tháng cao trào đó, hầu như tất cả địa phương đều khẳng định bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa cần thiết phải công bố dịch. Tháng 11, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất "can đảm" ra tuyên bố này, toàn bộ nhân lực tập trung cho việc dập dịch. Giữa tháng 12, tỉnh công bố hết dịch. Bộ Y tế cho rằng quyền công bố dịch là của các địa phương và đưa ra hướng dẫn cụ thể, song nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân Bộ Y tế cũng chưa đóng tốt vai trò đầu tàu, góp phần khiến bệnh lan nhanh khó kiểm soát.

Bác sĩ liên tiếp bị người nhà bệnh nhân hành hung, khiếu kiện

Năm 2011 là năm "kỷ lục" của ngành y về số vụ xung đột giữa bệnh nhân với bác sĩ cũng như số đơn khiếu kiện thầy thuốc. Hàng loạt bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công tại nơi làm việc, như nhân viên cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai bị chửi mắng, đạp vào bụng, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị đâm chết, một số người bị rượt đánh… khiến những người làm nghề y hoang mang. "Mình làm nghề cứu người mà không được ai bảo vệ", một bác sĩ bày tỏ.
Tuy nhiên, một số người cho rằng những hành động trên là do tức nước vỡ bờ, vì sự giao tiếp không tốt, thái độ vô trách nhiệm của những người làm nghề y. Năm qua cũng chứng kiến hàng chục vụ kiện tụng liên quan đến y đức và chuyên môn của người thầy thuốc, để lại những hậu quả nghiêm trọng như thai phụ tử vong, người bệnh phải cưa chân, hay bệnh nhân mổ thận trái lại cắt bị luôn cả thận phải…
Trong đa số vụ việc, kết luận cuối cùng của cơ chức năng cũng khẳng định phần lỗi không nhỏ thuộc về phía bệnh viện, trong đó bao gồm cả sự tắc trách, thái độ lơ là, lẫn trình độ chuyên môn… của người thầy thuốc.


Sai phạm tại các phòng mạch Trung Quốc

Giá khám chữa bệnh "trên trời", quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo… là những thực tế được ghi nhận tại không ít phòng khám có yếu tố nước ngoài ở cả Hà Nội và TP HCM năm qua, khiến nhiều người bức xúc.
Từ đơn khiếu nại của một nữ công nhân về việc chị phải tốn tới 12 triệu đồng cho 4 ngày điều trị phụ khoa tại một cơ sở ở Thái Thịnh, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả, trong số 13 phòng khám có yếu tố nước ngoài, thanh tra sở đã xử phạt 7 cơ sở. Hai bác sĩ người nước ngoài khám chữa bệnh về sản phụ khoa, trĩ bị phát hiện hành nghề khi chưa có giấy phép.
Tuy nhiên, sau khi bị "tuýt còi", một số phòng khám này vẫn tiếp tục "chém" khách. Trong đợt tái kiểm tra giữa tháng 11, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện sai phạm tại 2 cơ sở và tiếp tục xử phạt. Tại TP HCM, Sở Y tế cũng nhận được nhiều phản ánh bức xúc của người dân về việc không ít phòng khám lương y không đeo biển tên, chỉ hỏi qua quýt bệnh nhân mà số tiền tạm ứng điều trị lại cao. Một số phòng khám hoạt động và quảng cáo do lương y nước ngoài đảm trách nhưng không có phép hoạt động.


Năm bệnh viện cam kết 'nói không với phong bì'

Từ cuối tháng 9/2011, 5 bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, bệnh viện K và E bắt đầu thí điểm thực hiện "nói không với phong bì". Nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của phong trào này, khi lâu nay việc đưa và nhận phong bì đã trở thành chuyện thường ngày ở các bệnh viện tuyến trên.
Mặc dù các bệnh viện đều khẳng định từ lâu đã rà soát gắt gao nạn nhận phong bì của nhân viên y tế, nhưng thực tế ngay cả sau khi ký cam kết trên, chuyện bệnh nhân, người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá vẫn tiếp diễn khá phổ biến…
Về thực trạng này, chính những người trong ngành y cũng có ý kiến trái chiều. Không ít bác sĩ cho rằng "phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được" và muốn chấm dứt nạn này, cảbệnh nhân cũng phải kiên quyết nói "không". Các bác sĩ cũng thừa nhận, tệ phong bì không thể một sớm một chiều chấm dứt.
Nói về gốc rễ của nạn phong bì trong ngành y, cố bộ trưởng Y tế Phạm Song cho rằng, nguyên nhân là sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Thực tế, trong ngành y có khá nhiều bác sĩ xem nhẹ chiếc phong bì, vẫn luôn tận tình cứu chữa cho bệnh nhân mà không màng đến tiền hối lộ, trả ơn. Nhiều độc giả bày tỏ sự trân trọng với những lương y thực sự này.


