Trang chủ » Diễn đàn Danh Y » Luận trị » Có phải thuốc giá rẻ sẽ không chữa được bệnh? Có cách nào quản lý chất lượng thuốc?

Có phải thuốc giá rẻ sẽ không chữa được bệnh? Có cách nào quản lý chất lượng thuốc?

Trong sự kiện nói trên, đại diện Bệnh viện Việt Đức có nêu một ví dụ, hai lọ thuốc kháng sinh, dùng tiêm tĩnh mạch, có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng thuốc, cùng được cấp phép vào VN, cùng đạt chỉ tiêu kỹ thuật trên 70 điểm, nhưng một lọ giá 80.000 đ, một lọ chỉ 8.000 đồng, do khác nước sản xuất. Lọ rẻ tiền hơn sẽ có cơ hội trúng thầu cao hơn, nhưng các bác sĩ và chuyên gia đều cho rằng sẽ không chữa khỏi bệnh.

Theo suy nghĩ thông thường thì ai cũng có thể cho rằng "của rẻ là của ôi" và giá thuốc không tự dưng lại chênh lệch như thế, chất lượng của loại thuốc 8000 đồng kia chắc chắn là có vấn đề. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, VnReview nhận thấy còn có quá nhiều vấn đề liên quan đến thuốc mà người tiêu dùng chưa hiểu rõ cũng như không được tư vấn để biết, xin được chia sẻ với bạn đọc.

Thuốc generic và vấn đề tương đương sinh học

Nói đến vấn đề chất lượng thuốc, trước hết cần phân biệt rõ các khái niệm "thuốc gốc" (còn gọi là thuốc phát minh – innovator drug, patent – protected drug, thuốc brand) và "thuốc generic" (còn gọi là thuốc phiên bản) và khái niệm "tương đương sinh học".

Thuốc gốc/thuốc phát minh/biệt dược là những loại hoạt chất/công thức thuốc mới do các tập đoàn dược phẩm nghiên cứu và phát minh, giữ bản quyền và sản xuất. Loại thuốc này luôn có giá rất cao do giá thành bao gồm cả chi phí nghiên cứu phát minh, thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng, độ an toàn… và kể cả chi phí thâm nhập thị trường (hàng trăm triệu USD cho một dược phẩm mới).

Về mặt lý thuyết thì hầu hết các công ty sản xuất dược phẩm đều có thể phát minh ra một loại thuốc mới và đăng ký bản quyền phát minh đó, nhưng thường thì chỉ có các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia lớn (Big Pharma) với các cơ sở nghiên cứu và các phòng thí nghiệm lớn mới có điều kiện phát minh các loại thuốc mới, do đó dễ hiểu vì sao các loại thuốc hiếm và đắt tiền trên thị trường đều đến từ các công ty dược của Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Mỹ… Một phát minh thuốc được bảo hộ bản quyền khoảng 20 năm, đủ thời gian để các hãng dược thu hồi vốn và có lãi trên phát minh của mình. Bên cạnh việc tự sản xuất, họ có thể bán bản quyền phát minh của các công thức thuốc và các thuốc mua lại bản quyền công thức này tất nhiên cũng có giá rất đắt.

Thuốc generic là các dược phẩm có chứa các hoạt chất đã hết thời gian bảo hộ bản quyền phát minh. Các dược phẩm này được sản xuất, lưu hành dưới tên thương mại (brand generic) hoặc không mang tên thương mại (common generic). Do các thuốc generic chứa các hoạt chất đã được sử dụng nhiều năm (trong suốt thời gian thuốc được bảo hộ bản quyền), đã được chứng minh về độ an toàn và hiệu lực điều trị, vì vậy chỉ cần đánh giá tương đương sinh học so với thuốc phát minh thay vì phải thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng.

Các thuốc generic luôn có giá rẻ hơn so với các thuốc phát minh vì các công ty sản xuất thuốc generic không phải chịu các chi phí liên quan đến chi phí đầu tư cho quá trình nghiên cứu phát triển hoạt chất mới và dạng bào chế. Hiện mỗi năm có khoảng 25-30 hoạt chất hết bản quyền với trị giá hàng chục tỷ USD được các nước trên thế giới đổ xô vào khai thác, và được nhiều nước trên thế giới khuyến khích sử dụng để tăng cơ hội chữa bệnh cho người nghèo cũng như giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, để người bệnh an tâm sử dụng và để đảm bảo thuốc generic cũng cho hiệu quả chữa bệnh tương tự như thuốc gốc, nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu thuốc generic phải chứng minh được tính hiệu quả trong điều trị bằng thử nghiệm chứng minh tương đương sinh học (bioequivalence) với thuốc biệt dược gốc.