 

Y đức là quá trình rèn luyện
Tài-Đức là hai yếu tố quan trọng nhất của mỗi con người. Đối với ngành y, tài-đức, hay nói cách khác: y đức, y thuật phải luôn được trau rèn. Đối với các bệnh viện, y đức luôn được quan tâm, xây dựng theo quan điểm "phát triển kỹ thuật phải gắn liền với nâng cao y đức"…
Thực tế cho thấy, phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn bệnh viện có tay nghề giỏi, có đạo đức trong sáng, hết lòng vì người bệnh luôn là mục tiêu phấn đấu, sự mong mỏi của các nhà quản lý. Đây là vấn đề sống còn, quyết định đến uy tín, vị thế của mỗi cơ sở y tế và nó được cụ thể hóa trong các quy định chung về chế độ thực hiện bắt buộc trong toàn ngành. TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Tận dụng ưu thế, vượt qua những rào cản
Làm thế nào để nâng cao y đức là vấn đề được nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tích cực tìm lời giải. Không ít nơi đã có được những thành công đáng ghi nhận. Chất lượng khám chữa bệnh nâng cao, phục vụ bệnh nhân tận tình, trách nhiệm ở Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) là một trong những nơi có được thành công đó…


 

Trong điều kiện đất nước hội nhập và phát triển, cùng với những tiến bộ, cái tốt, không ít cái xấu, tệ nạn xã hội cũng tràn vào đất nước ta. Những cám dỗ đang trở thành những rào cản với sự phát triển của y đức. Trong khi đó, đời sống người thầy thuốc với bao lo toan cuộc sống thường ngày và nhiều mối quan hệ xã hội phải giải quyết rất dễ dao động khi thu nhập không đủ. Với hoàn cảnh đó, làm thế nào để giúp người thầy thuốc vững vàng, vượt qua những rào cản, nâng cao y đức là vấn đề Đảng ủy, chỉ huy Bệnh viện 103 chú trọng tìm đáp án.
Bệnh viện 103 không chỉ là một bệnh viện thông thường mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội và cho cả ngành y tế nhân dân. Vì vậy, mỗi một người thầy thuốc từ bác sỹ tới điều dưỡng, nhân viên trên vị trí, trách nhiệm của mình đều phải làm gương cho người học.
Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến Sỹ Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện khẳng định : “xây dựng y đức không thể chỉ kêu gọi suông. Con người ta nếu chỉ kêu gọi, trong những tình huống nhất định sẽ đáp ứng nhưng cứ trường diễn, kéo dài thì nó sẽ thành vấn đề khác. Trong khi mỗi người đều có gia đình, con cái phải học hành, có bố mẹ ốm đau và các quan hệ xã hội phải xử lý. Thu nhập chỉ có đồng lương, nhưng hàng ngày hàng giờ giá cả của thị trường từ mớ rau, cân thịt, cân gạo cũng thay đổi, chứ chưa nói đến những hàng tiêu dùng cao cấp khác. Thế họ lấy tiền ở đâu để tiêu? Nếu bệnh viện chỉ kêu gọi không thì chắc chắn vấp phải những rào cản như vậy”. Từ nhận thưc đó, Đảng ủy và Ban giám đốc bệnh viện đã tập trung vào việc nâng cao đời sống cán bộ chiến sỹ trong khuôn khổ pháp luật, quy định của quân đội cho phép. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An cho biết: việc đầu tiên là tập trung vào quản lý chặt chẽ từng khâu từ khám bệnh, chữa bệnh, từ đấu thầu mua thuốc, vật tư, trang thiết bị, chi tiêu sử dụng hàng ngày để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo được hiệu quả và chất lượng khám chữa bệnh.


 

Việc thứ hai, Bệnh viện chăm lo, tổ chức nhiều khâu hoạt động để tăng thêm thu nhập chính đáng cho bệnh viện để trang trải cho cán bộ, công nhân viên. Tất cả những thu nhập từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác, ngoài dùng để tái đầu tư sức sản xuất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, bệnh viên tập trung chi trả cho người lao động. Chi trả cả dịch vụ y tế cố định, chi trả cả năng suất lao động phát sinh. Cùng với đó, bệnh viện phát huy mối quan hệ của mình và sự giúp đỡ của các cơ quan cấp trên để đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên.
Biến quá trình rèn luyện thành tự rèn luyện
Không hoàn toàn xây dựng y đức bằng những yêu cầu, quy định cứng nhắc, bắt người thầy thuốc phải thế này, phải thế kia đang là hướng đi được nhiều bệnh viện lựa chọn. Giáo dục truyền thống, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc để mọi người nâng cao tinh thần, nêu cao y đức được gắn liền với đẩy mạnh chăm lo đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện.
Để làm tốt việc nêu cao y đức, thái độ phục vụ, Bệnh viện Bạch Mai đã đặc biệt chú ý đến xây dựng phong cách bệnh viện văn hóa. Cán bộ, nhân viên thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử, đạo đức công chức và văn hóa công sở trong toàn bệnh viện. Từ cách mang mặc, giao tiếp, ứng xử được cấp bộ Đảng và người chủ trì các cấp tích cực giáo dục, bồi dưỡng.Việc tổng kết và nhân điển hình tiên tiến tại các đơn vị trong toàn bệnh viện cũng được tiến hành nghiêm túc.
             Đại tá Nguyễn Mạnh Sử, Chính uỷ Bệnh viện 103 khẳng định: “Y đức được xác định là vấn đề sống còn của bệnh viện. Bệnh viện đã tiến hành đa dạng hoá phương pháp giáo dục tư tưởng, tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định rõ, với công tác tư tưởng phải không là… "phải” mà tự chuyển hóa thành nhu cầu, biến quá trình rèn luyện thành tự rèn luyện của mỗi người.
Cùng với công tác giáo dục, bệnh viện có chế độ thưởng phạt rõ ràng. Việc thưởng phạt rất đa dạng, nếu có tiêu cực không chỉ phạt cá nhân người vi phạm mà có thể phạt cả khoa. Ngoài kiểm điểm, khiển trách, phạt tiền, nếu lỗi nặng còn bị điều chuyển công tác.
Bằng việc thực hiện toàn diện các giải pháp: đầu tư phát triển khoa học, kỹ thuật hiện đại; bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thưởng phạt nghiêm minh, nâng cao trình độ kiến thức khám chữa bệnh của cả bệnh viện và của từng cá nhân, nhiều bệnh viện đã  và đang thu được những kết quả tương xứng cho việc đầu tư của mình. Đó chính là uy tín, niềm tin của nhân dân đối với mỗi bệnh viện.
Tân bộ trưởng chấn chỉnh y đức

              Ngay trong ngày đầu làm việc với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, y đức là vấn đề được bà Nguyễn Thị Kim Tiến xem xét, yêu cầu chấn chỉnh. Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức y học", tổ chức sáng 7.8 tại Hải Dương, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: "Hội thảo phải tổ chức trong ngày chủ nhật cho thấy tính bức thiết của vấn đề này vì nếu chờ ngày làm việc thì đã kín hết lịch, mà để lui lại thì không đảm bảo tính cấp bách. Trong khi đó, y đức là vấn đề nổi cộm nhất trong kỳ tiếp xúc cử tri vừa qua".
Theo bà Tiến, vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất là thái độ giao tiếp, việc gây khó dễ cho người bệnh, nhận phong bì… "Theo tôi nhận thấy, những người hay quát nạt, thái độ không tốt với bệnh nhân và người nhà của họ là những người tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân: bộ phận tiếp đón, phát thuốc, hướng dẫn, rồi xét nghiệm… Những người quát nạt có thái độ không tốt hầu như không phải là bác sĩ điều trị. Nhưng lỗi của bác sĩ hay bị kêu ca là khám bệnh đôi khi còn sơ sài, không trao đổi kỹ với bệnh nhân. Tất nhiên tồn tại này còn do quá tải, bác sĩ không có nhiều thời gian cho người bệnh", bà Tiến nói và cho biết chính bà từng chứng kiến người nhà bệnh nhân phải bỏ tiền vào túi điều dưỡng để nhân viên này thay drap mới cho người bệnh… "Trước đây điều dưỡng gọi là y tá, mà y tá từng được đặt biệt danh là y tướng", bà Tiến bức xúc.
"Cần phải có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Y đức của truyền thống là bảo mật thông tin người bệnh, ân cần chăm sóc người bệnh nhưng y đức của thời cơ chế thị trường còn phải là: kê đơn, là chỉ định chẩn đoán xét nghiệm. Tại sao đơn thuốc cứ  kê 5-7 thuốc trong khi có thể là đơn 2-3 thuốc; tại sao không kê thuốc tên gốc để bệnh nhân có thể mua với giá vài trăm ngàn mà cứ kê tên thương mại khiến người bệnh phải mua với số tiền đến cả triệu, thậm chí vài triệu đồng? Tại sao vẫn còn tình trạng chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm quá mức cần thiết? Đó chính là y đức", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một giải pháp khác được bà Tiến đề cập là sẽ yêu cầu thanh tra y tế giả trang làm người đi khám bệnh, làm người nhà bệnh nhân để tìm hiểu rõ hơn tình trạng y đức.