Định nghĩa về tương đương sinh học được giải thích khá rõ trong bài viết của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y Dược TPHCM, đăng trên trang medinet.hochiminhcity.gov.vn:

"Tương đương sinh học là khái niệm được dùng để chỉ hai thuốc cùng dạng bào chế (dạng thuốc), chứa cùng lượng dược chất, sử dụng trong cùng điều kiện, có sinh khả dụng, tức có tốc độ hấp thu và mức độ hấp thu vào máu là giống nhau".

Ta biết rằng, một thuốc chỉ cho tác dụng điều trị khi nó được hấp thu vào máu, vào hệ tuần hoàn chung để đến vị trí cơ quan mà nó cho tác dụng. Để diễn tả sự hấp thu của thuốc sau khi uống vào máu như thế nào, người ta dùng khái niệm Sinh khả dụng (Bioavailability). Sinh khả dụng của một thuốc được đánh giá qua tốc độ hấp thu và mức độ hấp thu của thuốc đó vào máu. Người ta đo nồng độ thuốc tối đa đạt được trong máu (viết tắt là Cmax) và thời gian đạt được nồng độ tối đa đó (Tmax) để biết tốc độ hấp thu; và đo diện tích dưới đường cong biểu diễn nồng độ thuốc theo thời gian (Area under the Concentration – Time Curve, viết tắt AUC) để biết mức độ hấp thu của thuốc. Chỉ khi đo và đánh giá được Sinh khả dụng, còn gọi là Sinh khả dụng in vivo, mới chứng minh được tính tương đương sinh học của thuốc.

Như vậy, hai thuốc gọi là tương đương sinh học khi đo Cmax, Tmax, AUC của hai thuốc có sự khác biệt không đáng kể, để khi phát huy tác dụng, hiệu quả điều trị của hai thuốc là giống nhau. Thuốc generic được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc cũng có nghĩa là đạt độ an toàn và hiệu quả điều trị giống như thuốc sáng chế đầu tiên vốn đã được thế giới công nhận.

Những lo ngại về chất lượng thuốc

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng đang sản xuất, nhập khẩu và sử dụng một lượng lớn thuốc generic. Ngoài một số thuốc generic được sản xuất trong nước, phần lớn thuốc nhập khẩu cũng là thuốc generic – theo một số bài viết trên các báo trong nước thì khoảng 80% số thuốc lưu hành tại Việt Nam là loại generic.

Tuy nhiên, mặc dù trên nguyên tắc nói là có công hiệu như thuốc gốc, nhưng trên thực tế thì không phải thuốc generic nào cũng có công hiệu tương đương như thuốc gốc. Dù căn bản là thuốc generic được bào chế dựa trên qui định của bằng sáng chế thuốc gốc, nhưng ở mỗi nước có sự khác biệt về cơ sở, thiết bị để bào chế thuốc, cũng như phẩm chất của nguyên vật liệu sử dụng, trình độ kỹ thuật của đội ngũ công nhân viên, trình độ quản lý sản xuất, kỹ thuật bảo quản nguyên liệu, chế phẩm…, nên phẩm chất của cùng loại thuốc generic khó có thể giống nhau được. Thị trường tồn tại nhiều thuốc generic chỉ giữ các hoạt chất cơ bản, có tác dụng trị bệnh, chất lượng tương đương nhưng các chỉ tiêu khác không thể bằng được thuốc gốc (chỉ tiêu độ hòa tan, khó uống hơn…).

Do đó trên thị trường, cùng một loại hoạt chất nhưng có nhiều thuốc generic khác nhau, và những thuốc generic nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản sẽ luôn có giá cao hơn thuốc generic nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Á, Phi hay châu Mỹ La tinh.