Tăng y đức trước khi tăng viện phí?

Với người thầy thuốc, y đức phải được đặt lên hàng đầu. Vậy việc tăng viện phí có cần phải hiện ngay khi nhiều nơi y đức chưa được quan tâm đúng mức?  
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá mạnh. Chẳng hạn, đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, mức thu được đề xuất điều chỉnh tăng từ 6.000-25.000 đồng/lần khám. Đối với giường điều trị nội trú, dự kiến mức điều chỉnh cho một ngày/giường bệnh ở tuyến xã sẽ từ 10.000 – 15.000 đồng, hồi sức cấp cứu từ 30.000 đồng đến tối đa là 120.000 đồng….
Theo lý giải của Bộ Y tế, việc tăng viện phí ở thời điểm này là rất cấp bách, không thể chần chừ thêm được nữa. Bởi giá thu viện phí hiện nay quá thấp (khung giá đang thu ban hành từ năm 1995). Nhưng trên thực tế thì nhiều khoản đề xuất tăng trong dự thảo đến nay nhiều bệnh viện đã thực hiện từ cách đây 2-3 năm, cụ thể là giá khám bệnh trung bình hiện nay từ 30.000-50.000 đồng/lần; giá giường bệnh bình quân cao hơn mức giá dự kiến tăng trong dự thảo…
Nếu thực tế việc tăng giá viện phí theo đúng như lời các quan chức Bộ Y tế khẳng định nhằm chấm dứt tình trạng để bệnh nhân “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh, bao cấp”, tăng thiết bị khám chữa bệnh… thì việc tăng viện phí nhiều khi lại đem lại những hiệu quả tích cực. Bởi người dân sẽ được khám chữa bệnh và chăm sóc bằng những dịch vụ tốt hơn. Và hơn hết là đồng tiền của người bệnh được sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích. Nhưng trong tình hình hiện nay, việc tăng viện phí cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện, nếu không sẽ có tác dụng ngược lại, tạo lỗ hổng cho nhiều kẻ cơ hội “đục nước béo cò” trong khi người bệnh sẽ là người “lãnh đủ”.
Kể cả khi chưa tăng giá viện phí, thì hầu hết các bệnh viện đều đã xé rào tăng một số loại dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, việc thiết lập mặt bằng giá mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều nơi lấy cớ để tăng các loại dịch vụ, bởi mặt bằng giá trước kia thấp như thế mà còn có thể tăng đến mức như hiện nay, vậy khi mặt bằng giá tăng, liệu những nơi này có chịu giữ nguyên giá cũ?
Với thực trạng ở nhiều cơ sở y tế trang thiết bị khá sập xệ, thiếu giường bệnh trầm trọng, khi mà viện phí tăng, liệu có chấm dứt được tình trạng “chiếu manh, chăn chiên”, người dân có được bảo đảm phục vụ một cách chu đáo, được sử dụng dịch vụ xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra?
Nhưng điều đáng lo ngại nhất của người dân hiện nay vẫn là tình trạng thiếu y đức trầm trọng trong một bộ phận những người làm nghề thầy thuốc. Những việc làm của họ đang thực sự đang xúc phạm đến những người làm nghề chân chính, hết lòng vì người bệnh. Nhưng đây là thực tế, không thể phủ nhận.
Nếu không may phải vào bệnh viện, ai cũng có thể dễ dàng được chứng kiến cảnh nhân viên y tế có các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Tình trạng người bệnh bị quát nạt, hạch sách vì một lý do “tế nhị” nào đó vẫn thường xuyên diễn ra. Ở nhiều phòng khám, người ta kháo nhau chỉ cần kẹp tiền vào sổ khám bệnh thì sẽ được ưu tiên khám trước mà không phải xếp hàng. Dễ thấy nhất là ở các phòng sản khoa, mỗi lần tiêm, thay băng, vệ sinh cho sản phụ… nếu có tiền “lót tay” cho y tá, hộ lý thì mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ, “lương y” lại như “từ mẫu”…


 

Những cảnh này ai cũng biết nhưng lại vẫn bỏ qua, vì coi đó là chuyện rất nhỏ so với sức khỏe và tính mạng của người thân đang nằm trên giường bệnh. Và nếu có “kêu” thì cũng chẳng biết kêu ai, vì hầu như chưa bệnh viện nào có một địa chỉ cụ thể để người dân có thể phản ánh những chuyện như vậy. Tất cả những thói quen đó của một bộ phận y bác sỹ và của cả người bệnh đã và đang tạo ra một hình ảnh xấu xí, méo mó về y đức của những người làm nghề cao quý: Cứu người.
Vậy nếu khi tăng viện phí, nhưng vẫn tồn tại tình trạng y bác sỹ không coi việc y đức làm đầu, không trau dồi trình độ chuyên môn thì chẳng những chất lượng khám chữa bệnh không tốt lên mà còn tạo cơ hội cho tiêu cực, nhũng nhiễu hoành hành. Và khi đó, tính mạng của người bệnh sẽ trở nên nguy hiểm biết chừng nào.
Ai cũng biết mong muốn của cơ quan chủ quản là tăng viện phí để hướng tới việc tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Nhưng trước khi tăng viện phí, nên chăng cần có những giải pháp để tăng chất lượng đội ngũ y bác sỹ, nhất là về y đức. Bởi suy cho cùng, những thay đổi cũng là do con người và để phục vụ con người.
Suy ngẫm về y đức của người thầy thuốc
Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành y tế Bình Ðịnh đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, suy ngẫm về văn hóa ứng xử, đạo đức, nhân cách của người thầy thuốc và tác động của xã hội đối với người thầy thuốc.
Thầy thuốc “soi” mình
Lần đầu tiên, ngành y tế tổ chức Hội thi Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành với sự tham gia của 21 đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Bỏ qua “chuyện thắng thua” ở hội thi, đây là dịp để điều dưỡng, bác sĩ và cả cán bộ lãnh đạo ngành y tế tự nhìn lại mình.
Trong ba phần của hội thi: chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm thì phần thi tiểu phẩm về những điều hay và chưa hay của ngành y tế được mọi người quan tâm, cổ vũ nhiều nhất. Nhiều tình huống ứng xử giữa người bệnh và cán bộ y tế mà hầu hết kịch bản dự thi được xây dựng dựa trên thực tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho thấy ứng xử của người thầy thuốc đâu đó vẫn để bệnh nhân phàn nàn.
Đó là câu chuyện nhân viên y tế “phớt lờ”, không hướng dẫn, giải thích cụ thể khi người bệnh có yêu cầu; cáu gắt, thậm chí có thái độ hách dịch khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tình trạng bác sĩ chẩn bệnh bằng “tai”, chữa bệnh bằng “chiếc phong bì”… được các đội thi tái hiện trên sân khấu. Bên cạnh đó, tâm lý nhờ vả, xin-cho của chính người nhà bệnh nhân là một trong những căn nguyên gây ra tình trạng tiêu cực trong bệnh viện.
Cốt truyện hài hước, dí dỏm đã được các đội biểu diễn sinh động với nội dung phê phán cách ứng xử cửa quyền, lợi dụng chức trách của thầy thuốc với bệnh nhân. Bác sĩ Lê Thái Bình – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, rất tâm đắc với hội thi bởi đây là cách giúp các nhân viên y tế tự xem xét, tự “soi” lại cách ứng xử của mình. Dù các quy định về quy tắc ứng xử đã được ban hành nhưng vẫn còn một số cá nhân có thái độ làm bệnh nhân không hài lòng hay những chuyện tiêu cực đau lòng khác mà chính bản thân người trong nghề đã từng gặp phải.
Không dừng ở một hội thi
Hội thi tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử trong ngành y tế lần đầu tiên tổ chức là dịp để các y, bác sĩ ôn lại các quy tắc của ngành. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ – Phó Giám đốc Sở Y tế đúc rút, mỗi tình huống dự thi là một lần trau dồi kỹ năng ứng xử trước người bệnh. Đây là dịp rất tốt để cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành thêm một lần được rèn y đức, luyện tay nghề.
Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế được Bộ Y tế ban hành từ tháng 8/2008 gồm 4 điều: Quy tắc ứng xử chung; quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh; những quy tắc ứng xử với đồng nghiệp; quy tắc ứng xử của lãnh đạo đơn vị… là cơ sở để cán bộ y tế thực hành y đức, mang lại niềm tin cho bệnh nhân. Hội thi sẽ thành công hơn nếu Ban tổ chức thiết kế một số câu hỏi phù hợp hơn cho vị trí công tác thực tế; các thí sinh nghiên cứu sâu hơn để trả lời lưu loát, đúng trọng tâm.
Vẫn biết rằng tình trạng quá tải, khối lượng công việc nhiều nên đôi lúc người thầy thuốc có ứng xử không tốt. Và trong cơ chế hiện nay, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế cần chia sẻ, cộng tác tốt với nhau mới góp phần nâng cao y đức. Dù chưa thể phản ánh hết những góc khuất trong văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong thực tế nhưng ít ra, những tiếng nói trong hội thi cũng góp được chút “gió” để ngành y tế từng bước xây dựng hình ảnh người thầy thuốc đẹp, thân thiện hơn với người bệnh. 
Còn nhớ câu nói của một vị giáo sư, tiến sĩ khoa học, đại ý mỗi cán bộ y tế cần phải lên bàn mổ một lần để hiểu hết tâm trạng của bệnh nhân, thấu hiểu cho bệnh nhân cũng như người nhà của họ. Phải làm sao để khi bệnh nhân tìm đến, các bác sĩ chỉ cần bắt mạch, đặt ống nghe là đã khiến người bệnh yên tâm, tin tưởng. Vì thế, điều dư luận mong muốn là những tình huống ứng xử đã mổ xẻ trong hội thi sẽ được đúc rút thành các bài học kinh nghiệm và chấn chỉnh bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ dừng ở những lời hô hào… 