sản xuất thuốc

Quy trình sản xuất thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc

Theo quy định của Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản, Australia, tất cả các thuốc generic đều phải được thử nghiệm chứng minh tương đương sinh học với thuốc gốc thì mới được lưu hành, nhưng thuốc từ các nước đang phát triển thì không phải thuốc nào cũng được chứng minh tương đương sinh học. Tại Việt Nam, do chưa có luật hay quy định nào về việc bắt buộc thử nghiệm tương đương sinh học, nên mới chỉ một số ít thuốc generic sản xuất trong nước có chứng minh tương đương sinh học, điều này dẫn tới một số thuốc kém chất lượng và hiệu quả điều trị kém vẫn lưu hành trên thị trường, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Hiện nay trên thị trường, các thuốc nội thường bị kỳ thị do người dùng thường có xu hướng lựa chọn thuốc ngoại, trong khi "thuốc ngoại" được chọn phần lớn nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Malaysia… mà không phải thuốc nào cũng có chứng minh tương đương sinh học. Mới đây, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết có 37 công ty dược nước ngoài có thuốc bị phát hiện vi phạm chất lượng, trong đó Ấn Độ có tới 25 công ty vi phạm, Hàn Quốc (4 công ty) và các công ty của Mỹ, Pháp, Canada, Pakistan, Philippines, Nga, Đức…

Trong bài viết "Nên cẩn thận với thuốc generic" đăng trên trang Vietsciences, tác giả cho biết, vào năm 2008, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phải cho phát lệnh cấm nhập và bán trên 30 loại thuốc generic sản xuất bởi một viện bào chế dược phẩm lớn nhất của Ấn Độ, sau khi các chuyên viên của FDA khi đến kiểm soát tại chỗ cơ sở sản xuất nhận thấy có quá nhiều yếu kém trong việc sản xuất Âu dược, chẳng hạn ngoài những việc nhỏ như việc trang bị không phù hợp vệ sinh cho công nhân viên trong cơ xưởng điều chế thuốc…., cho đến việc nghiêm trọng là bột thuốc từ một khu vực bào chế loại thuốc này " có thể bay qua được" khu vực sản xuất của các loại thuốc khác. FDA còn đã phát giác việc ghi giả mạo các thành tích kiểm nghiệm công hiệu sinh học trên các chứng từ của cơ sở sản xuất dược phẩm này khi nộp cho FDA để xin nhập bán các thuốc generic vào thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh như trên, việc kiểm nghiệm thuốc generic trước khi cho nhập bán trên thị trường, nhất là thuốc generic được sản xuất tại các nước có trình độ kỹ thuật sản xuất Âu dược còn kém, cần phải được thực thi một cách nghiêm ngặt để bảo đảm sự sử dụng an toàn cho người dân.

Làm thế nào để nhận biết thuốc tốt, giá rẻ?

Thuốc generic rõ ràng có lợi cho người tiêu dùng khi có giá rẻ hơn nhiều so với thuốc gốc, vấn đề là dù giá rẻ hay đắt thì người tiêu dùng vẫn phải được sử dụng thuốc tốt, có hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên hiện Việt Nam chưa có luật về thuốc generic, do đó chưa bắt buộc các loại thuốc nhập khẩu hay tự sản xuất và lưu hành đều có chứng minh tương đương sinh học, cũng như chưa bắt buộc phải ghi chú thông tin tương đương sinh học trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo trong mỗi hộp thuốc, do đó người tiêu dùng không có căn cứ để biết và tin dùng các loại thuốc generic, các bác sĩ cũng không tin tưởng để lựa chọn thuốc rẻ tiền hơn khi kê đơn cho bệnh nhân. Đây cũng là kẽ hở để các công ty kinh doanh dược phẩm nhập nhèm về chất lượng thuốc và thao túng giá thuốc, các bác sĩ kê đơn theo mức "hoa hồng" nhận được, còn người tiêu dùng đang phải mua thuốc mà hoàn toàn không biết gì về chất lượng ngoài cái mác "thuốc ngoại nhập".

Vậy làm thế nào để nhận biết thuốc tốt, giá rẻ?

Người tiêu dùng có thể phân biệt thuốc một phần qua tên thuốc. Mặc dù tên thuốc được đặt khá phức tạp và nhiều khi cả những người trong giới y tế cũng không biết rõ đâu là tên thuốc gốc, đâu là tên thương mại, nhưng nhìn chung có thể dựa vào một số dấu hiệu để nhận biết.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, thông thường khi nghiên cứu và phát minh ra một hoạt chất, các hãng dược sẽ đặt một tên hóa học cho hoạt chất đó gọi là tên DCI (Dénomination Commune Internationale), tên này sẽ xuất hiện trong thành phần công thức thuốc của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất này, sau đó họ sẽ đặt cho thuốc mới một tên thương mại/tên biệt dược, còn các hãng sản xuất thuốc generic sẽ thường dùng tên hoạt chất làm tên thuốc. Ví dụ, thuốc Parlodel có tên DCI là Bromocriptine, có thuốc có generic tên là Bromo-Kin; thuốc Mopral (tên DCI=Omeprazole) có generic Omeprazole.