Y đức là gốc của người thầy thuốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người. Trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y 1948, Trường Y tá liên khu I năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ, tình thương, lòng bác ái, sự tận tâm phục vụ của cán bộ nhân viên ngành y.
`Thư gửi Hội nghị Quân y ngày 3-1-1948, Bác Hồ viết: “Người ta có câu: Lương y kiêm từ mẫu, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền” (*)… Trong tình thương yêu, có lẽ không có tình yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình cảm của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử. Người thầy thuốc phải coi sự đau đớn của người bệnh như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải có chí chịu khó, chịu khổ, giàu lòng bác ái, hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng, gốc của người thầy thuốc là lương y phải như từ mẫu.
Từ tấm lòng lương y như từ mẫu mà nảy sinh những đức tính cần thiết của người cán bộ y tế như niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc, ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò. Có được tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giàu nghèo, tránh được thói hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc với bệnh nhân, tránh được thói qua loa tắc trách trong phục vụ.
Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài in trên báo Nhân dân (ngày 2-9-1952) biểu dương y tá Đàm Văn Hoạch và y tá Phạm Thị Tám xứng đáng là đại biểu dự Đại hội toàn quốc chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, “đồng chí Tám luôn luôn khâu vá, giặt giũ cho anh em thương binh, bệnh binh, dành dụm tiền riêng của mình mua đường nấu chè cho anh em, tìm sách báo đọc cho anh em nghe…”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đã được các thế hệ thầy thuốc Việt Nam tiếp thu vận dụng và được thể hiện trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người Bộ trưởng Bộ Y tế đáng kính, người thầy thuốc có tấm lòng yêu thương con người; giáo sư Tôn Thất Tùng, ngày đêm miệt mài nghiên cứu phương pháp mổ gan không chảy máu cứu sống biết bao người; giáo sư Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc có công lao to lớn trong cuộc chống sốt rét ở nước ta..
Y đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những lời dạy của Bác Hồ về y đức là nội dung quan trọng trong tư tưởng và đạo đức của Người. Trong 20 năm, từ 1947 đến 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tới 25 bức thư gửi ngành y tế, thương binh – xã hội. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bị bệnh, người bị thương, Người đặc biệt quan tâm đến y đức, cái đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân.
Tháng 3-1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.
Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hoá họ. Người ta có câu: “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền…”
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: “… Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y như từ mẫu”…
Với tinh thần nhân văn cao cả, lòng nhân hậu hết mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2-1955, đã nhấn mạnh: “… Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
“Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng…”
Nội dung của y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đầy đủ nhất, sâu sắc nhất và chuẩn xác nhất trong bức thư này. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, trong đó, những người đau ốm, bệnh tật là những người được Người quan tâm nhất. Trong thư gửi cán bộ và nhân viên quân y ngày 31 tháng 7 năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn: “Bác nhắc nhủ các cô, các chú phải:
Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kĩ thuật. Luôn luôn ghi nhớ rằng, người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”
Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã được ngành y tế nước ta từng thời điểm cụ thể hoá, và trở thành nền tảng đạo lí của mọi thầy thuốc, là cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển ngành y tế. Mấy chục năm qua, tuân theo lời dạy về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tấm gương làm việc quên mình, xả thân vì người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân như các giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… đã trở thành niềm tự hào của ngành y tế, được nhân dân quý trọng và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không ít đến một số người làm công tác y tế. Một số ít thầy thuốc, cán bộ y tế cửa quyền, tắc trách, thậm chí chạy theo đồng tiền, coi thường sức khoẻ, mạng sống của người bệnh, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với thiên chức cao cả “trị bệnh cứu người” của người thầy thuốc.
Hơn lúc nào hết, những người thầy thuốc và mọi cán bộ, nhân viên y tế phải chủ động rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần bảo đảm tốt nhất chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Thầy thuốc như mẹ hiền”, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân


Kê toa chống xói mòn y đức

Trong Y Huấn Cách Ngôn, Hải Thượng Lãn Ông có nói: “đạo làm thuốc làm một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Theo đó, y đức Việt Nam cũng dựa trên lương tâm nghề nghiệp và lòng thương yêu bệnh nhân. Môn y đức được giảng dạy ở nhà trường và sinh viên khi tốt nghiệp phải tuyên thệ giữ vững phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Bên cạnh luật khám chữa bệnh, cần có thêm quy định về nghĩa vụ luật, nêu rõ những quy tắc hành nghề như quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, giữa các đồng nghiệp…
Ngày nay, vấn đề y đức vẫn xem trọng việc hành nghề y khoa nhằm chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi ta đi vào cơ chế thị trường thì mặt trái của cơ chế này ảnh hưởng không ít đến vấn đề thực hành y đức, gây nên những bức xúc trong xã hội.
Thầy thuốc cần có tâm – đức – tài
Trong tình hình hiện nay, hệ thống bệnh viện tư nhân phát triển mạnh bên cạnh hệ thống bệnh viện nhà nước. Bệnh viện tư nhân được ưu thế không phải chịu áp lực của quá tải và hạn hẹp của việc cấp nguồn kinh phí như trong lĩnh vực công lập. Và hiện khu vực tư nhân đã đóng góp đáng kể vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ chung. Nhưng, cũng có một hiện tượng không hay mà chúng ta cần nhìn nhận. Một số thầy thuốc, kể cả những người có trình độ chuyên môn cao lại bị cơ chế thị trường làm lu mờ y đức, làm cho ngành y vốn là một ngành thiêng liêng trị bệnh cứu người lại trở thành những dịch vụ mà sự thu nhập không lúc nào cũng phù hợp với công sức bỏ ra. Qua báo chí, chúng ta đã biết có một số bác sĩ ghi đơn lấy hoa hồng, bác sĩ rút thuốc bảo hiểm y tế, lại còn có những trường hợp bác sĩ công chuyển bệnh nhân ra những cơ sở y tế tư nhân để chữa trị. Đây là nỗi nhức nhối trong nghề y mà chúng ta cần chấn chỉnh.
Bên cạnh những hiện tượng tiêu cực, cũng phải công tâm nhìn nhận, vẫn còn đó biết bao gương sáng thầy thuốc, điều dưỡng và hộ lý tận tình chăm sóc bệnh nhân, kể cả những bệnh nhân hiểm nghèo như HIV, AIDS, cùi hủi hay tâm thần. Vấn đề chính ở đây, người thầy thuốc cần có tâm – đức – tài trong việc chăm sóc sức khoẻ người bệnh.
Xoá nghi ngờ “người giàu được phục vụ tốt hơn”
Có một thực tế, các bệnh nhân khi đến khám bệnh ở các cơ sở tư nhân thường được đối xử và tiếp cận tốt hơn ở nhiều phòng khám công lập. Chuyện này có thể quy về phạm trù y đức, nhưng trên thực tế phải thấy rằng, hoàn cảnh làm việc ở hai nơi công và tư có khác nhau. Một nơi thì quá tải, thậm chí siêu quá tải, có bệnh viện khám một buổi sáng với mấy ngàn bệnh nhân, một bác sĩ phải khám từ 50 đến 100 bệnh nhân, thậm chí nhiều hơn nữa. Còn ở các bệnh viện tư, số lượng khám bệnh ít hơn. Tiền khám bệnh và lương bổng ở các cơ sở công cũng có vẻ thiệt thòi hơn ở khu vực tư. Cho nên, sự khác biệt này có những yếu tố khách quan của nó.