Như vậy, tên thuốc gốc DCI, tên biệt dược, tên generic là 3 dạng tên cùng một thứ thuốc với giá bán rất khác nhau. Tên thuốc gốc là tên khoa học hóa chất nên được dùng chung trên toàn thế giới. Biệt dược (còn gọi là reference drug, trade name) là thuốc do các labo khám phá, bào chế tự đặt lấy tên, không cho copy. Tên generic do các hãng copy công thức thuốc gốc tự đặt tên.

Thông thường nếu kê đơn bằng DCI thì dược sĩ nhà thuốc có quyền bán biệt dược hoặc generic vì cùng một hoạt chất. Các thầy thuốc thường thích kê tên biệt dược, các nhà thuốc cũng muốn bán các thuốc biệt dược để thu lợi nhuận cao hơn. Để tránh mất bản quyền các hãng dược có thể biến đổi, thêm bớt một vài phân tử trong hóa chất nhưng vẫn giữ nguyên tác dụng thuốc thành ra thuốc mới không làm generic được. Ví dụ: tên thuốc DCI = omeprazole (một loại thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng) có 2 biệt dược là Mopral và Zoltum, trong đó thuốc sau là thuốc copy có trả tiền bản quyền. Omeprazole Merck, Omeprazole Sandoz, Omeprazole Arrow… là generic. Nhưng thuốc Inexium có DCI là esomeprazole, không có generic vì còn bản quyền, giá cao không thể thay thế được…

Từ thông tin trên, có thể tạm nhận biết thuốc gốc và thuốc generic qua tên gọi: thuốc chỉ có tên thương mại, không bao gồm tên hoạt chất trong tên thuốc (và chắc chắn là giá rất cao, hiếm) thì có thể là thuốc gốc; tên thuốc có bao gồm tên hoạt chất chắc chắn là thuốc generic.

Một số thuốc generic có thể sử dụng một tên thương mại không bao gồm tên hoạt chất, do đó có thể bị nhầm với thuốc gốc, khi đó có thể căn cứ vào giá tiền và xuất xứ thuốc để nhận biết. Một viên thuốc kháng sinh chữa viêm họng (thuốc phát minh của Mỹ) giá bán khoảng 26.000 đồng/viên, nhưng với một viên thuốc tương đương sinh học chỉ khoảng 3.200 đồng/viên. Ngoài ra giá thuốc còn phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất (Việt Nam lấy nguyên liệu từ Trung Quốc và Ấn Độ), và chuẩn nguyên liệu ở mỗi khu vực/quốc gia. Để cạnh tranh được với thuốc gốc, thuốc generic chắc chắn phải có giá rẻ hơn thuốc gốc. Để kiểm tra một tên thuốc, bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về tên thuốc đó trên mạng Internet.

Một vấn đề nữa là, làm thế nào để xác minh một thuốc generic đã được chứng minh tương đương sinh học với thuốc gốc hay chưa? Như đã nói ở trên, thuốc có chứng minh tương đương sinh học mới đảm bảo được hiệu quả điều trị, do đó bạn có thể tìm kiếm xem biệt dược được kê đơn trong đơn thuốc của bạn đã có những thuốc generic nào, sau đó tìm hiểu xem thuốc nào có giá tốt mà đã có chứng minh tương đương sinh học. Do quy định ngặt nghèo về chất lượng thuốc generic của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản nên bạn có thể yên tâm khi chọn thuốc generic từ các nước này. Thuốc generic có xuất xứ khác thì có thể tìm và đối chiếu với Danh mục biệt dượcdanh mục thuốc có tài liệu chứng minh tương đương sinh học do Bộ Y tế công bố. Danh mục này vẫn đang tiếp tục được cập nhật.

Như vậy, không phải cứ thuốc rẻ tiền là sẽ không có tác dụng chữa bệnh, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các thuốc giá rẻ, kể cả thuốc nội, nếu tìm kiếm được thông tin tương đương sinh học của thuốc đó. Hy vọng Bộ Y tế sẽ sớm ra quy định ghi rõ thông tin chứng minh tương đương sinh học vào tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc để người dân dễ dàng kiểm tra và tin tưởng sử dụng thuốc giá rẻ.

Gửi thảo luận