Thêm một sự thật nữa, ở một số cơ sở trị bệnh có phát sinh vấn đề bệnh nhân chi thêm tiền thì chất lượng chăm sóc sẽ tốt hơn. Ở đây phải xét hai phía, người bệnh không nên quá dễ dãi trong đưa thù lao riêng cho nhân viên, gây ảnh hưởng đến y đức người thầy thuốc. Và dĩ nhiên, người thầy thuốc cũng phải biết cách từ chối để bảo vệ giá trị thiêng liêng của ngành y. Muốn tránh hiện tượng không hay này, trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, cần có những quy tắc hành nghề và những chế độ thoả đáng với cán bộ ngành y, đặc biệt là các ngành nghề độc hại, cực nhọc… Được như thế sẽ giúp dần xoá bỏ những hiện tượng tiêu cực.
“Một số thầy thuốc, kể cả những người có trình độ chuyên môn cao lại bị cơ chế thị trường làm lu mờ y đức, làm cho ngành y vốn là một ngành thiêng liêng trị bệnh cứu người lại trở thành những dịch vụ mà sự thu nhập không lúc nào cũng phù hợp với công sức bỏ ra”.
Rèn luyện thầy thuốc từ ghế nhà trường
Cần làm gì để tránh xói mòn y đức? Tôi nghĩ, ta cần giáo dục lòng thương người, tính nhân bản ngay cả lúc tuổi còn thơ và ở ghế giảng đường y khoa. Chung quy, vẫn là rèn luyện người thầy thuốc từ ghế nhà trường để đảm bảo nghề làm thuốc là một nghề thiêng liêng có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ mọi người, không kể phải giảng dạy môn giáo dục công dân và làm sao nâng cao tính thương người ở tuổi trẻ thơ. Phải dạy y đức một cách thiết thực, không hình thức và chọn người có tư cách để giảng dạy. Mặt khác, việc làm gương của các bậc đàn anh, bậc thầy cũng là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu tiêu cực trong hành nghề.
Để đảm bảo hành lang pháp lý, cũng như khuôn khổ hành nghề có đạo đức, chúng ta cần có những quy tắc rõ ràng, việc gì được làm, việc gì cấm trong khi phục vụ người bệnh, trên cơ sở lấy bệnh nhân làm trung tâm. Chúng ta cần có bên cạnh luật khám chữa bệnh đang bắt đầu có hiệu lực, là một nghĩa vụ luật rõ ràng, nêu rõ những quy tắc hành nghề như quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, giữa các bạn đồng nghiệp, giữa y và dược… cũng như đảm bảo bí mật nghề nghiệp cho bệnh nhân và thầy thuốc. Cùng với những quy chế đã ban hành, cũng cần có một tổ chức phù hợp để đảm bảo sự hành nghề một cách trong sáng, công bằng và nhân bản, một dạng bác sĩ đoàn như đoàn luật gia bên ngành luật, cho các thầy thuốc.
Không nên từ thiện theo kiểu phong trào
Tiêu cực trong một số đoàn làm từ thiện như báo chí đề cập là không nhiều, bên cạnh hàng trăm, hàng ngàn đoàn đã thực sự giúp đỡ cho những người bệnh cô đơn hay cơ nhỡ. Muốn tránh tiêu cực trong việc làm đáng trân trọng này, vai trò của những trưởng đoàn rất quan trọng, cần nhắc nhở những người làm từ thiện để họ làm tốt và có biện pháp ngăn chặn những hành vi không tốt.
Hành động từ thiện xuất phát từ lòng thương người và giúp đỡ người bệnh trong khó khăn của cuộc sống. Đây là việc làm tự giác vì thương yêu những người bất hạnh trên tinh thần giúp đỡ vô tư. Không nên làm từ thiện theo kiểu phong trào và cần chọn những người có tấm lòng để thực hiện nghĩa cử này.

Gửi thảo luận